Chưa tận dụng được trí thức Việt kiều

18/02/2016 05:14 GMT+7

Nhiều nhà khoa học đã chỉ rõ như vậy tại buổi gặp gỡ thân mật chuyên gia trí thức kiều bào với chủ đề 'Kết nối và đổi mới sáng tạo 2016' do dự án FIRST thuộc Bộ KH-CN phối hợp Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài tổ chức tại TP.HCM hôm qua 17.2.

Nhiều nhà khoa học đã chỉ rõ như vậy tại buổi gặp gỡ thân mật chuyên gia trí thức kiều bào với chủ đề 'Kết nối và đổi mới sáng tạo 2016' do dự án FIRST thuộc Bộ KH-CN phối hợp Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài tổ chức tại TP.HCM hôm qua 17.2.

Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm ứng dụng công nghệ vào sản xuất - Ảnh: Diệp Đức MinhNhiều doanh nghiệp chưa quan tâm ứng dụng công nghệ vào sản xuất - Ảnh: Diệp Đức Minh
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuyên gia trí thức Việt kiều, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân nói: “Tâm huyết và trí tuệ của các chuyên gia trí thức kiều bào là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề KH-CN, kinh tế kỹ thuật quan trọng của đất nước trong những năm tới”.
Xấu hổ vì bị thua kém, tụt hậu…
Đại biểu QH, Phó chủ tịch Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học VN, GS-TS Nguyễn Lân Dũng đặt vấn đề: “Đã đến lúc chúng ta phải biết xấu hổ, xấu hổ vì bị thua kém, tụt hậu, thậm chí lạc hậu so với những quốc gia lân cận, những quốc gia thậm chí có xuất phát điểm thấp hơn chúng ta. Chúng ta không thể đổ lỗi mãi cho chiến tranh được. Đó là cách biện hộ bởi chiến tranh đã kết thúc 40 năm rồi. Tại sao vẫn còn cảnh trẻ con cởi truồng trong cái rét căm da căm thịt? Thử đặt câu hỏi sau 40 năm, Nhật và Hàn đã đạt được những thành tựu gì? Không phải cứ ngồi chờ nguồn lực chất xám từ nước ngoài, ngay trong nước, có những nhà nông rất giỏi, họ sáng chế, làm những sản phẩm tốt đóng góp lớn cho xã hội. Nhưng thử hỏi, chúng ta đã có chính sách nào để khuyến khích họ chưa?”.


Tâm huyết và trí tuệ của các chuyên gia trí thức kiều bào là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề KH-CN, kinh tế kỹ thuật quan trọng của đất nước trong những năm tới

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân


Dẫn chứng cho nhận định này, GS-TS Nguyễn Lân Dũng nêu một số trường hợp mà ông từng chứng kiến. Đó là câu chuyện của ông Lê Văn Xê (Bình Dương), chỉ nhập về 3 giống cây bưởi, chanh, cam không hạt trồng trên 40 ha đất mà năm 2015, doanh thu ông Xê đạt được là 60 tỉ đồng. “Thành công của ông Xê khi chỉ khai thác trên 40 ha đất, ngoài ra, ông giúp bà con nông dân trồng 3 loại cây này tại 1.000 ha đất địa phương”, GS Dũng thông tin. Hay như trường hợp máy cuốn ép rơm của ông Phan Tấn Bện (Đồng Tháp), tỉnh Bắc Giang đang sản xuất và bán hàng trăm chiếc máy cuốn ép rơm để xuất khẩu sang Nhật.
“Những người như anh Bện, anh Xê đã làm những việc vĩ đại mà nhà khoa học như chúng ta ngồi đây không làm được. Họ không qua trường lớp nào, chỉ từ kinh nghiệm và sự sáng tạo của bản thân mà làm nên sản phẩm. Vậy hà cớ nào từng này trí thức, nhà khoa học ngồi đây, lại không làm được gì cho đất nước trong cơn lốc hội nhập sâu này?”, GS Dũng đặt vấn đề.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết, nếu đại sứ quán các nước kết nối để mang các giống cây trồng chất lượng cao phục vụ phát triển ngành nông nghiệp, Bộ sẽ hỗ trợ tối đa về công nghệ, nhân lực cao cấp.
Cần những chính sách sâu sát hơn
Tuy nhiên, vấn đề cấp bách trước mắt theo nhận định của đa số chuyên gia Việt kiều là đẩy mạnh công nghệ, giải bài toán nguyên liệu cho một số mặt hàng xuất khẩu đang có nguy cơ “mất trắng”.


Thông tin từ Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học cho biết mặc dù công nghệ sinh học được Chính phủ coi trọng, nhưng chỉ có 3 ngành: bia, bột ngọt và vắc xin là đang ứng dụng công nghệ vi sinh học, trong khi hàng trăm ngành hàng đều có thể ứng dụng công nghệ này để nâng tầm sản phẩm như dược, thực phẩm, gia vị...
TS Nguyễn Quốc Bình, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM, cho biết sau nghiên cứu, việc sản xuất thử nghiệm đa số các nhà khoa học tự triển khai và nếu thành công, việc tìm được doanh nghiệp đồng ý chuyển giao thương mại cũng không dễ.


Trả lời Thanh Niên, một nhà khoa học cho hay, ông từng dẫn đoàn doanh nghiệp nhà nước trong ngành dệt may sang Trung Quốc để tìm hiểu công nghệ kéo sợi dệt vải từ một loại cây. “Nhưng điều đáng buồn là doanh nghiệp không quan tâm đến công nghệ kéo sợi mà chỉ chăm chăm ký hợp đồng mua hàng trăm tấn vải từ Trung Quốc về mà thôi”. Về vấn đề này, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã lấy giống loại cây trồng để kéo sợi làm đủ các loại vải mà các nước phát triển ngành công nghiệp dệt nhuộm đang đẩy mạnh trồng nhưng đến nay, chưa có cơ quan, doanh nghiệp nào đầu tư được nhà máy kéo sợi để bảo đảm thu mua nếu đưa cho nông dân trồng đại trà. “Công nghệ khó nhất là vi khuẩn phân hủy để lấy sợi kéo thì giới khoa học chúng tôi đã làm rồi, nhưng hỏi khắp không có doanh nghiệp nào đầu tư nhà máy cơ khí để kéo thành sợi. Với cái đà này, làm sao ngành may hưởng lợi được từ TPP?”, nhà khoa học bộc bạch.
Liên quan đến ngành dược - lĩnh vực được TS Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài đánh giá quan trọng trong xu hướng phát triển, đến nay những sản phẩm thiết yếu từ viên kháng sinh penicillin đến gói vitamin C được sử dụng thường xuyên vẫn đang phải đi nhập. Trong khi đó, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Nguyên liệu chính của vitamin C là từ bột ngô. Nếu mỗi người uống 100 gr, mỗi năm chúng ta nhập đến 95.000 tấn vitamin C. Hay viên penicillin từng được sản xuất thử nghiệm nhưng sau đó cũng không thấy tăm hơi. Phát triển công nghiệp sinh học ứng dụng trong ngành dược cần chiến lược của Chính phủ, đồng bộ và quyết liệt chứ không thể nói thích công nghệ đó, ủng hộ suông”.
Nhiều nhà khoa học cũng bức xúc và cho rằng, nếu chọn lựa những công nghiệp cần hỗ trợ chất xám của trí thức Việt kiều, nhà nước phải có chính sách sâu sát hơn trong việc chọn, thậm chí chỉ định doanh nghiệp cùng đồng hành phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.