Từ khi làm giáo sư ở ĐH Hosei (Tokyo, Nhật Bản), tôi đã vận động ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác để đưa giảng viên các trường ĐH Việt Nam sang Nhật nghiên cứu, hoặc trao đổi giảng viên giữa Nhật Bản và Việt Nam. Năm 2000, giáo sư Tamaki Hidehiko là thầy của tôi tài trợ 3,5 triệu yen (35.000 USD) cho Trường ĐH Bách khoa TP.HCM để thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu thiết kế và mô phỏng vi mạch.
Năm 2002, tôi rời Nhật Bản trở về quê nhà khi bước sang tuổi 66. Nếu ở Nhật, tôi có thể làm việc thêm vài năm nữa, nhưng nhìn lại cả cuộc đời mình, dù tên tuổi đã được biết đến ở nước ngoài, nhưng lại chưa đóng góp được gì cho đất nước. Và nếu làm thêm vài năm nữa, có lẽ sức khỏe cũng giảm sút và không đóng góp được nhiều cho quê nhà.
Tôi về TP.HCM với mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé khi còn sức khỏe. Ở Việt Nam, tôi có gia đình, người thân và môi trường sống, kể cả vấn đề rất quan trọng đối với người lớn tuổi là chăm sóc y tế không thua kém gì nước ngoài.
BÀI HỌC TỪ NHỮNG CON RỒNG CHÂU Á
Năm 2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài . Chúng tôi, nhóm Việt kiều có quan hệ thân thiết với Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, đã tập hợp thành Ban Vận động thành lập CLB Khoa học kỹ thuật Việt kiều, tôi làm trưởng ban và 5 người làm phó ban. Đến khi CLB chính thức được công nhận hoạt động thì tôi xin từ chối làm chủ nhiệm để có thể chuyên tâm vào hoạt động chuyên môn của mình trong lĩnh vực vi mạch.
Năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) của ĐH Quốc gia TP.HCM được thành lập, tôi làm cố vấn. Thời điểm này, Công ty Synopsys đồng ý cho ICDREC sử dụng thử phần mềm hỗ trợ thiết kế của họ trong vòng 1 năm. Nhờ phần mềm hỗ trợ này, ICDREC thiết kế được con chip đầu tiên của Việt Nam vào năm 2007, một con vi điều khiển 8 bít đặt tên là SIGMAK 3.
Nhìn lại những năm thập niên 70 của thế kỷ 20, ngành công nghiệp vi mạch đã đưa Nhật Bản phát triển thần kỳ và được thế giới ngưỡng mộ. Sau đó, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… đều có những thành tựu quan trọng về khoa học công nghệ này. Điểm chung của họ là tận dụng tốt nguồn Hàn kiều, Hoa kiều… từ những nước phát triển đi trước.
Riêng với Nhật Bản, họ có tầm nhìn xa và quyết tâm thực hiện bằng được. Những năm 1960 - 1970, Nhật Bản rất cần kỹ sư thiết kế vi mạch nhưng do thiếu người nên họ sẵn sàng tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp ngành điện, điện tử, cơ khí về dạy thêm 5 - 6 tháng, thậm chí họ còn lấy sinh viên tốt nghiệp ngành hóa học, dầu khí, kinh tế… về đào tạo.
Trước đây, TP.HCM có chủ trương trả lương cho chuyên gia 150 triệu đồng/tháng. Ban quản lý Khu Công nghệ cao mời ký hợp đồng nhưng tôi không nhận lời vì cuộc sống cũng ổn định rồi và hơn hết, tôi muốn cống hiến thiện nguyện.
ĐẶT MỤC TIÊU VÀO TOP 5 THẾ GIỚI
Trong 1 năm trở lại đây, đã có nhiều sự kiện đáng chú ý như thành lập Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế vào tháng 3.2023, và trước đó là ra mắt Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao hồi tháng 8.2022, cho thấy sự quan tâm của TP.HCM đối với lĩnh vực đầy tiềm năng này. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng rất quan tâm, nhưng do bận nhiều công việc nên cử thư ký đến gặp tôi để lắng nghe các ý tưởng mới. Gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có tuyên bố liên quan đến phát triển công nghiệp vi mạch.
Có vị lãnh đạo hỏi tôi liệu TP.HCM có thể trở thành trung tâm (hub) thiết kế vi mạch không, tôi trả lời là nếu có quyết tâm và lộ trình thì sẽ thực hiện được. Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty ở lĩnh vực thiết kế bán dẫn, một số công ty lớn như Synopsys có 2.000 người hay Renesas khoảng 600 người.
Thị trường thiết kế vi mạch thế giới rất tiềm năng, mình không chỉ thiết kế cho nhu cầu của Việt Nam mà thiết kế cho cả thế giới. Các "ông lớn" về thiết kế như Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan… có khoảng 50.000 người thiết kế, nếu Việt Nam muốn đứng ở top 5 vào năm 2030 thì ít nhất mình có số lượng kỹ sư tương đương họ hiện nay. Hiện Việt Nam chưa tới 10.000 người thì trong thập niên này phải đào tạo hơn 40.000 người thiết kế vi mạch.
Còn mảng chế tạo vi mạch thì tôi sẽ có "hiến kế" khả thi khác. Trước mắt, sản xuất vi mạch khó hơn. Thứ nhất là cần rất nhiều tiền, một nhà máy cho dù công nghệ chưa phải là tiên tiến nhất cũng phải mất cả tỉ USD, đó là chưa kể phải có nhiều công nghiệp phụ trợ đi kèm. Trong quy trình sản xuất vi mạch có 300 - 600 công đoạn tùy theo mức độ phức tạp của con chip. Trong quy trình đó dùng biết bao công nghệ, bao nhiêu chất hóa học, vật liệu và nếu không có các ngành công nghiệp phụ trợ như vừa kể, mình chưa nên tham gia vào.
Vậy tốt hơn hết là mình hãy tập trung vào khâu thiết kế. Làm thiết kế cũng ra tiền. Trên thế giới có những doanh nghiệp chỉ sống bằng nghề thiết kế như Qualcomm, chuyên thiết kế những con chip chủ chốt cho các dòng điện thoại thông minh.
Để có hơn 40.000 kỹ sư thiết kế thì phải chia lộ trình ra, nếu đào tạo trong 7 năm thì mỗi năm cần khoảng 6.000 người. Mỗi khóa đào tạo chỉ mất 6 tháng, mỗi năm 2 khóa thì mình hoàn toàn có thể giải quyết được. Hơn nữa, thị trường lao động của những học viên cũng khá rộng, hiện nhiều doanh nghiệp tìm người mà không có.
Vừa rồi, Công ty Synopsys - công ty hàng đầu thế giới về phần mềm hỗ trợ thiết kế vi mạch - đã tài trợ cho Khu Công nghệ cao TP.HCM 30 giấy phép sử dụng phần mềm hỗ trợ thiết kế trong vòng 3 năm. Cần nói thêm, nếu một doanh nghiệp mua số giấy phép như vậy sẽ phải trả nhiều triệu USD. So sánh với thời điểm năm 2007, ICDREC chỉ nhận được hỗ trợ 1 giấy phép trong 1 năm thì đủ thấy nhà tài trợ đã nhìn ra cơ hội lớn cỡ nào.
Họ dám tài trợ cho TP.HCM nhiều giấy phép như vậy vì nhìn thấy chúng ta có thể làm được và sẽ trở thành thị trường của họ. Theo tôi, ngoài các trường ĐH như Bách khoa, Khoa học tự nhiên đã có cơ sở thiết kế, giảng dạy về vi mạch rồi thì nên mở rộng ra các trường khác, như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, Trung tâm đào tạo của Bộ TT-TT và một số trường ĐH tư thục, mỗi nơi sử dụng 2 - 3 giấy phép để đào tạo nguồn nhân lực.
Với bầu không khí quyết tâm của cả nước và TP.HCM muốn tham gia vào lĩnh vực vi mạch, tôi tin rằng nếu có lộ trình phù hợp, ngành thiết kế vi mạch của Việt Nam sẽ trở thành mũi nhọn của thế giới.
THÚC ĐẨY NGUỒN LỰC KIỀU BÀO
Dự kiến trong tháng 5.2023, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM sẽ tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 năm 2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tôi thấy có 2 nhóm trí thức gồm trong nước và kiều bào, trong đó chúng ta thấy nhóm trí thức kiều bào hình như chưa có cơ hội được phát huy đúng mức, xứng tầm.
Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy có khoảng 5,5 triệu kiều bào, 80% ở các nước công nghiệp phát triển, trong đó có trên 600.000 người có trình độ trên đại học và nhiều chuyên gia giỏi. Đây là một nguồn lực gần như vô tận.
Đối với kiều bào cũng chia thành 2 nhóm là những người về hưu như tôi và những người còn đang làm việc. Những người như tôi sau khi về hưu có nhiều thời gian, không nặng cơm áo gạo tiền thì sẵn sàng đóng góp theo khả năng. Những người lớn tuổi, ngoài kinh nghiệm còn có nhiều mối quan hệ, bạn bè, học trò.
Đặc biệt, kiều bào đang ở đỉnh cao sự nghiệp, đang hoạt động khoa học công nghệ thì cái tài của người ta mới quý vì họ nắm xu thế, xu hướng của thời đại. Tất nhiên họ sẽ không bỏ công việc được vì đang ở đỉnh cao sự nghiệp, còn phải lo cho gia đình, nhưng nếu mình khéo tổ chức thì vẫn thu hút được. (còn tiếp)
Bình luận (0)