Chung dòng máu Lạc Hồng: Xây dựng hình ảnh Việt Nam trong mắt thế giới

Thục Minh
(Kiều bào Thụy Sĩ)
30/04/2023 06:43 GMT+7

Tôi không ngại nói với các nhà báo nước ngoài những điểm yếu, điểm nhạy cảm của Việt Nam, xen giữa những điều tốt đẹp, nhân văn. Nên bài họ viết về Việt Nam thường là khá công bằng và mang màu sắc tích cực.

Đầu năm 2021, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII diễn ra tại Hà Nội. Vào đúng ngày khai mạc, 25.1, nhật báo có ảnh hưởng nhất tại Thụy Sĩ và uy tín tại châu Âu - tờ Neue Zürcher Zeitung (NZZ) đăng bài nổi bật trên trang Quốc tế có tựa đề Việt Nam đang tìm kiếm vai trò của mình với lời dẫn nhập: "Hà Nội đang cân bằng giữa chủ nghĩa thực dụng và sự xơ cứng thể chế - Đại hội Đảng Cộng sản phải đưa ra định hướng".

Chung dòng máu Lạc Hồng: Xây dựng hình ảnh Việt Nam trong mắt thế giới - Ảnh 1.

Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ ra mắt cộng đồng người Việt tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ (tác giả Thục Minh thứ 2 từ phải sang)

SVBG

Bài báo điểm qua cách thức trong việc bầu cử bộ máy lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam; vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lý giải một cách chính xác, thuyết phục vì sao nhà lãnh đạo khi đó đã 76 tuổi sẽ phải tiếp tục đảm nhận vị trí tối cao thêm nhiệm kỳ thứ 3; sự linh hoạt trong đường lối đối ngoại của Việt Nam suốt chiều dài lịch sử lãnh đạo của Đảng Cộng sản; và những định hướng xây dựng đất nước trong giai đoạn mới từ phương diện kinh tế, chính trị, đến đối nội, đối ngoại và an ninh quốc gia.

"Chiến lược mở cửa kinh tế của Việt Nam có liên quan mật thiết đến định vị của họ ở vùng châu Á đang trỗi dậy. Đất nước này mong muốn có một mối quan hệ cân bằng với tất cả các cường quốc, cụ thể là Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ và Nhật Bản. Định hướng của họ rất rõ ràng: về kinh tế là một địa điểm đầu tư thuận lợi và ủng hộ thương mại tự do; về chính trị là một nhân tố tích cực tham gia vào tất cả các tổ chức quốc tế. Gắn liền với đó là lời hứa không đứng về phía cường quốc này để chống lại cường quốc đối thủ khác", bài báo viết.

Tác giả bài báo là Manfred Rist, đặc phái viên Đông Nam Á của NZZ, thường trú tại Singapore. Khi viết bài này, Manfred đang đi công tác ở Campuchia. Tôi là người cung cấp phần lớn thông tin và giải thích cho anh những chỗ lắt léo. Trước đó, Manfred muốn đến Việt Nam để trực tiếp đưa tin, nhưng dịch Covid-19 không cho phép. Sau khi bài đăng, Manfred có nói với tôi rằng Ban biên tập NZZ ở Zurich (Thụy Sĩ) đánh giá rất cao nội dung bài báo. Trong khi đó, ở Hà Nội, tôi biết nhiều người cũng vui, dù trong bài có vài từ, vài ý nghe hơi rát tai.

BẢO VỆ VIỆT NAM TRƯỚC CÁO BUỘC "THAO TÚNG TIỀN TỆ"

Tôi thân với Manfred từ thời tôi làm phóng viên (PV) Báo Thanh Niên thường trú tại Singapore. Chúng tôi trò chuyện nhiều với nhau về Việt Nam và các vấn đề quốc tế, kể cả khi tôi đã thôi làm báo chính thức năm 2017 và đi định cư tại Thụy Sĩ, quê hương của anh. Tôi không ngại chỉ ra, hay thừa nhận, với anh, cũng như với nhiều PV nước ngoài khác, những điểm còn yếu kém ở Việt Nam.

Ngạc nhiên thay, hầu hết họ đều tỏ ra thông cảm. Họ cũng khen ngợi Việt Nam ở nhiều mặt. Công bằng mà nói, họ có quan ngại về một số công cụ kiểm soát an ninh của Việt Nam, nhưng không "dị ứng" với thể chế Cộng sản tại Việt Nam. Nhiều nhà báo nước ngoài từng so sánh với tôi về tính hiệu quả ở một số mặt nhất định trong cách thức vận hành của chính quyền độc đảng so với các chính thể đa đảng. Trong vài trường hợp, họ tỏ ra chán ngán với sự tranh quyền đảng phái và sự trì trệ trong việc ra các quyết định quan trọng do có quá nhiều tiếng nói ở một số quốc gia. Tóm lại, với họ, không có thể chế nào hoàn hảo cả.

SÁNG LẬP NHỊP CẦU KINH DOANH VIỆT NAM - THỤY SĨ

Năm 2021, nhà báo Thục Minh, tên thật là Nguyễn Thị Thục, sáng lập Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ (SVBG) tại thành phố Lausanne, Thụy Sĩ, giữa lúc đại dịch Covid-19 ngăn trở hoạt động kinh doanh toàn cầu.

Sự ra đời của SVBG được đánh dấu bởi hội thảo trực tuyến Market Focus: Vietnam (Tiêu điểm Thị trường: Việt Nam) do SVBG khởi xướng và tổ chức cùng Phòng thương mại - công nghiệp và dịch vụ bang Geneva (Thụy Sĩ). Có thể nói đây là hội thảo quảng bá thương mại và đầu tư Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên do chính người Việt Nam tổ chức thật sự. Sự kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sĩ và được báo chí trong nước đưa tin sôi nổi.

Từ đó đến nay, SVBG tư vấn, hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp từ 2 nước có nhu cầu tìm hiểu và thâm nhập thị trường của nhau. Hai trang mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn bằng tiếng Anh của SVBG và của nhà báo Thục Minh cũng giới thiệu nhiều thông tin độc đáo, gây chú ý về kinh tế, môi trường kinh doanh Việt Nam.

SVBG cũng tổ chức hội thảo quảng bá đầu tư giúp các tỉnh, thành Việt Nam nhân dịp lãnh đạo tỉnh, thành đến thăm Thụy Sĩ.

T.N

Sự nhìn nhận tích cực về Việt Nam trên nhiều mặt của đa số PV nước ngoài là điều có thật. Riêng Manfred, điều đó là vững chắc. Bởi vậy, khi chính quyền Donald Trump cáo buộc và dọa trừng phạt Việt Nam vì "thao túng tiền tệ" hồi cuối năm 2020, Manfred đã lên tiếng.

Trong bài báo đăng trang Kinh tế của NZZ ngày 6.1.2021, Manfred trích thông cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: "Với việc bình ổn tỷ giá đồng nội tệ, tiền đồng, Việt Nam không mưu tìm lợi thế thương mại mà là để kiểm soát lạm phát và ổn định nền kinh tế vĩ mô". Xuyên suốt bài báo tiếng Đức chiếm gần 3/4 trang khổ lớn, tác giả đưa ra nhiều lập luận kèm số liệu minh họa trên mọi phương diện - từ tăng trưởng kinh tế, quan hệ thương mại, biến động tiền tệ, cho đến sự chuyển động địa chính trị toàn cầu, đồng thời trích dẫn nhận định của học giả quốc tế… để bác bỏ cáo buộc của chính quyền Donald Trump khi đó.

Có lẽ đây là bài báo nước ngoài duy nhất có cách tiếp cận bảo vệ Việt Nam như vậy.

Chung dòng máu Lạc Hồng: Xây dựng hình ảnh Việt Nam trong mắt thế giới - Ảnh 3.

Bài báo của NZZ ngày 6.1.2021 bảo vệ Việt Nam trước cáo buộc thao túng tiền tệ của của chính quyền Donald Trump khi đó

Thục Minh

BỨC TRANH TOÀN DIỆN

Từ tháng 12.2020 cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 10.2021, Manfred đã viết 7 bài báo lớn về Việt Nam mà qua đó công chúng Thụy Sĩ có thể hiểu hơn về một quốc gia Đông Nam Á đang trỗi dậy trên quy mô toàn cầu, từ phương diện kinh tế đến chính trị.

Với Thụy Sĩ, Việt Nam là một đối tác mà các lãnh đạo quốc gia dân chủ trung lập này đã "có viễn kiến chiến lược" khi chủ động thiết lập quan hệ ngoại giao với Hà Nội từ năm 1971. Ngày nay, khi Việt Nam ngày càng có vị thế và trở nên quan trọng, chính quyền Bern (trong khuôn khổ Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein) cần nhanh chóng kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hà Nội, để không bị thua thiệt so với các đối thủ trong Liên minh châu Âu vốn đã có Hiệp định EVFTA với Việt Nam, theo nhận định của NZZ.

Các bài báo trên NZZ cũng miêu tả và lý giải một cách độc đáo cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Việt Nam, hay sự năng động tuyệt vời của phụ nữ Việt Nam trên thương trường, khác với tâm thế "an phận" của phụ nữ ở một số quốc gia láng giềng khác…

Tôi hạnh phúc vì đã góp vào các bài báo này những chất liệu quan trọng, giúp nâng thêm hình ảnh Việt Nam trong mắt người Thụy Sĩ và bạn bè quốc tế.

Sự chân thành bao giờ cũng có sức cảm hóa lớn.

 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.