Chưa thể sáp nhập ngay 2 sở giao dịch chứng khoán

26/11/2019 19:56 GMT+7

Chiều 26.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án luật Chứng khoán (sửa đổi), với 445/450 đại biểu tán thành.

Theo luật này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn thuộc Bộ Tài chính chứ chưa độc lập và trực thuộc Chính phủ như đề xuất ban đầu. 
Đáng chú ý, Luật cũng bổ sung thêm điều khoản để tăng cường răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, như: cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn;
Cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Thủ tướng sẽ quyết định hình thành một sở giao dịch chứng khoán khi điều kiện cho phép

Liên quan đến một số ý kiến đại biểu cho rằng nên có 1 sở giao dịch chứng khoán duy nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, điều này phù hợp với tinh thần của nghị quyết của Trung ương và của Quốc hội.
Đây cũng là quan điểm xuyên suốt mà Chính phủ đã đặt ra tại "Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020" .
Theo đó, tổ chức Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là bước thống nhất về bộ máy quản lý và điều hành, thống nhất về nền tảng công nghệ, thống nhất và chuẩn hóa tiêu chí niêm yết, chế độ báo cáo, công bố thông tin, tiêu chuẩn về thành viên và giao dịch,... thay vì 2 hệ thống giao dịch và 2 hệ thống chỉ số chứng khoán thuộc 2 Sở giao dịch chứng khoán như hiện nay.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, trước mắt chưa thể thực hiện ngay việc cơ cấu lại, sáp nhập sở hiện nay thành một sở duy nhất mà theo hướng phân định lại chức năng, nhiệm vụ của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, để tổ chức, vận hành các thị trường chứng khoán riêng biệt.
Theo đó, toàn bộ giao dịch trái phiếu và chứng khoán phái sinh sẽ được thực hiện tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội; toàn bộ giao dịch cổ phiếu sẽ được thực hiện tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM.  
Để “bảo đảm bước đi phù hợp, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý toàn bộ các điều của Chương 4 về thị trường giao dịch chứng khoán.
Cụ thể, tại Điều 43 giao Thủ tướng quyết định thành lập, giải thể, mô hình hoạt động, hình thức sở hữu, chức năng, quyền và nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và việc thành lập công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 46 giao Thủ tướng quyết định việc tổ chức, phân công thực hiện các quyền, nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trên cơ sở nguyên tắc này, dưới Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam - Công ty mẹ sẽ tiếp tục duy trì 2 công ty con là 2 sở giao dịch chứng khoán, sau khi đã được tổ chức, sắp xếp lại và có thể có công ty con khác để thực hiện các chức năng như phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, cung cấp dịch vụ hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ thông tin hoặc thực hiện chức năng khác cho mục đích hỗ trợ, phát triển thị trường.
Khi điều kiện cho phép, Thủ tướng sẽ có thẩm quyền quyết định việc hình thành mô hình 1 sở giao dịch chứng khoán duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán như ý kiến đại biểu đã nêu mà không phải sửa đổi luật.

Quy định chặt hơn về báo cáo tài chính

Về báo cáo tài chính (Điều 20 của dự thảo Luật), quy định “ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính là ý kiến chấp nhận toàn phần…” được một số ý kiến đại biểu cho rằng quá chặt, không phù hợp với điều kiện thực tế và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn.
Giải trình ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận trên thực tế có nhiều trường hợp doanh nghiệp khó có được ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần, bởi theo quy định của pháp luật hiện hành về kiểm toán, kiểm toán viên có thể đưa ra ý kiến ngoại trừ khi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến. 
Để bảo đảm tính minh bạch, công khai và bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung vào trong luật quy định: 
“Báo cáo tài chính năm phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán. Ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính là ý kiến chấp nhận toàn phần; trường hợp ý kiến kiểm toán là ý kiến ngoại trừ thì khoản ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán; tổ chức phát hành phải có tài liệu giải thích hợp lý và có xác nhận của tổ chức kiểm toán về ảnh hưởng của việc ngoại trừ”. 
Ngày 25.11, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi Phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý nội dung này. Đến 9 giờ 30 phút ngày 26.11, có 309 đại biểu Quốc hội gửi lại phiếu xin ý kiến, trong đó 306 phiếu tán thành, chiếm 63.35% tổng số đại biểu Quốc hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.