Khổ như 'chạy' chứng chỉ viên chức: 'Chứng chỉ' không phải chìa khóa nâng chất lượng cán bộ

26/10/2019 07:10 GMT+7

Đồng thuận về việc phải nâng cao năng lực của cán bộ, công chức , nhưng nhiều chuyên gia phản đối cách 'cụ thể hóa' bằng chứng chỉ, mà các cơ quan quản lý nhà nước đánh đồng với năng lực, dẫn đến nhiều biến thái, tiêu cực.

Đồng thuận về việc phải nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, trong đó yêu cầu về ngoại ngữ, tin học là không thể thiếu với nhiều vị trí, tuy nhiên vấn đề bị nhiều chuyên gia phản đối là cách “cụ thể hóa” bằng chứng chỉ, mà các cơ quan quản lý nhà nước đánh đồng với năng lực, dẫn đến nhiều biến thái, tiêu cực.

Biết ngoại ngữ, tin học không đồng nghĩa với xuất trình “chứng chỉ”

Bày tỏ quan điểm trước việc rất nhiều người vì đảm bảo tiêu chuẩn chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã phải “chạy”, “mua” để đáp ứng một cách hình thức, tiêu tốn thời gian, tiền bạc nhưng không có tác dụng gì, Bộ Nội vụ khẳng định bằng văn bản gửi tới Báo Thanh Niên: “Hành vi chạy bằng, mua bằng là hành vi vi phạm pháp luật. Bất cứ cá nhân nào vi phạm, tùy theo mức độ có thể bị xử lý hình sự, hành chính. Vì vậy, nếu phát hiện bất cứ trường hợp công chức, viên chức nào sử dụng bằng giả, theo quy định trong quá trình tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ bị xử lý”.
Tuy nhiên Bộ Nội vụ lại không nêu quan điểm gì về nguyên nhân sâu xa vì sao công chức, viên chức phải bỏ triệu nọ, triệu kia để “chạy” chứng chỉ. Thêm vào đó, Bộ Nội vụ nhấn mạnh “không phải vì hành vi “chạy bằng”, “mua bằng” của một số cá nhân mà chúng ta bỏ tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học” (thực ra không ai yêu cầu bỏ “tiêu chuẩn”, thứ mà chuyên gia khuyến cáo bỏ chính là những chứng chỉ hình thức - PV).
Dẫn Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4.8.2017 của Bộ Chính trị quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo các cấp thì quy định tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ là phù hợp theo yêu cầu của vị trí việc làm, Bộ Nội vụ cho biết sẽ nghiên cứu không quy định tiêu chuẩn chung về trình độ ngoại ngữ, tin học mà sẽ thực hiện theo vị trí việc làm, chuyên môn công tác.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng thừa nhận nếu từng cá nhân không thấy bản thân mình cần nỗ lực để hoàn thiện, nâng cao trình độ, năng lực mà hài lòng với những gì mình hiện có thì không thể hy vọng nâng cao chất lượng lao động, hiệu quả công việc. Động lực để nâng cao năng lực của bản thân có thể đến từ chính bản thân công chức, viên chức; từ tổ chức sử dụng họ; từ những đồng nghiệp khác và từ đòi hỏi khách quan của công việc; chứ không đến từ các chứng chỉ nộp xong để phủ bụi.
Vậy Bộ Nội vụ có định hướng, giải pháp nào để giải quyết những bất cập, hình thức hiện nay? Trả lời câu hỏi này, Bộ Nội vụ cho biết: “Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Nội vụ sẽ rà soát, hệ thống lại các quy định về điều kiện văn bằng, chứng chỉ để kịp thời chỉnh sửa, khắc phục những bất cập trên tinh thần thiết thực, gắn với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong từng ngành nghề, lĩnh vực”. Ngoài ra, Bộ Nội vụ cho rằng cũng cần có sự phối hợp của các bộ chuyên ngành để chủ động rà soát, loại bỏ những chứng chỉ, bằng cấp không cần thiết trên tinh thần cải cách mạnh mẽ, không gắn với lợi ích cục bộ, tạo rào cản trong công tác cán bộ.

Cạnh tranh công bằng, sẽ không ai “chạy” chứng chỉ nữa

Trao đổi với Thanh Niên về chứng chỉ, PGS-TS Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu) nhận định, yêu cầu chứng chỉ để chuẩn hóa cán bộ cũng không có ý nghĩa gì nếu công chức không có động lực làm việc. Do đó, việc “nhảy” ngay vào quy trình, thủ tục, theo ông Khương, là một sai lầm rất lớn. “Cần phải bắt đầu từ khâu thiết kế chiến lược chứ không phải bằng sửa đổi chắp vá một vài quy định. Ví dụ ngoại ngữ, không cần chứng chỉ gì cả, có thể tải ngay một bài báo, bài nghiên cứu trên internet, anh đọc, dịch cho tôi; một video trên YouTube anh nghe, trình bày lại... Chỉ cần 3 mức thôi, không cần hệ thống chứng chỉ quy đổi dài dằng dặc làm gì cả”, ông Khương nói.
“Nếu Đổi mới 1 (1986 - 2015) bí quyết lớn nhất của nó là tìm ra bàn tay vô hình của thị trường, khuấy động hứng khởi của người dân trong công việc; thì Đổi mới 2 (2016 - 2045), tiến tới 100 năm độc lập, phải giải quyết bàn tay vô hình lần thứ hai là làm sao để có một khu vực công quật khởi, để người công chức có được tinh thần như người nông dân trên ruộng đồng, của doanh nghiệp trên thị trường. Toàn tâm toàn ý để xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú không phải là khó, nhưng nói đến bàn tay vô hình là nói đến quy luật chứ không phải quy trình. Phải đặt ra bài toán như vậy thì mới cải cách được, không nên bập ngay vào những thứ thủ tục”, ông Vũ Minh Khương nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, cho rằng nếu chỉ loay hoay bàn về sự “tồn tại hay không tồn tại” của các loại tiêu chuẩn, chứng chỉ thì sẽ mắc kẹt trong đủ các loại quy trình, thủ tục. Để giải quyết câu chuyện chất lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công, theo ông Đồng, phải bắt đầu từ những yếu tố nền tảng hơn, là giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công. Theo ông Đồng, việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công không chỉ là tự chủ về tài chính mà quan trọng hơn là tự chủ về tiêu chí đánh giá nhân sự. Khi đó, người đứng đầu phải được quyết định và chịu trách nhiệm giải trình về số lượng, tiêu chuẩn đối với viên chức được tuyển dụng. “Một người sẽ không được tuyển dụng vì hội đồng tuyển dụng viên chức đánh giá anh ta không đủ năng lực chứ không phải vì anh ta không có các chứng chỉ, dù chứng chỉ, như tôi đã nói, là một tín hiệu để tham khảo”, ông Đồng phân tích.
Về lâu dài, ông Đồng cho rằng quan trọng hơn là phải tư nhân hóa các dịch vụ công hoặc khoán các nhiệm vụ của dịch vụ công dưới hình thức đấu thầu, không phân biệt công, tư. Xu hướng là hệ thống dịch vụ công co hẹp càng nhiều càng tốt, dịch vụ công chỉ cung cấp dịch vụ cho những đối tượng yếu thế. Theo ông Đồng, khi công, tư không còn phân biệt mà cạnh tranh một cách công bằng thì sẽ không còn câu chuyện vật vã để đổi từ cải cách này sang cải cách kia trong chuyện chứng chỉ, bằng cấp nữa. Bởi lẽ khi ấy người ta sẽ chỉ căn cứ vào năng lực và hiệu quả chứ không cần tới chứng chỉ và tiêu chuẩn nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.