Chừa thói ‘vô tội vạ’

03/02/2016 05:19 GMT+7

Câu chuyện rôm rả của người Hà Nội mấy ngày qua là chuyện CSGT xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông đường bộ.

Câu chuyện rôm rả của người Hà Nội mấy ngày qua là chuyện CSGT xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông đường bộ.

Mức phạt cũng không nhiều (từ 50.000 - 120.000 đồng tùy vi phạm), nhưng cái ngộ ra từ câu chuyện này thì thú vị hơn nhiều: hóa ra, rất nhiều người không biết đến một điều luật vốn đã được quy định từ lâu; xử phạt đâu đó như chỉ là chuyện của người đi ô tô, xe máy, đi bộ có gì mà bị phạt. Nhiều người đi bộ sai luật khi bị CSGT nhắc nhở vẫn tỏ ra ngỡ ngàng, nhiều người còn lạ lẫm với quy định mới. Trong khi, theo Phòng CSGT Công an Hà Nội, trong năm 2015, tại Hà Nội xảy ra 1.696 vụ tai nạn giao thông, trong đó 112 vụ liên quan người đi bộ, 33 vụ do người đi bộ gây ra.
Không chỉ ở Hà Nội, mà một thực tế diễn ra ở khắp VN, người dân đi bộ tham gia giao thông rất vô tội vạ. Trong khi nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ thưa vắng, người ta thỏa sức băng ngang sang đường, trèo qua lan can, hàng rào chắn, dải phân cách, sang đường bất cứ chỗ nào thấy tiện lợi. Bởi vì như luật bất thành văn lâu nay, nếu có va chạm giữa người đi bộ và phương tiện cơ giới, lỗi mặc nhiên thuộc về xe cơ giới, nếu có va chạm giữa xe máy và ô tô, lỗi mặc nhiên là của ô tô, nếu có va chạm giữa 2 xe ô tô, xe sang hơn mặc nhiên chịu thiệt... Thế nên, quy định về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ dù đã có từ khá lâu (bắt đầu từ Nghị định số 152/2005/NĐ-CP năm 2005), nhưng dường như chưa người nào bị xử phạt.
Khi luật pháp không được tuân thủ, không hẳn vì ý thức chấp hành pháp luật của người dân kém mà phần nhiều do việc tuyên truyền và thi hành không nghiêm của các lực lượng chức năng. Mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, người đi bộ không thể “đè luật” mãi được. Các lực lượng chức năng có nghĩa vụ bảo đảm các quy định luật pháp phải được thực thi. Như vậy mới công bằng trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Trên thực tế, hiện nay vẫn còn rất nhiều quy định liên quan đến trực tiếp an toàn giao thông không được thực thi, chẳng hạn như sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh khi điều khiển xe gắn máy; nghe điện thoại gần trạm bơm xăng; cự ly tối thiểu giữa 2 xe cơ giới...
Từ lâu việc xây dựng văn hóa giao thông đã được xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đặc biệt là các lực lượng chấp pháp trên đường. Sự quan tâm đặc biệt của người dân đến việc xử phạt người đi bộ mấy ngày nay, cho thấy, không chỉ là biện pháp răn đe, xử phạt nghiêm mà còn là cách tuyên truyền pháp luật hiệu quả nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.