Chuẩn và chỉnh

21/12/2013 02:21 GMT+7

Bây giờ người ta vẫn thường nghe câu cửa miệng khi nói về một sự chính xác nào đó: “Chuẩn không cần chỉnh”. Nhưng có những việc, tưởng rằng đã chuẩn, như chuyện cái cân chẳng hạn, như chuyện số liệu báo cáo của một số ngành “nay lỗ mai lãi” chẳng hạn, thậm chí một tờ trình trước những đại biểu đại diện cho dân để họ giơ tay biểu quyết về một chuyện hệ trọng nào đó chẳng hạn... vậy mà vẫn không chuẩn.

 >> Độ" cân móc túi người mua
>> ‘Độ’ cân móc túi người mua - Kỳ 2: Tràn lan cân gian

Sự chuẩn mực trong những trường hợp như vậy đã bị bóp méo. Người mua hàng chịu thiệt về kinh tế do cân không chuẩn còn người giơ tay biểu quyết sẽ có lỗi với dân do họ tiếp nhận các tài liệu báo cáo không trung thực. Sự thiệt hại ở hai trường hợp nói trên có thể khác nhau về mức độ nhưng niềm tin về sự chuẩn mực bị tổn thương thì rất giống nhau.

Cách đây chừng vài chục năm, người đi chợ rất xa lạ với cái cân nếu họ chỉ mua mớ rau, dăm bảy củ quả. Thậm chí mua bán cả những con gà, con vịt ở các chợ quê cũng không phải cân. Người bán không dùng cân mà chỉ “cáp”, chỉ “ước chừng” làm sao đó mà cả người bán lẫn người mua đều có thể chấp nhận được. Người bán cầm mớ rau trên tay, “cân tay công khai” để trao cho bên mua đúng với số tiền sẽ phải trả. Vậy mà chính xác đến độ không bao giờ xảy ra khiếu nại về “gian lận thương mại” trong những cuộc mua bán được “cân bằng tay” như vậy cả.

Nhưng bây giờ thì đã khác. Tất tật dùng cân, từ mớ rau muống cho đến cả hàng tấn sắt vụn đều phải qua cân. Tưởng rằng qua cân thì độ chính xác sẽ không phải bàn nhưng điều tưởng như “minh bạch” ấy đã bị sự gian dối chen vào. Cổ nhân từng nói về sự gian dối khi cân đo: “Vặn cân bẻ móc”. Trong trường hợp này, sự chính xác của chiếc cân đã bị người bán hàng làm xô lệch, nhưng bây giờ thì sự chính xác của chiếc cân đã bị làm sai từ gốc. Có cả một dây chuyền “sản xuất cân đểu” để lừa người mua hàng. Người bán hàng không phải “vặn cân” như ngày trước mà họ công khai cả sự gian dối ấy trước mặt người mua. Có cả một lực lượng hùng hậu về quản lý ở các chợ mà chuyện “mười lạng không phải một ký” cứ ngang nhiên lộng hành. Ấy mới là điều khó hiểu vậy.

Thiệt vài lạng thịt, mớ rau như là chuyện đương nhiên của các bà nội trợ. Riết rồi thành quen nên họ bấm bụng cho qua. Nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta “bấm bụng cho qua” trước những báo cáo không trung thực để rồi đưa ra những quyết sách làm thương tổn đến nhân dân? Chuyện tách hai huyện của Hà Nội đã được nhanh chóng thông qua trong một kỳ họp HĐND mà các đại biểu chỉ kịp nhìn thấy 78 trang báo cáo đề án trong vòng có... 5 phút thì quả là “nghiên cứu siêu tốc”. Nhưng điều đáng nói là, những chiếc-cân-cánh-tay của đa số đại biểu cũng đã giơ lên nhất trí với phương án tách huyện như đề án đã trình. “Nhất trí” có nghĩa là đã thấy “chuẩn”, nhưng chắc chắn hệ lụy của việc giơ tay nhất trí ấy sẽ không như vài mớ rau, lạng củ do người bán hàng cân gian.

Hơn lúc nào hết, đất nước đang rất cần sự chuẩn mực không chỉ trong mỗi chiếc cân bán rau ở chợ.

Trần Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.