Mới đây, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã có văn bản nêu những nội dung cần được các hội đồng ngành, hội đồng liên ngành thực hiện thống nhất trong quá trình xét hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư, trong đó yêu cầu phỏng vấn ứng viên để làm rõ lý do đăng bài với danh nghĩa cơ quan khác với cơ quan mình đang công tác.
Tôi cho rằng đây là một động thái tích cực, kịp thời xử lý một số vấn đề nổi cộm gần đây không chỉ liên quan tới đạo đức khoa học của cá nhân nhà khoa học, mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển đúng hướng của các trường đại học, thậm chí của cả nền khoa học.
Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ ứng viên nếu muốn được xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư (PGS), giáo sư (GS) thì phải đáp ứng 3 mảng điều kiện: các tiêu chuẩn “cứng”, mà chúng tôi vẫn nói đùa là cân đong đo đếm được; các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị; các tiêu chuẩn về đạo đức của nhà giáo, nhà khoa học. Chúng ta không thể coi nhẹ mảng nào!
Gần đây, từ loạt bài về Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học trên Báo Thanh Niên, trong cộng đồng khoa học đã dấy lên những trao đổi về việc một số nhà khoa học lấy địa chỉ trường đại học không phải cơ quan công tác của mình khi công bố bài báo.
Cá nhân tôi không ủng hộ việc làm đó, vì nó vi phạm liêm chính khoa học, mà liêm chính khoa học là điểm quan trọng nhất trong đạo đức khoa học. Yêu cầu liêm chính đó đòi hỏi nhà khoa học tự giác thực hiện theo các quy chuẩn thuộc phạm trù đạo đức khoa học, đạo đức nhà giáo, chứ không phải chỉ đơn thuần được kiểm soát bởi pháp luật.
Hơn nữa, việc xét PGS, GS của chúng ta không chỉ đơn giản là ghi nhận thành tựu nghiên cứu, đào tạo của nhà giáo - nhà khoa học mà còn hướng tới khẳng định vai trò người dẫn dắt nhóm nghiên cứu, người tiên phong trong một hướng nghiên cứu nào đó. Vì thế, PGS, GS trước hết là những người thầy, họ cần là tấm gương cho các thế hệ học trò về đạo đức khoa học.
Tôi ủng hộ việc Hội đồng GS nhà nước yêu cầu các hội đồng ngành xem xét một cách thận trọng tất cả những ứng viên công bố công trình khoa học ghi địa chỉ khác cơ quan mình công tác. Chúng ta không quy nạp tất cả đều là xấu, cũng như không thể mặc nhiên chấp nhận hiện tượng không bình thường này. Do vậy, việc phải xem xét từng trường hợp để suy xét, đánh giá là việc làm rất cần thiết.
Yêu cầu của Hội đồng GS nhà nước góp phần cảnh tỉnh, hướng tới việc thực hiện tốt hơn các chuẩn mực đạo đức khoa học của giới nghiên cứu khoa học Việt Nam. Điều đó sẽ tạo ra sự phát triển bền vững, đúng hướng của các trường đại học Việt Nam trong nghiên cứu khoa học, cũng như của cả nền khoa học Việt Nam.
Mỗi hội đồng cần dành ra thời gian thích đáng để xem xét từng trường hợp như vậy một cách cẩn trọng. Bởi quyết định của hội đồng trong những vấn đề liên quan như thế này, tôi nghĩ là có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ, không những tác động tới các nhà khoa học Việt Nam mà còn tạo được niềm tin của xã hội dành cho giới khoa học.
Bình luận (0)