Chửi khan một câu - Truyện ngắn của Nguyên Hương

05/11/2017 06:33 GMT+7

Người ta gọi Hinh bụi đời, Hinh đại ca, Hinh trùm, Hinh ân oán, Hinh chợ đen...

Bắt đầu từ Bí. Bí và tôi cùng xóm. Chiều nào xóm cũng tưng bừng, đám này chơi trò một hai ba, đám kia chơi trò năm mười... Ồn ào nhất là trò tạt lon. Lượm cây cà rem nguệch một hình vuông, đặt cái lon nằm giữa, ở khoảng cách bảy tám bước chân, mỗi đứa lăm lăm một chiếc dép quăng tới sao cho nó tạt văng cái lon ra khỏi ô càng xa càng tốt. Trò chơi này khiến chân tay mặt mũi đứa nào cũng tèm lem vì hai chân chỉ mang một chiếc dép và một hồi thì chiếc dép đó bị hất ra luôn, bàn tay cầm chiếc dép tạt lon nhiều lúc quệt qua trán và vành tai để vén tóc. Và phải chạy trối chết khi cái lon văng vào sân nhà cô Muối.
Cô Muối người Tàu là thợ may áo dài nổi tiếng bởi sự kỹ lưỡng. Vải của khách đưa, trước hết cô ngâm nước đề phòng bị rút, một lần phơi. Thêm một lần phơi nữa là vì cô nhúng vào hồ để khi cắt thì xoay trở vải không bị xục xịch. Và khi đã thành cái áo dài rồi thì phải giặt cho sạch hồ. Vậy nên trước sân nhà cô Muối luôn giăng đầy vải vóc tơ lụa và lùi lại một chút vào bên trong là cái tủ kính treo áo dài mẫu.
Mỗi khi thấy bọn con nít bắt đầu tuột dép ra khỏi chân là người lớn nhắc ngay “Không được chạy tới gần nhà cô Muối nghe chưa”. Bí là đứa “dạ” to nhất nhưng rồi chính Bí khiến trò chơi tạt lon cuốn dần về phía nhà cô Muối. Chính xác và mạnh mẽ hơn bất cứ thằng con trai nào trong xóm, Bí lia chiếc dép tạt phăng cái lon bay ra khỏi ô lăn lông lốc một đoạn rất dài. Cả đám chạy theo cái lon và ngay chỗ ngừng lại, đứa nào đó lấy luôn mũi dép vạch một hình vuông khoanh cái lon lại. Trò chơi tiếp tục cho đến khi cô Muối vén mấy lớp tơ lụa đang phơi thò đầu ra, mái tóc quăn lúc lắc “Li chỗ khắc chươi li mấy lứa”. Đứa này “dạ dạ” nhưng chiếc dép từ tay đứa kia đang trên đà lia tới. Cái lon vèo qua khoảng hở giữa hai thanh hàng rào gỗ chuốt hình mũi tên, những ánh mắt nhìn theo cái lon đồng thời nhìn thấy cái tủ kính và cũng đồng thời nhìn thấy đôi mắt một mí của cô Muối giương to hết cỡ.
Cả lũ chạy thục mạng, vừa chạy vừa la lên “Ngộ tạ nị xị”, giọng Bí to nhất.
***
Mười một tuổi Bí nghỉ học đi theo má quét dọn rạp chiếu phim. Tôi là bạn thân, được Bí dắt đi ngõ sau coi phim không tốn tiền mua vé. Luôn có một vài ghế trống dù bán hết sạch vé, lý do duy nhất là khách đi trễ, rạp đã khóa cửa. Còn những khi phim ế thì khách của rạp là dân buôn bán vỉa hè và bụi đời. Vài người hùn tiền mua vé hạng ba để vô rạp ngủ trưa.
Một trong những người khách ngủ trưa thường xuyên là anh Hinh. Một nữa là chị Cẩm. Có lần Bí rủ tôi rình. Hai đứa ngoẹo cổ hí mắt nhìn chị Cẩm ngồi rút người trong ghế. Khi điện tắt thì anh Hinh vô. Dễ nhận ra anh trong bóng tối bởi cái mũ lưỡi trai luôn sùm sụp trên đầu mà Bí kể đã từng có kẻ phập dao xuống đụng cái mũ bị nảy tưng lên. Hai đứa tôi mở tung mắt ra nhìn cánh tay anh Hinh ôm lút đầu chị Cẩm. Bí thì thào “Đố mày anh Hinh nói anh yêu em hay ngộ ái nị?”.
Quyền uy của anh Hinh trên vỉa hè trước rạp ngang bằng với rạp trưởng bên trong rạp. Cái nhìn của anh dẹp tan một cuộc đánh nhau giành bán vé chợ đen trước rạp hoặc làm bùng lên một trận hỗn chiến khiến khách đưa tiền vé rồi mà cũng phải bỏ của chạy lấy người.
Chị Cẩm là bồ anh Hinh, đủ hiểu vị trí của chị như thế nào trước rạp. Tủ thuốc lá bánh kẹo hạt dưa của chị ở chỗ ngon lành nhất, khách vào rạp đi ngang chị đầu tiên mà khách qua đường ngừng xe mua gói kẹo cũng đụng chị đầu tiên. Nóng mặt vì không bán được nhiều bằng chị Cẩm, mấy tủ khác chửi bóng gió “Ngon lành gì mà giành giựt”. Chị Cẩm tái mặt, cười.
Cái cười khi mặt tái mét nhìn rất khác người. Tôi đâm ra hay nhìn chị Cẩm và thích nghe chị nói, cách phát âm ríu rít như chim giống hệt cô Muối nhưng thánh thót rõ ràng. Và cũng vì chị hay khen tôi nữa. Mỗi lần tôi ôm cặp ngang qua ghé vào tìm Bí, chị hay hỏi tôi được mấy điểm và căng tròn đôi mắt một mí mà kêu lên “Bí có đứa bạn học giỏi quá há”. Rồi chị nói “Khi nào môn nữ công thêu đường cành cây hay xương cá đem tới chị thêu giùm cho”. Tôi nhìn hàng nút tàu như những trái dâu non trên áo chị và nói “Em thích thắt nút hơn”.
Một hôm, tan xuất chiếu trưa, vừa ra khỏi rạp anh Hinh bị một chai bia giáng xuống đầu. Lúc đó tôi mới tin Bí nói đúng về cái mũ lưỡi trai. Cổ chai gãy đôi, nửa lỉa chỉa trong tay người đàn ông run bần bật còn nửa kia thành mảnh vụn rớt xuống cùng với bọt bia thành nước nhểu long tong quanh vành mũ, như là anh Hinh mắc mưa.
Chị Cẩm kêu lên “Ba”. “Bốp” cái tát giáng giữa mặt chị. Máu mũi trào ra, chị sụm xuống. Anh Hinh giang tay định đỡ chị Cẩm nhưng ba của chị đã rút một chai bia khác từ trong túi quần bên kia. Rạp trưởng vội ôm ba chị Cẩm lại, nhân viên từ trong rạp chạy ra túa quanh ngăn giữa ông và anh Hinh. Ai đó la lớn “Chạy đi”. Anh Hinh đứng im, mắt tối đen dưới vành mũ bị cú đập chai sụp xuống. Ba chị Cẩm nghiến răng “Thà ngộ diết con Cẩm”. Anh Hinh đi như chạy.
Vài phút sau đã tìm ra kẻ méc với ba chị Cẩm về chuyện ngủ trưa. Chứng cớ rành rành, ba chị Cẩm đi ra rạp, cái tủ thuốc lá và bánh kẹo hạt dưa nằm trơ đó còn con gái mình thì từ trong rạp đi ra với thằng trùm du đãng.
Đàn em của anh Hinh phạt kẻ mách lẻo đó bằng cách quanh tủ thuốc lá của bà luôn có mấy đứa mặt mày bặm trợn lừ lừ xin mồi thuốc theo cái cách khiến khách đang đứng mua thuốc bủn rủn tay chân. Đến nỗi mà những tủ đứng gần đó phải dọn qua chỗ khác để khỏi bị liên lụy.
***
Chị Cẩm bị nhốt trong nhà. Bí rỉ tai tôi “Anh Hinh nhờ mày làm chim xanh”. Tôi phê đến không học thuộc bài. Làm chim xanh cho mối tình đang nổi đình nổi đám! Làm chim xanh cho một đại ca!
Lá thư tình của trùm du đãng nằm trong tay mình là chuyện rất đặc biệt. Lá thư nặng trịch cái cặp của tôi. Tôi rất muốn biết lá thư tình này viết cái gì, ít ra là chữ của anh Hinh ra sao. Nhưng vừa gỡ ra một tí thì mép gấp đã bị xước trườn qua chỗ khác, tôi vội le lưỡi liếm lại. Lỡ ra, anh Hinh nhờ đứa khác thì tiếc chết.
Lúc đó tôi chưa hiểu anh Hinh nhờ tôi là vì bộ dạng học trò khác hẳn, không sợ bị ba chị Cẩm nghi ngờ.
Hàng rào gỗ nhà chị Cẩm hình mũi tên giống hàng rào nhà cô Muối, giữa hai mũi tên là khoảng cách bằng nửa gang tay. Tôi đi qua đi lại, nhìn thấy một dãy lu chạy dài sát chân tường còn chị Cẩm thì không thấy đâu.
Bí nói ba chị Cẩm bán mì hoành thánh ở chợ khuya, cả ngày ở nhà. Sợi dây xích quấn hai vòng quanh nẹp cổng. Tôi tự hỏi ông ngủ vào lúc nào? Chẳng biết ông ngủ lúc nào, tôi rung mạnh sợi xích.
Ba chị Cẩm lừ lừ đi ra:
- Chiện zì?
Tim đập thình thịch, tôi lục cặp lấy mẩu lụa màu trắng to bằng bàn tay mới xin cô Muối, nói thật to:
- Chị Cẩm nói cháu tới chị dạy thêu.
Ông nhìn tôi chằm chằm.
Tôi bấm lún ngón chân xuống mũi dép.
Một đứa con gái giống chị Cẩm thập thò, rồi chị Cẩm xuất hiện sau lưng nó, mắt chị tròn xoe sợ hãi.
Tôi nín thở chìa mẩu vải ra:
- Chị thêu đường cành cây giùm cho em. Chiều em tới lấy nộp cô giáo.
Chị Cẩm nói như nín thở:
- Không được xạo vậy đâu. Em vào đây chị dạy cho rồi tự tay em thêu nộp cô giáo.
Ngần ngừ rồi ba chị Cẩm tháo xích cho tôi vào nhà. Tôi lủi qua người ông, lủi qua mấy cái lu bay mùi mằn mặn để đi tới chỗ chị Cẩm. Bàn tay chị tê lạnh cầm tay tôi cũng lạnh ngắt. Đứa em gái biến mất sau bức thưng gỗ, nhẹ êm không tiếng động.
Ba chị Cẩm xách con dao ra mài roèn roẹt trên mép nắp lu, rồi ông mở nắp cái lu to nhất, mùi củ cải muối chua ùa ra nồng khắp. Ông xắt củ cải, tiếng dao phập xuống thớt nghe ớn lạnh.
Thêu được một khúc cành cây dài mười xăng ti mét, tiếng mài dao roèn roẹt lại cứa vào tai. Tôi không chịu nổi nữa, đứng lên.
- Dạ thôi, em về đây.
Tóc chị Cẩm rịn mồ hôi. Chị buông kim chỉ xuống đi tới chỗ ông “Ba để con xắt cho”. Tôi thấy mình giống một củ cải muối cong queo trên thớt. Chị Cẩm nói mà không nhìn tôi:
- Chiều mai em tới chị dạy thêu đường xương cá.
Tôi bật ra:
- Ngày mai em không có giờ nữ công, ngày mốt mới có.
- Vậy thì chiều mốt. Nhớ tới chiều chiều một chút, lúc đó chị mới rảnh.
Ra khỏi cổng nhà chị, người tôi như đứt rời từng khúc. Bí chụp tôi ở đầu đường, nghe tôi kể xong, nó kêu trời ơi:
- Mày không biết anh Hinh sốt ruột tới cỡ nào hay sao mà còn hẹn tới ngày mốt lận?
- Tao... - Tôi vẫn còn run - Cái miệng lúc đó cứ phải nói khác chị Cẩm thì mới bớt sợ.
***
Không có ngày mốt đó. Ngày mốt là vô tận.
Lẽ ra phải thảy lá thư vào bếp lò thì chị Cẩm lại giấu trong ngăn áo quần, mà lá thư lại được anh Hinh xức nước hoa thơm thơm.
Người cha gầm vang động “Con nhỏ ló tới lây tao diết”. Hàng xóm đi chợ ngang rạp kể suốt đêm nhà chị Cẩm vang tiếng lịch kịch. Bí hớt hải từ rạp chạy về xóm tìm tôi “Thấy ba chị Cẩm đâu thì mày trốn đi nghe chưa”.
Ngồi trong lớp học, tôi lo ngay ngáy ba chị Cẩm đang đợi tôi trước cổng trường. Nhưng người đợi tôi là Bí.
- Chị Cẩm tự tử chết rồi - Bí vừa nói vừa khóc.
***
Hay tin chị Cẩm bị đòn dữ dội, đợi đến tối ông già đẩy xe hoành thánh đi bán, anh Hinh leo rào vô nhà. Con bé em được lệnh canh chừng chị Cẩm nhưng lại ngủ quên vì suốt đêm qua mất ngủ.
Nếu con bé em không ngủ gục...
Nhưng nó đã ngủ gục nên anh Hinh vào được tận phòng trong. Ông già bất thần quay về bắt quả tang anh Hinh đang hôn lên vết đòn thâm tím vai chị Cẩm.
- Tại tao - Bí khóc như mưa - Anh Hinh nhờ tao canh chừng ở đầu đường nhưng tại tao đói bụng đi mua bánh bao. Chừng khi thấy đèn sân nhà chị Cẩm bật sáng tao chạy tới thì thấy ông già ngồi trước sân. Lần này ông già không đánh đập gì hết. Ông già chỉ ngồi vậy thôi. Mà chị Cẩm chết.
***
Đám tang lặng lẽ. Xe chở quan tài đi trước, người đưa tiễn ngồi xe sau. Bí và tôi đi bộ cách một quãng và càng lúc càng xa, khi hai đứa tới nơi thì ngôi mộ đã phủ đất lùm lùm, mùi khói nhang và mùi áo quần chị Cẩm bị đốt cháy nồng nặc. Con chết trước là bất hiếu, tục lệ không cho cha mẹ đi đưa. Bên nấm đất đỏ bầm ẩm ướt, đứa em gái của chị Cẩm đơn độc khóc khàn từng tiếng một.
Mẹ chết lâu rồi, giờ chị cũng chết, nó muốn chết theo luôn cho rồi. Nó đập đầu bình bịch xuống nấm đất, nhang rơi trên tóc nó bốc mùi khen khét. Người ta ôm nó lôi ra xe.
Anh Hinh xuất hiện sừng sững sau một ngôi mộ cách đó không xa. Anh mặc áo phiêu màu đen. Lần đầu tiên tôi thấy anh không đội mũ. Toàn bộ khuôn mặt anh phơi ra, ám khói. Sau lưng anh, đám đàn em lố nhố. Giữa những ngôi mộ là đất trống mọc đầy lau lách cao ngang lưng người. Anh Hinh và đám đàn em đi tới, phần chân bị lấp trong lau lách, nhìn như một đạo binh đang từ từ đội đất nhô lên.
***
Qua nhà cô Muối xin vải vụn cho môn nữ công, tôi hỏi “Á lồ kỳ là gì hả cô?”.
Cái kéo đang đưa theo đường phấn trên mảnh lụa áo lớp hồ cứng kêu sừng sực ngừng khựng lại, cô Muối trừng mắt nhìn tôi, nhận ra tôi thắc mắc thật tình, cô lắc đầu “Chừi ưi. Học lóm ở lâu tùm bậy tùm bạ à. Hông lược nói kâu ló dới ai nghe chưa”.
Cuối cùng thì tôi cũng hiểu “Á lồ kỳ” là gì. Hay ra rạp ngồi vỉa hè chơi với Bí, câu này mà nghĩa tiếng Việt thì tôi nghe mấy bà bán hàng chửi nhau hoài, cũng giống dân bụi đời văng tiếng đệm liên miên.
Hồi đó, tôi không hiểu được tại sao bao trận đòn chị Cẩm chịu được nhưng lại tự tử khi ông già chửi khan một câu mà dân buôn bán trước rạp vẫn thường nghe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.