Phân chia thời gian hợp lý, không "cày" đêm
Đặt cược "tấm vé" vào đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023, Phan Thị Anh Thư (học sinh lớp 12C7 Trường THPT Nông Cống 1, tỉnh Thanh Hóa) cảm thấy rất lo lắng khi ngày thi đang đến gần.
"Với những bạn đã được tuyển thẳng thì tâm lý ổn định hơn chút, nhưng với những bạn xét tuyển đại học dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT giống em thì đều rất hồi hộp và lo sợ. Nhiều khi em đang học, nghĩ đến không khí trong phòng thi bỗng nhiên thấy hoảng", Anh Thư chia sẻ.
Tuy nhiên, không giống nhiều sĩ tử khác có lịch học thêm dày đặc, Anh Thư chỉ học ở trên trường rồi về nhà tự học. Theo Anh Thư, khai thác sâu hết thế mạnh mà mình có vẫn tốt hơn là mải kiếm tìm nhiều nguồn nhưng không thể tổng hợp chúng.
Việc cuống cuồng chạy đua đến các lớp học thêm trong thời gian "nước rút" này với suy nghĩ để "nhồi" được thêm kiến thức vào chưa chắc đã tốt, thậm chí còn khiến người học dễ bị loãng kiến thức, vừa tốn thời gian, vừa gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ.
Anh Thư có nguyện vọng sử dụng tổ hợp D01 để xét tuyển. Trong 3 môn văn, toán, tiếng Anh, Anh Thư thấy toán là môn học "ám ảnh" nhất. Do đó, em đã tập trung, tăng cường ôn luyện môn này nhiều hơn. Hàng ngày, Anh Thư đều làm đề toán, sau đó chấm điểm, xem những câu mình sai thuộc kiến thức nào và đang hổng ở đâu để bổ sung kịp thời.
Vũ Ngọc Linh (lớp 12B10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội) cũng dùng điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 để xét tuyển vào đại học nên rất căng thẳng. Thế nhưng, quan điểm của Ngọc Linh là không thức đêm để "cày" mà phân chia thời gian học hợp lý. Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, Ngọc Linh cố gắng ngủ lúc 22 giờ 30 và dậy lúc 6 giờ để học bài.
"Hàng ngày, em đi học thêm một buổi tầm 2 giờ, thời gian còn lại tự ôn luyện các bài. Với môn văn thì em nghe giảng trên mạng và chuẩn bị trước mở bài, kết bài, một số liên hệ mở rộng rồi học thuộc. Còn môn tiếng Anh thì kết hợp luyện đề, đọc lại lý thuyết...", Ngọc Linh chia sẻ.
Giữ tâm lý vững vàng trước kỳ thi
Đặt mục tiêu vào ngành truyền thông quốc tế (Học viện Ngoại giao), Phạm Thu Hiền (lớp 12A2 Trường THPT Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, cảm xúc trong em bị xáo trộn khi chuẩn bị đối mặt với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. "Em lo lắng, bồn chồn, rối ren nhưng rất háo hức, mong chờ được trải nghiệm, với nhận thức đây là kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời mình", Hiền cho biết.
Để có thể giảm căng thẳng và giữ tinh thần thoải mái trước kỳ thi, Hiền thường nghe nhạc và hát theo hoặc sẽ vẽ một cái gì đó. Bố mẹ Hiền cũng luôn bên cạnh giúp đỡ, đồng hành nên em cảm thấy vơi dần những lo âu. Hiền cho biết: "Gia đình em rất tâm lý, luôn khuyên và động viên chứ không đặt quá nhiều áp lực là con phải thế này, phải thế kia. Bố mẹ tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể về vật chất, tinh thần để em ôn luyện đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới".
Trần Minh Thư (lớp 12A7 Trường THPT Lê Lợi, Hà Nội) thì chọn phương thức xét tuyển xét học bạ và xét kết hợp. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Minh Thư xác định là phải cố gắng, nỗ lực để làm bài thi đạt kết quả tốt nhất. Trong thời gian ôn thi, Minh Thư nhận được sự quan tâm đặc biệt của gia đình. "Mẹ nấu rất nhiều món ăn ngon, bổ và nhiều chất dinh dưỡng. Mẹ luôn động viên tinh thần và khuyên em đi ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe, tránh kiệt sức và quá tải".
Để cho bản thân đỡ căng thẳng, giữa các giờ ôn luyện, Minh Thư vẫn tự giúp mình thư giãn bằng cách thỉnh thoảng chơi một trò chơi gì đó hoặc nghe nhạc, nói chuyện với bạn bè. "Em tin rằng khi đi thi, ngoài việc nắm chắc kiến thức thì cần phải giữ sự bình tĩnh. Điều này sẽ giúp em tỉnh táo, nhận ra được lỗi sai và bài làm của mình sẽ tốt hơn", Minh Thư nói.
Bình luận (0)