Chuẩn bị gì để làm chủ?

26/12/2018 08:07 GMT+7

Tại hội thảo 'Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo' dành cho thanh niên nông thôn, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm để khởi nghiệp thành công từ những sản phẩm nông nghiệp truyền thống.

Hội thảo diễn ra tuần qua với chủ đề Chia sẻ nguồn lực - Kết nối thông tin, do các đơn vị của Ủy ban Dân tộc và T.Ư Đoàn phối hợp tổ chức, đã thu hút sự tham gia của 200 nhà khởi nghiệp đến từ vùng nông thôn, miền núi, trong đó có nhiều thanh niên dân tộc thiểu số.

Phải có kiến thức kinh doanh và công nghệ


Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ (Bộ KH-CN), cho rằng các bạn trẻ không muốn làm thuê thì phải có kiến thức về kinh doanh và công nghệ. “Mô hình kinh tế chia sẻ và chia sẻ thông tin là lợi thế tốt nhất để khởi nghiệp. Hiện bạn trẻ dùng mạng xã hội chỉ để giao tiếp; cần dùng nó như một phương tiện kinh doanh, để bán hàng, đó chính là kinh tế chia sẻ”, ông Quất gợi ý.
Ông Quất cho rằng để hỗ trợ khởi nghiệp ở khu vực nông thôn miền núi, quan trọng là phải giúp họ kết nối thông tin, vì muốn khởi nghiệp thì không thể “đi một mình” mà phải có cộng đồng, nhưng hiện ở các địa phương đang thiếu không gian làm việc chung. Theo ông, ở các khu vực nông thôn, miền núi có thể dùng nhà văn hóa thành nơi chia sẻ thông tin về mô hình kinh doanh và phổ biến các kiến thức về khởi nghiệp cho người dân, đó có thể trở thành không gian làm việc chung của các nhà khởi nghiệp.

Có sự liên kết, phối hợp

Ông Quất cũng lưu ý, muốn hỗ trợ khởi nghiệp thì phải có sự phối hợp giữa các ngành, không chỉ có khoa học công nghệ, hay kế hoạch đầu tư mà cần sự vào cuộc của ngành văn hóa, du lịch, nông nghiệp… vì đó là những đơn vị có thể giải quyết đầu ra cho sản phẩm. “Hiện Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch có thể vào cuộc vì hầu hết các sản phẩm của khu vực này đều có thể gắn với du lịch. Ở những khu bảo tàng dân tộc học đều có thể đưa sản phẩm vào để giao thương. Những hàng hóa này đôi khi hấp dẫn hơn hàng hóa hiện đại. Phải gắn tài sản văn hóa dân gian với việc phát triển kinh tế”, ông Quất nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, cho rằng: “Chúng ta phải chú ý từ khóa “liên kết” trong nền kinh tế chia sẻ. Nông nghiệp có đặc điểm liên kết trên toàn chuỗi giá trị”. Bà Hạnh cho rằng muốn khởi nghiệp thành công phải làm tốt khâu kết nối, trong đó có kết nối với nhà lãnh đạo làm chính sách, kết nối với chuyên gia và kết nối với thị trường.

Xác định giá trị của tài nguyên bản địa

Chia sẻ kinh nghiệm để thương mại hóa sản phẩm, ông Vũ Hòa, Giám đốc Công ty Thái Hưng, cho rằng điểm yếu của các dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp hiện nay là mới chỉ dừng lại ở sản xuất nguyên liệu thô, chưa quan tâm đến ứng dụng công nghệ để chế biến, bảo quản và đóng gói sản phẩm. “Mỗi địa phương có lợi thế riêng, phải xem lợi thế sản phẩm là gì để đóng gói phù hợp, bao bì phải có đặc trưng của bản địa, có câu chuyện văn hóa… để người mua hàng vì câu chuyện trong đó chứ không phải giá trị của sản phẩm, đó là bán hàng bằng cảm xúc”, ông Hòa ví von”.
Ông Hoàng Xuân Trọng, Phó trưởng khoa Kinh tế, ĐH Tây Bắc, cũng cho rằng các nhà khởi nghiệp phải xác định giá trị của tài nguyên bản địa, đó chính là những thứ sẵn có như: khung cảnh thiên nhiên, khí hậu; văn hóa qua kiến trúc nhà cửa… “Phải tạo ra sản phẩm đặc biệt của vùng miền từ cách nghĩ, cách làm mới. Nhưng làm mới phải như cũ vì khách hàng thích sản phẩm truyền thống, môi trường tự nhiên chứ không phải những thứ hiện đại…”, ông Trọng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.