Chui ống cống qua đường cao tốc

11/04/2015 09:00 GMT+7

Tình trạng người dân chui cống thoát nước, thậm chí băng ngang qua đường cao tốc, bất chấp nguy hiểm tính mạng, đang diễn ra trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Tình trạng người dân chui cống thoát nước, thậm chí băng ngang qua đường cao tốc, bất chấp nguy hiểm tính mạng, đang diễn ra trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Chui ống cống qua đường cao tốcNgười dân đi tắt bằng cách chui qua cống thoát nước phía dưới đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: H.PH
Chúng tôi đã đến khu vực gần Km 44 đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (thuộc địa phận xã Tân Lý Đông, H.Châu Thành, Tiền Giang), và gặp anh Nguyễn Thanh Tùng, nhà ở ấp Tân Phú 2, xã Tân Lý Đông. Anh Tùng cho biết nhà anh có gần 7 công ruộng thuê, rắc rối là ruộng chia đều nằm ở hai bên đường cao tốc.
Theo anh Tùng, ở khu vực này có rất nhiều hộ nông dân nhà ở bên này nhưng làm ruộng phía bên kia đường cao tốc. Vì vậy mà mỗi ngày sáng chiều 2 lần, nông dân chạy xe gắn máy chui qua cống thoát nước để đi làm ruộng, cả học sinh cũng chạy xe đạp chui qua cống để đi học.
“Vác lúa băng qua đường luôn”
Đây thật sự là vấn đề bất tiện trong vận chuyển, chớ không phải người dân muốn chui cống. Nhà tôi cũng có ruộng bên đó. Nếu đi vòng theo đường có sẵn thì rất xa, khoảng hơn 3 km
Ông Nguyễn Thành Công,
Chủ tịch UBND xã Tân Lý Đông (H.Châu Thành, Tiền Giang)
“Nếu không chui qua cống thì đường đâu mà đi. Bắt buộc phải chui thôi vì vận chuyển lúa thóc rất cực. Thậm chí, lúc chưa làm hàng rào lưới bảo vệ đường cao tốc, tới đợt gánh rơm, vác lúa người ta cũng băng qua đường cao tốc đi luôn. Mùa khô còn đỡ, tới mùa mưa cống bị ngập nước, bà con chạy xe qua bị chết máy hoài”, anh Tùng giải thích.
Chúng tôi hỏi lại nếu không chui qua cống thoát nước thì có con đường nào khác an toàn để qua phía bên kia không? Anh Tùng nói: “Có, ở phía trên kia có cái cống hộp dành cho xe qua, nhưng đi đường đó xa, vận chuyển lúa cực lắm. Còn ở đây chở lúa bằng xe gắn máy chui qua cống thoát nước hoặc vác lúa băng qua đường cao tốc, nhanh hơn nhiều”. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh Tùng cho biết thêm: “Ở đoạn bờ tràm dưới kia có mở đoạn lưới bảo vệ đường cao tốc. Vì vậy người ta vác lúa băng qua đường luôn”.
Ông Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND xã Tân Lý Đông, thừa nhận tình trạng chui qua cống thoát nước trên đường cao tốc liên quan đến người dân ở 3 xã: Tân Lý Đông, Tân Hội Đông và Tân Hương. Trong đó, riêng xã Tân Lý Đông có khoảng 60 - 70 hộ ở 2 ấp Tân Quới và Tân Phú 2 có nhà ở bên này nhưng làm ruộng bên kia đường cao tốc. Lý do người dân phải đi tắt bằng cách chui cống, theo ông Công là: “Nếu đi theo đường có sẵn (dành cho xe ô tô, gắn máy) thì đường sá không cho phép nông dân có thể chạy xe tới tận ruộng được, khó vận chuyển vật tư, lúa và hoa màu. Hơn nữa, nếu để xe ở xa ruộng thì họ không yên tâm vì sợ trộm cắp. Nếu chui qua cống thì có đường, người dân có thể chạy xe tới ruộng”.
Cũng theo ông Công thì sau khi dư luận phản ánh bất cập này, Sở GTVT Tiền Giang đã tiến hành khảo sát, Bộ GTVT cũng đã đồng ý chủ trương làm thêm đoạn đường dân sinh khoảng 5 km cặp theo phía bắc đường cao tốc, bắt đầu từ Km 43 (hiện nay đường dân sinh chỉ có một bên phía nam) để người dân đi lại thuận tiện hơn. Sở GTVT gửi văn bản về xã và xã cũng đã triển khai ra dân. Dự kiến công trình sẽ được khởi công trong tháng 4 này. Ông Công khẳng định: “Đây thật sự là vấn đề bất tiện trong vận chuyển, chớ không phải người dân muốn chui cống. Nhà tôi cũng có ruộng bên đó. Nếu đi vòng theo đường có sẵn thì rất xa, khoảng hơn 3 km”.
Theo khảo sát của chúng tôi thì khoảng cách từ chỗ cống thoát nước mà người dân chui qua đến cống hộp có sẵn, chính xác là 600 m (đo bằng đồng hồ km xe gắn máy). Cống hộp này có chiều cao 2,5 m, rộng 4 m, được thiết kế dành cho ô tô và xe máy đi qua. Đây cũng là tuyến đường chạy thẳng tới trụ sở của UBND 2 xã Tân Hội Đông và Tân Lý Đông. Nếu băng qua cao tốc theo đường này thì người dân phải tới ruộng bằng con đường đất chạy cặp theo đường cao tốc, khó đi hơn, trong khi chui qua cống thì có thể đi tới ruộng bằng đường nhựa.
Chui ống cống qua đường cao tốc 2Cách chỗ cống thoát nước khoảng 600 m có đường cống hộp dân sinh chui ngang đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được thiết kế dành cho người dân hai bên đường qua lại - Ảnh: H.PH
Phải mở thêm đường dân sinh
Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN, cho biết đường, cống chui và cầu vượt dân sinh qua đường cao tốc đều được thi công đúng theo thiết kế. Các hạng mục dân sinh này được thiết kế dựa trên quy hoạch của địa phương, khoảng cách bao nhiêu mét có đường chui hay cầu vượt đều được tham khảo, lấy ý kiến của địa phương và được Bộ GTVT phê duyệt.
Đại diện cơ quan quản lý tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Cục Quản lý đường bộ (QLĐB) 4, cho biết dự án đường cao tốc qua địa bàn TP.HCM, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang có hơn 58 km đường dân sinh, 10 cầu vượt, 1 đường hầm dành cho người đi bộ (cao 2,5 x rộng 2,5 m) và 8 cống hộp dân sinh (cao 2,5 x rộng 4 m). Các công trình này đã được Tổng cục Đường bộ (TCĐB) VN bàn giao cho địa phương quản lý, bảo trì từ năm 2012.
Theo Cục QLĐB 4, hiện nay cần phải bổ sung đường dân sinh do một số khu vực dọc tuyến dự án trước đây không xây dựng đường dân sinh. Điển hình là đoạn từ Km 42+271 - Km 45+306 (bên phải tuyến) thuộc địa phận xã Tân Lý Đông (H.Châu Thành, Tiền Giang). Người dân ở phía bên trái tuyến muốn canh tác ruộng bên phải tuyến phải đi qua hầm chui Km 43+300, đi dọc phía trong hàng rào bào vệ, rồi cắt mở hàng rào để vào đất của mình, hoặc đi chui các cống thoát nước ngang trong đoạn này để vào thẳng ruộng phía bên kia.
Ngoài ra, sau khi thu hoạch người dân còn vác nông sản qua đường cao tốc gây mất an toàn giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông và rất nguy hiểm đến tính mạng người dân. Phía địa phương là Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang từ năm 2013 đã có báo cáo kiến nghị Bộ GTVT, TCĐB VN xây dựng bổ sung đường dân sinh đoạn này. Hiện nay, Cục QLĐB 4 đã trình TCĐB VN hồ sơ thiết kế với quy mô xây dựng đường dân sinh đoạn từ Km 42+271 - Km 45+306 (bên phải tuyến), tổng chiều dài 3,1 km, bề rộng mặt đường 3,5 m, nền đường rộng 5,5 m với kết cấu cán đá láng nhựa, tổng mức đầu tư dự kiến 14 tỉ đồng. Sau khi được TCĐB VN phê duyệt sẽ triển khai công tác lựa chọn nhà thầu và hoàn thành trong tháng 5.2015.
Cách 2 - 3 km có 1 cống, cầu vượt dân sinh
Với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD), tuyến đường chủ yếu đi qua đồng ruộng và rừng cao su, ít có nhà dân ở hai bên. Chủ đầu tư là Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) đã triển khai thi công hoàn thành các đường dân sinh dọc theo hai bên tuyến và các cầu vượt dân sinh, cống chui dân sinh qua đường cao tốc HLD phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương. Hiện tại những khu vực có dân cư sinh sống, sinh hoạt hay có đường mòn đều được bố trí xây dựng đường dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Đường cao tốc HLD, đoạn gói 5A và gói 6 có tất cả hơn 16 km đường dân sinh dọc tuyến, kết nối các cống, cầu vượt dân sinh. Các cầu, cống chui được bố trí liên tục, khoảng cách 2 - 3 km có 1 cống, cầu vượt dân sinh. Hiện có tất cả 14 cống chui dân sinh và 4 cầu vượt dân sinh cho đoạn tuyến từ quốc lộ 51 đến nút giao Dầu Giây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.