Chưa thống nhất giao quyền điều tra cho Thuế, Ủy ban Chứng khoán

27/05/2015 11:44 GMT+7

(TNO) Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự sáng nay 27.5, trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau về việc có nên bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước được tiến hành một số hoạt động điều tra.

(TNO) Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự sáng nay 27.5, trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau về việc có nên bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước được tiến hành một số hoạt động điều tra.

nguyen-van-hienChủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết hiện vẫn còn 2 nhóm ý kiến khác nhau về việc có nên giao quyền điều tra cho cơ quan Thuế, Ủy ban chứng khoán, lực lượng kiểm ngư - Ảnh: Ngọc Thắng
Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành vì cho rằng, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hiện nay thường có địa bàn hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Trong khi đó, hoạt động của các cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ yếu làm việc tại trụ sở cơ quan, kiểm tra vụ việc trên giấy tờ, tài liệu, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan điều tra chuyên trách, nên không cần thiết phải giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan này.
Đối với cơ quan Kiểm ngư, mặc dù có địa bàn hoạt động trên biển nhưng ở địa bàn này cũng có lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng nên đề nghị cân nhắc việc bổ sung nhiệm vụ điều tra của Kiểm ngư.
Nhóm ý kiến ủng hộ việc giao thêm quyền điều tra cho các cơ quan trên thì đề nghị bổ sung quy định này vào dự luật vì cho rằng, đây là những cơ quan thuộc các lĩnh vực đặc thù có số vụ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Theo nhóm ý kiến này, nếu cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu, xác minh, lấy lời khai ban đầu… sẽ kịp thời ngăn chặn, xử lý tội phạm trong các lĩnh vực này.
Hơn nữa, việc giao các cơ quan này thẩm quyền điều tra ban đầu sẽ giảm tải cho các Cơ quan điều tra chuyên trách. Riêng đối với cơ quan Kiểm ngư, thực tế cho thấy việc giao cơ quan này tiến hành một số hoạt động điều tra còn góp phần tăng cường vai trò quan trọng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thêm quyền cho cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao
Nội dung đáng chú ý khác của dự luật là bổ sung quy định lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với một số tội phạm có sử dụng công nghệ cao theo quy định của bộ luật Hình sự.
Ủy ban Tư pháp ủng hộ quy định này vì cho rằng, mặc dù tội phạm sử dụng công nghệ cao mới xuất hiện nhưng diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhiều trường hợp có tính chất xuyên quốc gia.
Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã được thành lập từ năm 2010 và trong thời gian qua đã trực tiếp kiểm tra, xác minh hàng nghìn vụ việc, đấu tranh và triệt phá nhiều chuyên án, đường dây tội phạm lớn. Nhiều quốc gia trên thế giới quy định thẩm quyền điều tra cho cơ quan đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm đấu tranh có hiệu quả hơn với loại tội phạm này.
Theo dự thảo, cơ quan cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có nhiệm vụ khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày; đồng thời điều tra, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Cơ quan điều tra chuyên trách. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.