(TNO) Tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) sáng nay, 10.1, việc có nên bỏ quy định bắt buộc người bán dâm phải vào cơ sở chữa bệnh như đề xuất của cơ quan soạn thảo hay không vẫn tiếp tục là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các ủy viên TVQH khi thảo luận dự luật Xử lý vi phạm hành chính.
Báo cáo những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết, dự thảo luật này không quy định biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, không coi đó là biện pháp xử lý hành chính (pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hiện hành vẫn quy định - PV).
Quy định này nhận được tán thành của đa số ý kiến ĐBQH cũng như cơ quan thẩm tra vì lý do “việc xử lý như vậy là quá nghiêm khắc, phần nào hạn chế quyền tự do của công dân và nhiều trường hợp không phù hợp với công ước quốc tế”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lý, một số ý kiến khác lại đề nghị tiếp tục duy trì biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh như quy định hiện hành, “bởi vì buộc cách ly người bán dâm khỏi cộng đồng trong thời gian nhất định sẽ có tác dụng răn đe, phòng ngừa hiệu quả”, và “nếu không có biện pháp xử lý thì tệ nạn mại dâm sẽ phát triển, ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hội”.
Mặc dù cho biết đa số ý kiến thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với quy định của dự thảo luật nhưng ông Lý cũng cho biết vì vẫn còn những ý kiến khác nhau nên cơ quan thẩm tra chưa chốt lại nội dung này mà trình Ủy ban TVQH cho ý kiến.
Cho biết đa số ý kiến ĐBQH không tán thành với việc dự thảo luật không quy định người bán dâm bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, chỉ quy định hình thức xử phạt bổ sung là buộc người bán dâm phải khám bệnh và chữa bệnh nếu mắc bệnh lây truyền, ông Lý nói đa số ý kiến trong thường trực Ủy ban Pháp luật cũng không tán thành quy định hình thức xử phạt bổ sung vì cho rằng “không có tính khả thi và không phù hợp với chính sách công bằng xã hội của Nhà nước ta”.
Bởi, các hoạt động mại dâm thường diễn ra chủ yếu vào ban đêm nên việc tạm giữ, quản lý và đưa người bán dâm đi khám chữa bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Trường hợp người bán dâm không có bệnh nhưng thường xuyên hoạt động mại dâm, mỗi lần bị bắt giữ Nhà nước đều phải tổ chức khám bệnh thì kinh phí sẽ lấy từ đâu chưa rõ, trong khi các đối tượng khác trong xã hội cần ưu tiên hơn trong chi trả khám chữa bệnh thì ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng được.
Ngoài ra, qua thảo luận, TVQH nhất trí với dự thảo luật về quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt tiền chung được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các TP trực thuộc trung ương.
Bảo Cầm
>> Phá băng lừa phụ nữ ra nước ngoài bán dâm
>> Mại dâm đồng giới khó xử lý
>> Phá đường dây mại dâm kiêm bán trinh
Bình luận (0)