|
Hôm qua, nhiều người dân đã đến sân đình Cựu Quán (xã Đức Thượng, H.Hoài Đức, Hà Nội) để cung cấp thông tin cho chúng tôi, cũng là để mong muốn làm sao gỗ của đình về lại đình. Họ không ngừng phẫn nộ vì chuyện người bán gỗ lại nằm chính trong Ban khánh tiết của đình. Ban này do Hội Người cao tuổi trong thôn bầu ra thay mặt dân coi sóc đình làng, lo việc hội làng, việc tế lễ mỗi tháng giêng hằng năm, cũng như tuần rằm hằng tháng.
Theo Phó trưởng thôn Trần Văn Tự, chính vì nể nang mà khi phát hiện cân gỗ, nhận tiền, nhân chứng đã không hô hoán để dân và công an tập trung giữ lại gỗ quý. “Việc cân gỗ, nhận tiền rồi khiêng ra ô tô chở đi rất chóng vánh. Hôm ấy, chắc vì nể sư bà Thích Diệu Bản, từng trụ trì chùa Cựu Quán, bỏ công sức kiến thiết chùa nên không tri hô làm lớn chuyện”, ông Tự nói. Ông cũng cho biết, chỉ khi việc vỡ lở dân mới hay, Ban khánh tiết của đình đã chủ trương bán gỗ lấy tiền mua khu ruộng trước mặt để mở rộng đình. Tuy nhiên, họ không thông qua ai cả.
|
“Dù để tu sửa, mở rộng đình thì hằng năm vẫn có nguồn quỹ từ công đức của dân làng, khách thập phương. Cần thiết có thể kêu gọi thêm nguồn tiền từ công đức chứ ai lại đi dỡ mái đình xuống bán như vậy. Dân chúng tôi cho rằng, các ông ấy không thể bao biện lý do như vậy được. Cả 6 ông bán gỗ đã đưa ra lời xin lỗi trước Đảng ủy thôn nhưng công khai xin lỗi dân thì chưa”, ông Tự nói.
|
Ông Trần Đức Thảo, Trưởng công an xã Đức Thượng, cho biết hiện dân đang vô cùng bức xúc. “Nhiều người liên tục kéo ra đình tụ tập đòi chính quyền phải tích cực giải quyết, trả lại gỗ quý cho dân. Chúng tôi đã cắt cử người ngày đêm bảo vệ hiện trường. Mặt khác, tổ chức tuyên truyền, vận động để xoa dịu dư luận trong làng, tránh căng thẳng”, ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, vài năm gần đây, chùa thôn Cựu Quán được kiến thiết khang trang là nhờ công của nhà sư Thích Diệu Bản. “Nhưng hồi phá toàn bộ chùa cũ để xây chùa mới, không ai biết bao nhiêu gỗ sưa đã bị bán đi. Tại biên bản bán gỗ sưa của đình hôm vừa rồi có ghi là bán gỗ sưa lần 2, vậy có thể trước đây đã có lần đình hoặc chùa Cựu Quán bị mất gỗ quý”, ông Thảo nói. Điều này cũng phù hợp với phản ánh của một số người dân rằng ngôi chùa Cựu Quán, ngay sát vách đình Cựu Quán đã từng có nhiều gỗ sưa. Họ nghi vấn số gỗ sưa này đã bị bán khi nhà sư Thích Diệu Bản về trụ trì ở đây và tu sửa mới chùa này.
Trả lời báo chí, nhà sư Thích Diệu Bản đã nhận ngay mình là người mua gỗ sưa với giá 1,2 tỉ đồng. Trong số tiền trả có 3 cuốn sổ tiết kiệm đều đứng tên vị sư này. “Tiền đấy là tiền tôi đi cúng đi lễ, các gia chủ người ta biếu tôi. Và tiền lương tôi đi làm hằng tháng tích góp nhiều năm nay”, nhà sư này giải thích về nguồn gốc số tiền trên.
Ông Thảo cũng thông tin, nhà sư Thích Diệu Bản đã khai, sau khi chở số gỗ sưa về nơi hiện đang tu hành, bà đã bị một nhóm người ép phải bán lại với giá 1,2 tỉ đồng. “Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ uẩn khúc này và tìm người lái xe chở gỗ đi để truy tìm những người đã mua lại 4 tấm gỗ sưa, lấy lại gỗ quý”, ông Thảo nói.
Lê Quân - Trinh Nguyễn
>> Vụ dỡ gỗ sưa đình làng đem bán: Sư thầy mua rồi bán lại
>> Nghi vấn đình, chùa thôn Cựu Quán từng mất nhiều gỗ sưa
>> Dỡ gỗ sưa đình làng đem bán
>> Bắt giữ nhóm trộm gỗ sưa
Bình luận (0)