Chuẩn bị kê biên hơn 200 miếng vàng và 6 ô tô trong vụ án Alibaba

23/02/2024 19:17 GMT+7

Cơ quan Thi hành án lên kế hoạch kê biên 6 chiếc xe ô tô, hơn 200 miếng vàng và máy tính… trong vụ án xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba).

Dự kiến, ngày 6.3, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM sẽ tiến hành kê biên các tài sản trên để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HÐQT Công ty Alibaba) cho các bị hại. Sau khi làm thủ tục kê biên xong, cơ quan thi hành án sẽ xem xét đến thủ tục về định giá tài sản, rồi bán đấu giá.

Riêng các bất động sản của Công ty Alibaba, Cục THADS TP.HCM đã ủy thác hồ sơ về cho các cơ quan THADS ở tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu để xử lý. Cục THADS TP.HCM chỉ xử lý duy nhất một bất động sản là trụ sở Công ty Alibaba ở TP.Thủ Đức. Đối với trụ sở này, do có thay đổi cấu trúc so với giấy chứng nhận quyền sở hữu (thường gọi là sổ đỏ) nên Cục THADS đang chờ bản vẽ của các đơn vị có thẩm quyền. 

Chuẩn bị kê biên hơn 200 miếng vàng và 6 ô tô trong vụ án Alibaba- Ảnh 1.

Cục THADS TP.HCM làm việc với các bị hại trong vụ án

Cục THADS TP.HCM

Cục THADS TP.HCM đang tống đạt văn bản thông báo về việc kê biên tài sản cho các bị hại nắm. Vì vụ án có tới hơn 4.500 bị hại, nên cơ quan này đang chuẩn bị mọi phương án để đảm bảo an ninh trật tự trong suốt quá trình diễn ra kê biên.

Hồi tháng 12.2023, Cục THADS từng lên kế hoạch kê biên các tài sản trên nhưng sau đó lại hoãn. Cạnh đó, Cục THADS TP.HCM đã phân chia hơn 82 tỉ đồng theo tỷ lệ cho hơn 4.500 bị hại, người nhận được nhiều nhất khoảng 800 triệu đồng... Đây là số tiền mà bản án tuyên và các bị cáo nộp để khắc phục hậu quả.

Chuẩn bị kê biên hơn 200 miếng vàng và 6 ô tô trong vụ án Alibaba

Như Thanh Niên đã thông tin, năm 2016, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Alibaba, thành lập công ty với vốn điều lệ 1 tỉ đồng; tiếp đó thành lập 22 pháp nhân giao cho người thân và nhân viên đứng tên. Luyện và các đồng phạm rao bán 58 dự án bất động sản không có thật tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Các công ty này đã tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo gian dối để bán cho hàng nghìn người.

Cuối năm 2022, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm đã phạt bị cáo Luyện mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đồng phạm từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 30 năm tù. Sau đó, Luyện và 14 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tháng 5.2023, TAND cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, y án tù chung thân đối với Luyện. Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc vợ chồng bị cáo Luyện liên đới bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt hơn 2.400 tỉ đồng của hơn 4.500 bị hại mà các bị cáo đã lừa đảo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.