Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Gặp nhau thì nói tốt, hết gặp lại cho làm bậy

27/11/2015 15:36 GMT+7

'Anh không thể gặp nhau là nói tốt đẹp mà hết gặp nhau lại cho cấp dưới làm tầm bậy. Việt Nam cần ghi lại cảnh hung hăng, khiêu khích của các tàu Trung Quốc cho công luận quốc tế biết', chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói.

'Anh không thể gặp nhau là nói tốt đẹp mà hết gặp nhau lại cho cấp dưới làm tầm bậy. Việt Nam cần ghi lại cảnh hung hăng, khiêu khích của các tàu Trung Quốc cho công luận quốc tế biết', chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói.

Tàu quân sự Trung Quốc đang ép sát tàu tiếp tế của Việt Nam - Ảnh: Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo cung cấpTàu quân sự Trung Quốc đang ép sát tàu tiếp tế của Việt Nam - Ảnh: Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo cung cấp

Trước hành động bám đuổi, chĩa súng vào tàu tiếp tế Việt Nam ở Trường Sa, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, cho hay tàu Trung Quốc đã vi phạm Luật biển quốc tế. 

Cần cho thế giới biết

Theo ông Lâm, Việt Nam đã tiếp quản, quản lý những ngọn hải đăng này từ rất lâu, Trung Quốc không có quyền gì để ngăn cản. Trong trường  hợp có tranh chấp thì các nước, trong đó có Trung Quốc, phải đàm phán đa phương chứ không có quyền ngăn chặn tàu tiếp tế của các nước khác đang hoạt động đúng luật.

Anh không thể gặp nhau là nói tốt đẹp mà hết gặp nhau lại cho cấp dưới làm tầm bậy

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm

“Trường Sa là của Việt Nam. Việc ngăn chặn tàu tiếp tế Việt Nam là hành động hung hăng và khiêu khích không thể chấp nhận được”, ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, các nước lớn trong đó có Trung Quốc không phải cứ ỷ thế tiềm lực quân sự và nhiều tàu để chén ép các nước nhỏ. Trái lại các nước liên quan phải tuân thủ công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển quốc tế năm 1982.

Ngoài ra các nước phải theo tập quán làm ăn lâu đời của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia ở Biển Đông; tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông. Việt Nam và Trung Quốc còn phải theo bảy nguyên tắc xử lý va chạm trên biển mà lãnh đạo hai nước thông qua.

Video: Tàu chiến Trung Quốc kè mạn tàu Hải Đăng 05 (chuyên tiếp tế cho cán bộ, công nhân các trạm hải đăng ở Trường Sa, Việt Nam) 

“Anh không thể gặp nhau là nói tốt đẹp mà hết gặp nhau lại cho cấp dưới làm tầm bậy. Việt Nam cần ghi lại cảnh hung hăng, khiêu khích của các tàu Trung Quốc cho công luận quốc tế biết”, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói.

Hơn 2 tháng mới có tàu cung cấp lương thực

Quần đảo Trường Sa hiện có 9 ngọn đèn hải đăng nằm ở các đảo Đá Lát, An Bang, Đá Tây, Tiên Nữ, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca và Nam Yết. Chín ngọn hải đăng này thuộc quyền quản lý của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam.

Video: Tàu chiến Trung Quốc vây ép, chĩa súng vào tàu dân sự của Việt Nam


Những ngọn hải đăng ở quần đảo Trường Sa không chỉ là điểm mốc cho tàu thuyền qua lại trong đêm tối giữa đại dương bao la, mà còn khẳng định đó là cột mốc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Ngoài chức năng dẫn đường cho tàu thuyền qua lại khu đường hàng hải quốc tế, mỗi ngọn hải đăng còn là ngọn đèn đánh dấu tọa độ bãi cạn, làm điểm tựa cho ngư dân Việt Nam và ngư dân các nước trong khu vực khai thác, đánh bắt hải sản trên khu vực biển của mình.
Trạm hải đăng ở đảo An Bang - Ảnh: Trung Hiếu

Anh Lê Huy Tân, nhân viên hải đăng ở đảo An Bang, cho biết hằng năm, các nhân viên của Tổng công ty bảo đảm hàng hải miền Nam sẽ thay phiên nhau ra Trường Sa canh gác, gìn giữ các ngọn hải đăng này để bảo đảm tín hiệu cho tàu bè qua lại ở biển Trường Sa.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên trưa 27.11, Chủ tịch huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) Nguyễn Viết Thuân cho hay các tàu của Việt Nam vẫn hoạt động bình thường ở Trường Sa.

“Thông thường, cứ sáu hay chín tháng ở đảo, nhân viên hải đăng sẽ được về nghỉ đất liền ba tháng, rồi sau đó luân phiên sang các trạm hải đăng khác ở Trường Sa”, anh Tân nói.

Anh Tân cho biết thường mỗi trạm hải đăng sẽ có 9 nhân viên. Mỗi ngày sẽ có ba ca trực, mỗi ca ba người để ghi chép thông tin, cung cấp tín hiệu cho tàu bè qua lại. Khoảng 2 - 3 tháng, tùy theo thời tiết sẽ có tàu của tổng công ty ra cung cấp nhu yếu phẩm chủ yếu là gạo, rau củ quả...

Nhân viên trạm hải đăng ở Trường Sa bảo dưỡng đèn biển - Ảnh: Việt Cường

Nhân viên hải đăng ở Trường Sa gặp nhiều khó khăn nhất là những nhân viên ở các đảo chìm. Vì là đảo chìm nên nhà chỉ có bốn cọc dựng trên biển, suốt ngày phải đối chọi với bão. Chỉ cần gió cấp 5 - 6 là nhân viên hải đăng phải di chuyển đi chỗ khác. Cái khó là dù đi trú ẩn nhưng bão càng to thì nhân viên hải đăng càng phải trực để báo tín hiệu cho các tàu qua lại được an toàn

“Nếu để ý kỹ sẽ thấy tướng của dân làm hải đăng khi đi luôn đổ người về phía trước do suốt ngày phải leo thang. Ngoài ra người làm lâu năm nghề này thường rất ít nói hoặc sẽ nói to hơn vì suốt ngày phải nghe tiếng sóng biển ầm ĩ”, một nhân viên trạm hải đăng ở đảo Trường Sa Lớn nói.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, một số nhân viên hải đăng ở Trường Sa cho hay tàu Trung Quốc xuất hiện khá thường xuyên ở quần đảo Trường Sa.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nêu ý kiến: "Biện pháp hòa bình hữu hiệu nhất để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông hiện nay là kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế. Chừng nào Việt Nam chưa dám kiện thì Trung Quốc còn có những hành động tương tự như đối với tàu Hải Đăng 05, thậm chí sẽ còn nhiều sự việc nghiêm trọng hơn". 

Quần đảo Trường Sa có hai trạm khí tượng

Quần đảo Trường Sa cũng có hai trạm đo khí tượng, thủy văn ở hai đảo lớn là Trường Sa Lớn và Sinh Tồn. Công việc của trạm là đo nhiệt độ, áp suất gió mưa và đo độ mặn của mực nước biển Trường Sa sau đó báo về cho đài khí tượng thủy văn Nam Trung bộ.

Anh Nguyễn Văn Nga, từng ở một mạch 38 tháng tại trạm khí tượng Trường Sa Lớn, nay đã vào bờ, cho biết nhân sự của mỗi trạm có 7 người, thay nhau trực cả ngày lẫn đêm. Theo quy định, nhân viên khí tượng phải ở Trường Sa đủ 3 năm mới được về đất liền. Giống như bên hải đăng, việc cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực cho nhân viên khí tượng cứ 2 - 3 tháng mới có tàu ra một lần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.