(TNO) 6 năm qua, chưa thấy cơ quan nào gây ra oan sai thi hành nghiêm túc quy định người thi hành công vụ phải hoàn trả ngân sách một khoản tiền do lỗi gây ra.
Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, 6 năm qua chưa thấy cơ quan nào gây ra oan sai thi hành nghiêm túc quy định người thi hành công vụ phải hoàn trả ngân sách một khoản tiền do lỗi gây ra - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, báo cáo của Chính phủ chỉ đề cập năm nay, các bộ, ngành, địa phương thụ lý, giải quyết xong 42/94 vụ việc với số tiền nhà nước phải bồi thường gần 16,5 tỉ đồng; hoàn toàn không nói gì đến trách nhiệm bồi hoàn của người thi hành công vụ. Trong khi đó, quy định trên đã được nêu rõ trong luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thẩm quyền ra quyết định hoàn trả).
“Như vậy, luật quy định rất cụ thể, nhưng thực tế vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội cần đưa vào Nghị quyết để triển khai thực hiện nghiêm túc quy định này”, ông Nghĩa nói.
“Như vậy, luật quy định rất cụ thể, nhưng thực tế vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội cần đưa vào Nghị quyết để triển khai thực hiện nghiêm túc quy định này”, ông Nghĩa nói.
Cũng theo ĐB này, báo cáo của các cơ quan chức năng cho thấy chỉ tính hai ngành tòa án, kiểm sát, mặc dù có nhiều cố gắng, đề ra nhiều biện pháp chống oan sai, nhưng vẫn còn làm oan 76 người. Tuy vậy, các báo cáo đều không đề cập việc xử lý trách nhiệm kiểm sát viên và thẩm phán đã gây ra oan sai.
“Đề nghị lãnh đạo hai ngành báo cáo vấn đề này cho Quốc hội và nhân dân biết. Có như vậy mới thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bất kể người đó là ai, giữ cương vị gì trong xã hội”, ĐB Huỳnh Nghĩa nói.
Vẫn theo ĐB này, báo cáo của Chính phủ không đề cập đến số bị can ngành công an đình chỉ điều tra do oan sai, mà chỉ nêu đã xử lý 26 điều tra viên, trong đó truy tố 2 điều tra viên để xảy ra oan sai, bức cung, nhục hình. “Vậy số liệu ngành công an làm oan sai là bao nhiêu? Chính phủ cần báo cáo bổ sung nội dung rất quan trọng này cho Quốc hội biết, để giám sát”, ông Nghĩa đề nghị.
Chỉ đặc xá tội phạm tham nhũng nếu…
Liên quan đến nội dung phòng, chống tham nhũng, ĐB Huỳnh Nghĩa nhận xét việc phát hiện và xử lý tham nhũng chưa tương xứng tình hình, chưa đáp ứng đòi hỏi của dư luận xã hội. Công tác điều tra, truy tố, xét xử loại tội này thường kéo dài là điều rất đáng quan tâm.
“Theo báo cáo, ngành công an khởi tố mới 178 vụ với 317 bị can, viện kiểm sát truy tố 310 vụ với 697 bị can, ngành tòa án xét xử sơ thẩm 260 vụ với 577 bị cáo. Thiệt hại do tham nhũng gây ra trên 950 tỉ đồng và gần 10.000 m2 đất, nhưng thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt 55,8% về tiền và 29,2% về đất. Như vậy, tài sản tham nhũng thu hồi rất thấp. Đó là vấn đề cử tri quan tâm, cho rằng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, ông Nghĩa phát biểu.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng đề nghị Quốc hội xem xét, ra Nghị quyết, quy định đối với tội phạm tham nhũng, tài sản thu hồi là căn cứ để Tòa án xem xét khi lượng hình. Không cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ khi tài sản tham nhũng thu hồi chưa đạt 100%.
Đồng thời, cần quy định tội phạm tham nhũng chỉ được xét đặc xá, tha tù trước thời hạn khi nộp lại ít nhất 80% thiệt hại về tài sản đã gây ra cho Nhà nước.
Bình luận (0)