Từ chiều nay đến sáng mai, 13.8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với
giáo dục trung học.
Tinh giản nội dung bằng đổi mới cách dạy
Tại hội nghị, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: "Việc xây dựng các chủ đề dạy học có chuyển biến tích cực và đi vào nền nếp, trên cơ sở tinh giản nội dung dạy học, các cơ sở giáo dục đã xây dựng các chủ đề dạy học thông qua việc nghiên cứu bài học, việc phân tích các chủ đề, hoạt động trải nghiệm...".
Đến nay, số bài học, chủ đề minh họa thực hiện trong sinh hoạt chuyên môn cấp THCS là 193.528 bài (tỷ lệ 18,3 bài/trường), cấp THPT là 75.783 bài (29,01 bài/trường); nhiều chuyên đề dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học.
Hoạt động giáo dục trong nhà trường có những chuyển biến tích cực; điều chỉnh tăng thời gian thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Học sinh được phát huy vai trò chủ thể của quá trình học tập, tích cực tham gia vào các hoạt động học tập; chủ động, tự tin trong tương tác, giao tiếp với giáo viên và bạn bè,...
Trong bối cảnh dịch bệnh
Covid-19, các địa phương đã tổ chức dạy học qua internet và trên truyền hình phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của dịch bệnh và phù hợp với điều kiện của từng trường, bảo đảm theo kế hoạch thời gian năm học của địa phương.
Tiến độ chọn sách giáo khoa còn chậm
Năm học tới, cấp THCS sẽ lần đầu tiên thực hiện
Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6. Do đó, nhiệm vụ quan trọng được đề ra là triển khai hiệu quả chương trình này và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tiếp đối với lớp 7, lớp 10 cho năm học tiếp theo.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều tổ chức xong việc lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Trên cơ sở các bộ sách giáo khoa lớp 6 đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt, tại mỗi tỉnh, thành phố, mỗi môn học, hoặc hoạt động giáo dục, được chọn từ 1 - 5 bộ sách, trong đó tỷ lệ chọn 1 bộ với mỗi môn học khoảng 50%; 2 bộ với mỗi môn học khoảng 30%,...
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng nhận định một số địa phương tổ chức thực hiện việc lựa chọn sách chậm so với thời gian quy định, không thông báo công khai ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Việc đăng ký mua sách giáo khoa diễn ra chậm còn làm ảnh hưởng đến việc in ấn, phát hành sách của các nhà xuất bản, và do đó sách đến học sinh cũng bị muộn hơn.
Chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu áp dụng từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6 cấp THCS, các địa phương, cơ sở giáo dục đã chủ động khắc phục khó khăn để triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên.
Tính đến cuối năm học 2020-2021, đã có hơn 579.000 lượt giáo viên trung học được bồi dưỡng các modul về hướng dẫn thực hiện Chương trình 2018; phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh.
Ông Thành cũng đánh giá các cơ sở giáo dục phổ thông nghiên cứu Chương trình giáo dục tổng thể, chương trình giáo dục môn học để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và kế hoạch giáo dục môn học đảm bảo tính phù hợp, sáng tạo và hiệu quả.
Bên cạnh kết quả đạt được, giáo dục trung học năm 2020-2021 vẫn còn một một số hạn chế, như: chất lượng giáo dục còn chưa đồng đều giữ các vùng, miền; còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số vùng khó khăn, vùng sâu, vùng sa, vùng có nhiều khu công nghiệp, đặc biệt ở các môn học đặc thù như: mỹ thuật, âm nhạc, tin học, công nghệ, trải nghiệm - hướng nghiệp...
Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch năm học được đặt mục tiêu phải linh hoạt, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến khó lường, bất thường của thiên tai, dịch bệnh.
Bình luận (0)