Chuẩn nông thôn mới - văn hóa không thể 'ba cứng'

17/12/2022 12:05 GMT+7

Tiêu chí văn hóa "ba cứng" của chuẩn nông thôn mới có thể loại bỏ nhiều thực hành văn hóa truyền thống liên quan đến nhà ở và phong tục.

PGS - TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, đã cảnh báo về tiêu chí "ba cứng" trong Hội thảo quốc gia “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, diễn ra tại Bắc Ninh sáng nay 17.12, do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VH-TT-DL và tỉnh Bắc Ninh tổ chức.

“Quy định của tiêu chí nhà ở với "ba cứng" - khung/tường cứng, mái cứng, sàn cứng đã trở nên cứng nhắc và loại bỏ nhiều thực hành văn hóa truyền thống liên quan đến nhà ở và phong tục của người dân”, bà Châm nói về các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Một nhà cộng đồng ở Suối Rè (Hòa Bình) áp dụng tri thức dân gian về xây dựng của các dân tộc thiểu số

TL kts hoàng thúc hào

Bà Châm cho biết, nếu theo chuẩn "ba cứng" này của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những ngôi nhà sàn của người Thái ở Sơn La, những ngôi nhà trình tường của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn, người Hà Nhì ở Lào Cai hay những ngôi nhà của người H'Mông ở Lạng Sơn, Sơn La,… đều được xem là chưa đạt chuẩn.

“Nhiều hộ gia đình được vận động để phá bỏ ngôi nhà truyền thống của họ để xây những ngôi nhà đạt tiêu chuẩn "ba cứng" và có 3 công trình hợp vệ sinh (nước sạch, nhà tắm, hố xí)”, bà Châm cho biết.

Trong khi đó, cũng theo bà Châm, những ngôi nhà truyền thống như nhà trình tường được xem là “mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông”, nhà của người H’Mông "chứa đựng cả một vũ trụ", với mái nhà và bộ khung đỡ mái nhà được xem như đại diện của bầu trời, nền đất trong nhà được hiểu như đại diện cho thế giới tự nhiên, con người và các sinh vật nằm ở khoảng giữa trời và đất. Ngôi nhà cũng chứa đựng niềm tin của người H'Mông về các vị thần trú ngụ trong ngôi nhà (thần cửa chính, thần bếp chính, thần bếp phụ, thần của cải, thần buồng,…).

Không gian xanh của người H'Mông ở Hang Táu, Mộc Châu, Sơn La

nguyễn hồng dương

Theo bà Châm, nếu người H'Mông xây ngôi nhà theo chuẩn của nông thôn mới thì không gian thiêng trong ngôi nhà truyền thống của họ sẽ mất đi và theo đó là vũ trụ quan và niềm tin tâm linh của họ cũng sẽ bị mai một”. Từ đó bà Châm chia sẻ: “Nếu chúng ta áp dụng tiêu chí "ba cứng" này, nó dẫn đến nguy cơ, các tri thức bản địa bị mất đi trong quá trình thực hiện các tiêu chí văn hóa. Đây là điều cực kỳ đáng tiếc trong xây dựng nông thôn, xây dựng văn hóa”.

Bà Châm cho biết việc áp dụng tiêu chí về nông thôn mới với môi trường xanh - sạch - đẹp và nông thôn mới nâng cao với tiêu chí giao thông sáng - xanh - sạch - đẹp đã khiến cho nhiều cộng đồng phải bỏ đi những hàng rào, những bức tường rêu phong gắn liền với ngôi nhà truyền thống của họ.

Trong khi đó, tại các bản người Tày, Nùng ở Lạng Sơn, mỗi ngôi nhà đều có hàng rào bằng các loại cây, cành (cúc tần, xương rồng, cành cọ khô…) bao bọc hay ở nhiều xã thuộc Nam Đàn (Nghệ An), Cao Lộc (Lạng Sơn), Phù Yên (Sơn La)… các nhà dân thường được bao bọc bởi những bức tường đất, đá rêu phong rất đẹp.

Văn hóa tộc người là điều cần được gìn giữ, cần được bảo vệ khi xây dựng tiêu chí nông thôn mới

hoàng dưỡng

PGS - TS Châm nêu hiện trạng những hàng rào cây, những bức tường rêu phong này đang được phá đi vì cho rằng chúng không sáng và thay bằng tường gạch kiên cố và sơn hoặc quét vôi cho sáng lên để đáp ứng đúng tiêu chí.

Tương tự như vậy, để đáp ứng tiêu chí đẹp theo cách diễn giải của những người làm nông thôn mới, nhiều con đường trong làng, thôn, xóm phải trở nên đẹp bằng việc trồng thêm hoa. Trong khi đó, không phải con đường nào cũng hợp để trồng hoa, nhất là với các con đường quanh co ở các bản, buôn miền núi khi ở những nơi này đã có sẵn sự đa dạng địa hình và nhiều cây xanh, nhiều con suối tự nhiên.

Về những điều này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng chia sẻ sự lo lắng của mình về các tiêu chuẩn văn hóa cũng như bản sắc văn hóa. Ông nói: “Một bí thư xã đưa tôi đi thăm quê và nói quê em giờ y như Hà Nội vậy đó. Tôi nói y như Hà Nội thì người Hà Nội không bao giờ về đây rồi. Nó giống như chúng tôi đi học bài đầu tiên về vẽ nhà. Tôi thấy đứa nào ở nông thôn vẽ nhà lầu, đứa nào ở thành thị vẽ nhà tranh”.

Về những lệch chuẩn văn hóa như vậy, ông Hoan nói: “Chúng tôi sẽ định vị lại từ chuẩn hóa, cái chuẩn lệch thì cái khác sẽ lệch theo. Nếu được dựng lại "tiêu chuẩn văn hóa của nông thôn mới” thì chúng ta không có hai từ giá chi nữa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.