Chung chạ kinh doanh, đang 'ăn nên làm ra', đùng cái dẹp tiệm đường ai nấy đi

21/03/2024 11:54 GMT+7

Có những câu chuyện thật như đùa mà người trẻ khởi sự kinh doanh ta thán. Đó là phải trì hoãn, tạm dừng việc kinh doanh, thậm chí "dẹp tiệm" chỉ vì lý do bất ngờ đến từ những người cộng sự.

Khi cộng sự không cùng lối đi...

Anh Lê Mạnh Phát (34 tuổi), ngụ ở đường Nguyễn Văn Luông, Q.6, TP.HCM, cho biết đang tìm mặt bằng mở lại một quán cà phê mới. Dù rằng cách đây 3 tháng, anh cùng những cộng sự là đồng sở hữu một thương hiệu cà phê đình đám. Việc kinh doanh khi đó tiến triển tốt, mỗi tháng lợi nhuận chia đều cho từng người được hơn 100 triệu đồng/thành viên.

Anh Phát kể khi việc kinh doanh thuận lợi đã nhận được nhiều đề nghị nhượng quyền thương hiệu. Nhóm sáng lập có 3 người, anh Phát cùng 2 thành viên khác. Anh Phát không muốn vì lo đối tác sẽ vô tình làm ảnh hưởng thương hiệu nếu buôn bán không vừa lòng khách hàng.

"Một thành viên khác ngược ý tôi vì muốn có thêm khoản thu nhập (80 triệu đồng/trường hợp nhượng quyền thương hiệu). Người còn lại thì nói "sao cũng được". Nhiều lần họp, bàn bạc, thảo luận nhưng không thể thống nhất ý kiến. Và cuối cùng quyết định đường ai nấy đi, phải đóng cửa cả 3 tiệm đang kinh doanh ở Q.6, Q.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM", anh Phát kể lại và cho rằng: "Bao công sức gầy dựng cơ sở kinh doanh đã "đổ sông đổ bể". Đó là cái kết bất ngờ, chưa từng nghĩ tới".

Câu chuyện chỉ vì lục đục nội bộ giữa những người cộng sự dẫn đến phải ngừng kinh doanh là không hiếm. Các thành viên trong đội ngũ sáng lập thương hiệu mỗi người một ý đã dẫn đến những cuộc chia tay không mấy êm đẹp và để lại nhiều nuối tiếc cho người trong cuộc.

Chị Tô Thị Hoàng Hạ (32 tuổi), ngụ ở đường Bến Vân Đồn, Q.4, TP.HCM, chia sẻ từng làm ăn chung với 3 người bạn bằng cách mở spa trên đường Phan Văn Trị, Q.5, TP.HCM. Hai năm kinh doanh, chị Hạ cho biết chưa từng lỗ. Có những ngày doanh thu cả chục triệu đồng. Tuy nhiên spa ấy đã đóng cửa vào đầu tháng 2 vừa qua.

Lý do, trong quá trình kinh doanh chị Hạ đã phát hiện sự thiếu minh bạch về tài chính, không "ăn đồng chia đủ", để rồi 4 người từng là bạn bè rất thân giờ không còn nhìn mặt nhau.

Chung chạ kinh doanh, đang 'ăn nên làm ra', đùng cái dẹp tiệm đường ai nấy đi- Ảnh 1.

Khi hùn hạp để kinh doanh, cần hạn chế những mâu thuẫn, xung đột, tránh trường hợp phải dẹp tiệm giữa chừng

ẢNH MINH HỌA: THANH NAM

Anh Nguyễn Quang Viên (33 tuổi), ngụ ở đường Thống Nhất, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho biết đã từng cùng 2 người bạn ra mắt một thương hiệu cà phê rất được giới trẻ ưa chuộng. Nhóm của anh Viên từng tham gia và đạt giải nhiều cuộc thi khởi nghiệp cũng như kêu gọi vốn đầu tư thành công. Nhưng rồi thương hiệu ấy đã "mãi mãi 6 tuổi".

"Vừa bước sang năm thứ 6 kinh doanh thì nhóm "tan đàn xẻ nghé". Lý do vì những người sáng lập đã mâu thuẫn với nhau về định hướng phát triển. Có người muốn giữ quy mô đang kinh doanh. Có người thích mở rộng ra ở một số tỉnh lân cận TP.HCM. Mâu thuẫn cứ âm ỉ và kéo dài suốt một thời gian. Cuối cùng dẫn đến việc đóng quán", anh Viên cho hay và nói rằng: "Fanpage của thương hiệu cà phê vẫn còn. Nhìn lại chỉ thấy tiếc".

Còn nhiều câu chuyện tương tự. Khi người trẻ khởi sự kinh doanh kể trong tiếc nuối việc phải dẹp tiệm, sang nhượng thương hiệu cho người khác, hoặc để quán "chết yểu" chỉ vì đội ngũ những người sáng lập ngược hướng nhau, không cùng lối đi.

Có trường hợp như chị Vương Thị Mi Li (36 tuổi), từng làm chủ một nha khoa trên đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TP.HCM, chưa kịp vui mừng vì làm ăn phát đạt thì phải dẹp tiệm.

"Lúc khó khăn, mọi người đồng lòng, đoàn kết. Nhưng rồi chẳng hiểu sao, khi khách đông, thì những mâu thuẫn xảy ra. Để rồi sau này mỗi lần đi ngang cho địa điểm từng mở nha khoa ấy, thấy đã thay tên đổi chủ mà lòng tôi buồn vô cùng", chị Li kể.

Chung chạ kinh doanh, đang 'ăn nên làm ra', đùng cái dẹp tiệm đường ai nấy đi- Ảnh 2.

Chị Trần Thị Diệu Hiền (giữa) cho rằng khi kinh doanh cần có người khác chung sức, đồng hành. Tuy nhiên phải chọn lựa đúng người

THANH NAM


Đừng đi một mình, nhưng…

Theo chị Trần Thị Diệu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Skill Media, đồng thời là chủ nhiều thương hiệu về sản phẩm chế tác từ đá muối hồng Himalaya, những mặt hàng cao cấp để chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp từ thảo dược thiên nhiên, cũng như các thức uống "hot trend" ... tại TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết bản thân cũng là người trong cuộc.

Chị Hiền kể từng kinh doanh một thương hiệu nước uống và "đứt gánh giữa đường" vì sự hợp tác không như ý với những cộng sự.

Chị Hiền rút ra kinh nghiệm: "Khi kinh doanh, khởi nghiệp, đừng đi một mình. Nghĩa là đừng tự mình làm. Cần có người khác chung sức, đồng hành. Nhưng phải chọn lựa đúng người".

Chị Hiền giải thích: "Đúng người ở đây nghĩa là cộng sự cũng yêu thích kinh doanh, chung chí hướng muốn kiếm tiền, làm giàu. Nhưng người ấy phải biết tôn trọng những ý kiến, quan điểm trái chiều. Khi có tranh cãi xảy ra, cần phản biện để tìm hướng đi tích cực, chứ không phải lúc nào cũng khăng khăng cho mình là đúng. Cộng sự cũng cần phải có những kỹ năng về kinh doanh. Đặc biệt, phải là người biết nhận và sửa lỗi cũng như trung thực…".

Chị Nguyễn Thị Hải Như (37 tuổi), chuyên gia giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nhiều chương trình thuộc các Sở Khoa học và Công nghệ trên toàn quốc, cho rằng việc tìm cộng sự để cùng khởi sự kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong trường hợp không thể dung hòa những mâu thuẫn.

Chị Như cho rằng nên chọn những cộng sự mà bản thân "hiểu tính, hiểu nết", ăn ý, để lỡ có xung đột, dễ dàng làm hòa thay vì "cạch mặt" nhau.

Bên cạnh đó, ưu tiên những cộng sự đã từng có kinh nghiệm kinh doanh, buôn bán. Hoặc là những người có mối quan hệ nhiều. Những điều đó dễ giúp ích cho quá trình kinh doanh được thuận lợi.

Chị Như lưu ý thêm: "Trước khi kinh doanh, cần vạch ra những tình huống nếu lỡ thất bại. Và các thành viên sáng lập phải sẵn sàng tâm lý đón nhận điều không may ấy. Kẻo khi kinh doanh ế ẩm, từng người lên tiếng muốn rút vốn thì rất khó khăn cho những thành viên còn lại. Ngoài ra, dựa vào vốn, năng lực và công sức mỗi người đóng góp để chia tỷ lệ phù hợp, cả trong trường hợp thành công hoặc thất bại để không xung đột lợi ích…".

Nếu có mâu thuẫn xảy ra, chị Như cho rằng các thành viên nên ngồi lại với nhau và thảo luận mang tính xây dựng, tránh những căng thẳng khiến mọi việc rối tung. "Mỗi người cần có tinh thần trách nhiệm cao trong việc chung tay, góp sức để kinh doanh. Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, nhất là trong tình cảnh có thể dẫn đến việc phải ngừng kinh doanh, nên bàn bạc nhiều lần để có phương án hợp lý nhất", chị Như nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.