Ngày 20.8, nhận tin báo cháy từ ban công một căn hộ, đội chữa cháy cơ sở ở tháp A chung cư The Gold View (Q.4, TP.HCM) lập tức có mặt, phá khóa cửa và dùng bình chữa cháy xách tay tại tủ chữa cháy hành lang dập tắt đám cháy.
Tường ban công vẫn nóng rực, lực lượng tại chỗ đã dùng nước trong căn hộ làm mát các cấu kiện để không cho đám cháy bùng phát trở lại. Nguyên nhân ban đầu ghi nhận tại tâm lửa có nhiều vật dụng dễ cháy và có 1 chiếc đèn livestream vẫn đang hoạt động.
Đáng nói, kiểm tra hiện trường bên trong căn hộ, đội chữa cháy cơ sở của chung cư ghi nhận đầu báo khói đã bị chụp tấm nhựa bảo vệ.
CLIP: Đội chữa cháy cơ sở dập tắt đám cháy ở chung cư
"Kỹ năng rất quan trọng!"
Ông Phạm Hoàng Long, Trưởng ban quản trị tháp A chung cư The Gold View cho biết, sự việc trên cũng là tình huống cho thấy đội chữa cháy cơ sở ở chung cư quan trọng thế nào. Nhờ lực lượng tại chỗ triển khai kịp thời nên công tác chữa cháy ban đầu chỉ dùng 2 bình chữa cháy xách tay; chưa phải triển khai hệ thống chữa cháy vách tường - giải pháp này ít nhiều sẽ làm hư hỏng sàn gỗ và nội thất.
Trước đó, ngày 21.8.2020, tại chung cư cũng xảy ra một vụ cháy ở căn hộ tầng 18, do công tác chữa cháy ban đầu không kịp thời nên phải triển khai hệ thống chữa cháy vách tường dẫn tới hư hỏng toàn bộ sàn gỗ của các căn hộ bên cạnh.
Theo ông Long, từ tháng 12.2022, Ban quản trị tháp A được tách ra từ cụm bắt đầu hoạt động cũng là lúc đội chữa cháy cơ sở với 50 thành viên (an ninh, kỹ thuật, lễ tân) được thành lập. Xác định vai trò quan trọng, đội được tập luyện mỗi tuần một lần vào ngày cuối tuần gồm: kỹ thuật rải vòi chữa cháy, triển khai đội hình chữa cháy một lăng B từ hệ thống nước chữa cháy vách tường và sử dụng bình bột khô dập đám cháy...
"Tuần đầu tiên mọi người lóng ngóng, không biết làm gì. Nhưng sau khoảng 2 tháng thì mọi người dần thuần thục, chuẩn xác trong kỹ thuật", ông Long kể.
Theo Trưởng ban quản trị tháp A chung cư The Gold View, có nhiều điều cần thay đổi về ý thức của cư dân trong phòng cháy chữa cháy. Như trong vụ cháy kể trên, khi nhận tin, ông Long đi qua tháp khác bấm thang máy để đến tầng có sự cố, mặc dù đã thông báo xin nhường đi trước để xử lý sự cố nhưng nhiều người vẫn phớt lờ, xem đó không phải việc của mình.
"Đến khi chữa cháy xong, người ở căn hộ này là khách thuê về đến và nói "Trời ơi mới đi có 1 tiếng về nhà đã cháy". Trong khi đi ra ngoài, người này không tắt đèn livestream, bịt đầu báo cháy trong nhà", ông Long thở dài.
Đội chữa cháy cơ sở của chung cư đã được "thưởng nóng" sau khi dập tắt kịp thời đám cháy kể trên. Mới đây, đội cũng được trang bị thêm 10 mặt nạ phòng độc với giá hơn 4,7 triệu đồng/cái để sử dụng cứu hộ trong tình huống khẩn cấp.
Cư dân phòng cháy thế nào?
Tại The Gold View, mỗi năm chung cư có các buổi kết hợp lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp diễn tập phương án chữa cháy và thông báo cư dân cùng tham gia. "Nhưng thực tế rất ít người tham gia tập huấn. Đây cũng là trăn trở của ban quản trị, kỹ năng rất quan trọng nhưng cư dân không mặn mà", Trưởng ban quản trị nhận xét.
Tương tự, tại chung cư Saigonres Plaza (Q.Bình Thạnh), ông Tống Thành Long, Trưởng ban quản lý cũng cho biết, đội chữa cháy cơ sở có 20 thành viên gồm bảo vệ, cư dân và nhân viên đang làm việc tại đây và 3 tháng một lần là các buổi tập huấn với sự hướng dẫn của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.
Trong các buổi tập, đội sẽ hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy, vòi chữa cháy và cách xử lý khi có tình huống cháy cụ thể. Trưởng ban quản lý chung cư cho hay, mỗi tầng đều có tủ PCCC gồm bình chữa cháy dạng bột, bình CO2 và vòi chữa cháy để xịt nước.
Trong các căn hộ đều có đầu báo khói cảm ứng nhiệt, khi phát hiện cháy báo về tủ trung tâm, ngay lập tức bảo vệ sẽ kiểm tra, xác định có cháy thật thì kích hoạt hệ thống báo cháy cho toàn tòa nhà. Ở gần cửa ra vào trong phòng khách mỗi căn cũng có vòi xịt nước để thoát nạn, trong tình huống khẩn cấp, nước sẽ tự động phun ra dập lửa, hạ nhiệt tại khu vực này để cư dân thoát nạn.
Các hệ thống được chung cư kiểm tra định kỳ hàng tháng; hành lang, thang bộ thoát hiểm không được để bất cứ vật dụng gì.
"Sau vụ cháy vừa qua tại Hà Nội, chung cư cũng cập nhật lại cách thoát hiểm khi có cháy trong nhóm cộng đồng. Trường hợp có cháy, chung cư sẽ xác định nguồn lửa, thông báo qua loa để cư dân biết lối thoát hiểm. Trước đó, chung cư khuyến khích người dân trang bị mỗi hộ một bình chữa cháy thì cũng có hộ đăng ký mua, nhưng số lượng còn hạn chế. Ban quản trị và ban quản lý vừa bảo trì toàn bộ hệ thống PCCC của chung cư với kinh phí gần 1,5 tỉ đồng đã được cư dân thông qua trước đó trong hội nghị thường niên năm 2022", ông Tống Thành Long thông tin.
Theo khảo sát của Thanh Niên, câu hỏi "Nhà bạn có trang bị các vật dụng thoát nạn khi có cháy?" với 333 người tham gia trả lời, có tới 226/333 người (chiếm 67,87%) trả lời chưa trang bị gì. Còn lại là những người có trang bị sẵn 1 hoặc nhiều vật dụng để thoát nạn khi có cháy.
Ông Hoàng An, sống tại tầng 19 một chung cư ở Q.Bình Thạnh cũng cho hay, thời gian gần đây, cả chung cư bàn tán rôm rả về kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra. Nhưng thực tế, nhiều gia đình chưa có bất kỳ vật dụng nào để chữa cháy, thoát nạn.
"Sau vụ cháy vừa qua tôi cũng giật mình, tại sao nhà chưa trang bị gì, chưa tham gia bất kỳ buổi tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy nào. Tôi chỉ đọc các thông tin trên báo đài, mạng xã hội về kỹ năng thoát nạn và sẽ sắp xếp tham gia buổi tập huấn sắp tới", ông An nói.
Bình luận (0)