Lạc quan thì được, chủ quan thì đừng!
Dù một tháng đã trôi qua Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm vi-rút Covid-19 nào lây lan trong cộng đồng, nhưng nguy cơ tiềm ẩn của dịch vẫn chưa bị xóa sổ hoàn toàn.
Trên thế giới có không ít trường hợp tưởng chừng đã khống chế dịch thành công, nhưng lại bùng phát lần thứ hai gây ảnh hưởng nặng nề.
|
Tại Việt Nam đã xuất hiện thêm ca nhiễm Covid-19 qua đường nhập cảnh trái phép từ Campuchia, hoặc những chuyến bay chính thống đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về cũng là những đốm lửa có khả năng bùng cháy lại bất cứ lúc nào. Do đó để đối phó với dịch bệnh, các chuyên gia cho rằng tuyệt đối không được chủ quan, và thực hiện nghiêm chỉnh theo chủ trương “trạng thái bình thường mới”: luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, và đặc biệt luôn phải rửa tay sạch sẽ với xà phòng hoặc gel rửa tay có cồn để tránh việc lây lan vi rút.
Người lớn hay trẻ con cũng cần phải hiểu tầm quan trọng của việc rửa tay sạch sẽ
Hơn hai tháng phòng chống dịch, có lẽ các thiên thần nhỏ đều đã được bố mẹ nhắc nhở rửa tay thường xuyên. Nhưng việc duy trì thói quen tốt đó không phải là việc dễ dàng, vì với bản năng sống sơ khai nhất, trẻ chỉ muốn làm những điều chúng cho là đúng chứ không phải điều bố mẹ cho là đúng. Và trong mắt trẻ, việc rửa tay với xà phòng chán như vậy dĩ nhiên là không đúng rồi. Vì thế bố mẹ phải dạy cho trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc rửa tay để trẻ có thể làm một cách tự nguyện theo đúng ý muốn của mình. Vậy bố mẹ nên làm gì đây?
Đơn giản nhất chính là cho trẻ “thực mục sở thị” bằng một thí nghiệm khoa học thú vị về tác dụng của xà phòng để trẻ cảm thấy thật ấn tượng và không bao giờ quên.
Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM minh họa tác dụng đẩy lùi vi khuẩn và vi-rút gây hại của xà phòng bằng một thí nghiệm nhỏ chỉ với nước, tiêu và xà phòng. Sự tấn công của vi khuẩn và vi-rút trở nên rõ ràng và chân thực hơn bao giờ hết khi những hạt tiêu li ti bám đầy trên ngón tay không được bảo vệ của các bé.
|
Nhưng khi rửa tay với xà phòng, vi khuẩn và vi-rút đáng sợ đó lập tức tránh xa.
|
Thí nghiệm nhỏ này thật ra đã “nổi như cồn” tại các báo nước ngoài lẫn các cộng đồng mạng trên thế giới và được chia sẻ nhiệt liệt cùng những phản hồi rất tích cực trong việc giúp trẻ nhỏ (và cả người lớn) nhận thức được sự cần thiết của xà phòng.
Các hot mom tại Việt Nam cũng không nằm ngoài trào lưu này. Các video mẹ Việt dạy con làm thí nghiệm với hạt tiêu càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn, và điều thú vị nhất chính là xem phản ứng của các thiên thần nhỏ.
|
Lần đầu tiên được nhìn thấy tác dụng của xà phòng một cách rõ rệt như vậy, các cô cậu bé đều tỏ ra rất thích thú và bị thuyết phục.
Sau khi được mẹ hỏi “con biết tại sao phải rửa tay bằng xà phòng chưa?” thì 100% câu trả lời đều là “Dạ hiểu” kèm cái gật đầu rất tâm đắc. Đây quả là một bài học vô cùng trực quan sinh động phải không các mẹ?
Rửa tay đúng cách, vi khuẩn chạy mất!
Thế nhưng để xà phòng có thể phát huy khả năng bảo vệ tốt nhất, bố mẹ cũng phải dạy bé rửa tay đúng cách. Điều đáng mừng là, còn có một thí nghiệm khoa học khác cũng trực quan sinh động không kém có thể hỗ trợ bố mẹ cho việc này đấy.
Hãy thử tưởng tượng mực màu là nước rửa tay nào!
|
Chỉ với đôi găng tay và mực, bố mẹ có thể cho bé thấy tại sao chúng ta phải cần tận 6 bước rửa thì tay mới hoàn toàn sạch sẽ và được bảo vệ khỏi vi khuẩn và vi rút gây hại. Áp dụng theo phương pháp này, các bé sẽ thấy rõ được những vị trí trên tay không được làm sạch nếu chỉ rửa không đủ 6 bước, và chắc chắn sẽ hoàn toàn tâm phục khẩu phục, không còn rửa tay qua loa như trước nữa. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn con trong thí nghiệm này cũng là cách để bố mẹ nhắc nhở bản thân thực hiện rửa tay đúng và đủ, không chỉ bảo vệ gia đình mà còn làm gương cho các bé. Bố mẹ hãy thử xem. À đừng quên luôn rửa ít nhất 20 giây để xà phòng phát huy tác dụng hiệu quả nha.
|
Thời kỳ giãn cách xã hội đã qua, nhu cầu kết nối trở lại trong cuộc sống, mọi thứ đang dần trở về guồng quay ban đầu mang đến tinh thần phấn chấn hơn cho toàn thể người dân sau quãng thời gian khó khăn. Thế nhưng hiện tại khó có thể nói Việt Nam không còn nguy cơ, chỉ có thể nói là nguy cơ thấp, nghĩa là vẫn luôn có nguy cơ lây nhiễm.
Vì vậy, hãy nhớ chỉ nên lạc quan để trải nghiệm sống theo những cách “bình thường mới”, và luôn sẵn sàng tinh thần “phòng bệnh”, chuẩn bị tốt hơn cho bất kỳ tình huống nào, chứ đừng chủ quan bỏ quên sức khỏe của bản thân, gia đình và đặc biệt là các bé, người lớn nhé!
Bình luận (0)