Thạc sĩ Trần Thanh Vũ, ngành Giảng dạy tiếng Anh, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa Giáo dục, ĐH Durham (Anh), cho hay ngoài IELTS đang “thống lĩnh” tại Việt Nam, trên thế giới còn thịnh hành các chứng chỉ theo hệ thống của Cambridge (Anh) như YLE, KET, PET, FCE, CAE, CPE; của ETS (Mỹ) là TOEFL, TOEIC; của Pearson (Anh) là PTE; và một số khác không thông dụng bằng như của ứng dụng Duolingo là DET hoặc các chứng chỉ của Trinity College London (Anh).
Phòng thi PTE tại TP.HCM |
EMG Education |
“Chúng phổ biến ở các nước không nói tiếng Anh, vì hầu như người thi các chứng chỉ này có nhu cầu du học, làm việc hoặc định cư ở các nước nói tiếng Anh. Thời gian gần đây, các chứng chỉ này đặc biệt phổ biến ở khu vực châu Á do sự ảnh hưởng của các biến đổi kinh tế - chính trị “xoay trục về châu Á”. Và theo một số nghiên cứu, sự phát triển này kéo theo việc người châu Á quay sang học tiếng Anh rất nhiều”, thạc sĩ Vũ phân tích.
Điểm chung của các chứng chỉ tiếng Anh, theo thạc sĩ Vũ, là đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ của thí sinh. Hầu hết các chứng chỉ hiện nay sẽ quy điểm theo miêu tả trong Khung tham chiếu năng lực ngôn ngữ châu Âu (CEFR) nên ngày càng có sự nhất quán trong việc hiểu trình độ và năng lực của người học, thi. “Điểm khác nhau lớn nhất là cấu trúc bài thi và mục đích sử dụng”, thạc sĩ Vũ nói.
Chuyên gia giáo dục này cũng cho hay các chứng chỉ thường có 2 hình thức là “academic” (học thuật) và “general” (làm việc phi học thuật). Đây cũng là nguyên nhân đa số hay hiểu lầm về khả năng sử dụng ngôn ngữ của người mang chứng chỉ. Theo thạc sĩ Vũ, năng lực sử dụng ngôn ngữ của một người đạt được một mức điểm nào đó chỉ gói gọn trong những miêu tả cụ thể và phù hợp với mục đích được cơ sở tổ chức thi miêu tả.
“Tức là ta không thể mong đợi một người có điểm IELTS Academic 8.0 giao tiếp lưu loát trong môi trường phi học thuật giống như trong môi trường học thuật. Thêm vào đó, không có bài thi nào là hoàn chỉnh hay đánh giá toàn diện được. Hằng năm người ta vẫn phải liên tục làm các nghiên cứu để tái đánh giá các ưu, khuyết điểm và hiệu quả mà các bài thi mang lại”, chuyên gia ngành Giảng dạy tiếng Anh phân tích.
Giao diện thi thử DET có câu hỏi tiếng Việt |
CHỤP MÀN HÌNH |
Khi được hỏi liệu các chứng chỉ mới như DET, PTE có dễ hơn những chứng chỉ lâu đời, thạc sĩ Vũ cho rằng điều này mang tính tương đối. “Độ dễ hay khó hầu như ít nằm trong nội dung hay độ khó thực sự của ngôn ngữ, mà ở ngữ liệu, cấu trúc, cách đặt câu hỏi và quan trọng hơn hết là “độ quen” của người thi với những điều đó”, thạc sĩ Vũ nhấn mạnh.
Những hình thức đặt câu hỏi của các bài thi hầu như là các dạng thức phổ biến trong giáo dục, không kể môn học. Một người đã có thời gian quen với một số kiểu cách nhất định thì sẽ thấy những bài thi đó “có vẻ” dễ hơn. “Nói tóm lại, các chứng chỉ mới ra đời có thể sẽ “hợp” hơn với nhiều người, chứ tôi không nghĩ là dễ hơn”, vị này khẳng định.
Bình luận (0)