Chưa tính được chi phí lát đá vỉa hè hồ Gươm?

11/03/2018 08:22 GMT+7

Việc Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) công bố lấy ý kiến nhân dân về thay thế toàn bộ gạch lát vỉa hè hồ Gươm bằng đá granite Bình Định đang được người dân chú ý, đặc biệt sau những lùm xùm lát đá vỉa hè gần đây cũng ở địa phương này.

Theo ông Phạm Tuấn Long, Phó chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, do nhiều năm không được đầu tư toàn diện nên hạ tầng quanh hồ Gươm đã xuống cấp, thiếu đồng bộ với 20 loại gạch, đá lát khác nhau. Để đem lại bộ mặt hoàn chỉnh quanh hồ Gươm, Q.Hoàn Kiếm dự kiến sẽ bóc toàn bộ các loại gạch lát, kể cả các diện tích đá phía đường Đinh Tiên Hoàng được lát trong dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, để thay bằng đá granite dày 10 cm có nguồn gốc từ Bình Định. Đá, gạch bóc lên còn tốt sẽ được sử dụng lại ở nơi khác phù hợp. Nếu dự án được thông qua, hạng mục sẽ triển khai vào giữa năm nay và hoàn thành vào cuối năm.
Vỉa hè hồ Gươm vẫn còn khá đẹp Ảnh: V.H

“Tôi mấy lần suýt ngã vì đá trơn”
Chiều 10.3, PV Thanh Niên đã thực hiện một cuộc “điều tra bỏ túi” ngay tại vỉa hè quanh hồ Gươm. Đa phần người dân hài lòng về vỉa hè hiện tại, một số người ủng hộ cải tạo để cảnh quan đẹp hơn, nhưng tỏ ra băn khoăn về chi phí. Trong khi đó, khu trưng bày của Q.Hoàn Kiếm để lấy ý kiến nhân dân tại số 2 Lê Thái Tổ nhận được khá nhiều phiếu góp ý của người dân, cho thấy mức độ quan tâm tới việc cải tạo khu vực hồ Gươm.
Bà Cao Thị Ngọc (74 tuổi, cán bộ hưu trí) không đồng ý với việc lát đá, vì bờ Hồ cũng khá ổn, bao giờ đất nước giàu hơn thì làm. Bà Ngọc cũng góp ý tuyệt đối không lát đá xanh quanh bờ hồ, vì rất trơn trượt. Đây cũng là ý kiến của bà Nguyễn Thị Sáu (80 tuổi).
Ông Hải (89 tuổi, trú Hàng Bạc, Hà Nội) không ủng hộ việc cải tạo, vì tốn kém trong khi vỉa hè hiện vẫn ổn. “Hồi 1.000 năm Thăng Long, TP lát lại một đoạn đá xanh mà tôi mấy lần suýt ngã. Đá ấy rất trơn. Mà qua đợt lát đá vỉa hè vừa rồi cho thấy các ông ấy làm lộn xộn lắm. Theo tôi là không nên. Nền hiện nay nhanh ngấm nước, mưa xong một cái chúng tôi đi đã khô ráo rồi”, ông Hải nói.
Sao không công bố chi phí?
Theo phương án kỹ thuật được Q.Hoàn Kiếm trưng bày để lấy ý kiến nhân dân, dưới lớp đá lát dày 10 cm sẽ là vật liệu thấm, lớp lót đệm, lớp lót nền (là bê tông dày 10 cm) và lớp lót dưới nền là đá dăm dày 10 - 15 cm, tiếp theo là 2 lớp vật liệu địa kỹ thuật để đảm bảo độ bền. Kỹ sư xây dựng Nguyễn Văn Thực (60 tuổi) đồng ý với việc chỉnh trang nhưng cho rằng chỉ nên lát đá có độ dày 8 cm là đủ bền, sẽ tiết kiệm chi phí hơn đá 10 x 10 x 10 cm mà quận đề xuất.
Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng: “Xét trong toàn bộ TP.Hà Nội, quanh hồ Gươm là nơi xứng đáng nhất để triển khai lát đá trước tiên. Tôi không hiểu sao trước đây lại triển khai ở những khu vực như Trung tâm hội nghị quốc gia, tốn kém ở đấy nhiều, nhưng lợi ích thì không mấy vì ít người đi. Ngược lại, hồ Gươm thì rất nên. Tất nhiên là sẽ tốn kém, nhưng lợi ích nó mang lại sẽ lớn hơn nhiều nếu việc lát đá làm tăng thêm vẻ đẹp và tính tiện lợi trong sử dụng. Tôi ủng hộ chủ trương này, nhưng lưu ý độ nhám của đá, vì khu vực hồ Gươm khá ẩm, dễ lên rêu hoặc khi trời mưa có thể khiến người ta trượt ngã”.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên kiến trúc sư trưởng TP.Hà Nội, cũng cho rằng việc quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang hồ Gươm là nên làm, vì chức năng của hồ Gươm là một khu cảnh quan thiên nhiên, đồng thời là khu vực tâm linh. “Trước kia, vỉa hè quanh hồ Gươm chỉ phục vụ giao thông, hiện sẽ hướng tới một khu giao tiếp cộng đồng, tổ chức sự kiện thì các công trình, tiện ích đô thị nên cải tạo cho thích ứng với chức năng mới. Đây là việc làm đã có sự tham gia của đơn vị chuyên ngành, trong đó có tư vấn trong nước và nước ngoài, đa số tán thành nên thay thế bằng đá lát để phù hợp với chức năng mới”, ông Nghiêm nói.
Tuy nhiên, cả 2 vị chuyên gia đều lưu ý vấn đề minh bạch về kinh phí. “Tiêu tiền của dân phải minh bạch. Tổng mức đầu tư giờ chưa công bố thì phải công bố chứ, sợ sệt gì chuyện này? Tôi nghĩ, những chủ trương lớn, tốn tiền thế này phải được HĐND TP quyết định”, ông Liêm bày tỏ. Ông Đào Ngọc Nghiêm cũng cho biết ông được tham vấn về kỹ thuật nhưng không có phần kinh phí. “Đầu tư thế nào nên có tham vấn để xem có phù hợp trong bối cảnh chung hiện nay không, vì Hà Nội còn áp lực ở nhiều khu vực khác nữa. Như chủ trương lát đá vỉa hè ở các phố chính, nhưng về các quận lại làm đại trà, tràn lan là không ổn”, ông Nghiêm lưu ý .
Theo ông Phạm Tuấn Long, do dự án còn đang thẩm định, các hạng mục việc cũng có thể thêm bớt, nên chưa chốt được tổng mức đầu tư. “Về nguyên liệu, chúng tôi sử dụng đá granite dày 10 cm, đảm bảo độ bền hàng chục năm. Độ nhám của đá cũng đạt chuẩn chống trơn. Khi vận hành, nếu độ nhám giảm đi sau nhiều năm thì vẫn có thể tác động trực tiếp để tạo thêm độ nhám. So với đá xanh Thanh Hóa, độ cứng của nó cũng tốt hơn, độ mài mòn chịu cao hơn. Vì thế, cũng phải rất lâu sau mới giảm độ chống trơn”, ông Long nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.