Chứng giấy tờ giả, công chứng viên có chịu trách nhiệm?

10/11/2019 18:58 GMT+7

Công chứng viên (CCV) chỉ có thể phân biệt được giấy tờ giả nếu việc làm giả sơ sài, còn làm giả tinh vi, sắc xảo thì CCV không thể phân biệt.

Trước vấn nạn làm giả giấy tờ, giả mạo người đi công chứng hợp đồng, giao dịch nhà đất, ngày 8.11 Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức tọa đàm “Giấy tờ giả và trách nhiệm của CCV”, với sự tham gia của ông Huỳnh Văn Hạnh (Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM), các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP.HCM, các chuyên gia trong lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự…

Công chứng viên đối diện nguy cơ bồi thường

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trí Hòa, Phó chủ tịch Hội CCV TP.HCM và ông Hoàng Mạnh Thắng - Trưởng phòng công chứng số 7, đều nêu thực tế có hai loại được làm giả, đó là chủ thể giả và giấy tờ giả. CCV khi đặt bút ký những giao dịch này đều đối diện với nguy cơ phải bồi thường thiệt hại, trong khi đáng ra phải xem xét CCV có lỗi hay không (theo luật và nguyên tắc bồi thường).
“CCV chỉ chịu trách nhiệm 4 nội dung: thời gian, địa điểm, nội dung mục đích của hợp đồng có phù hợp pháp luật, trái đạo đức không và chứng lý. Chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm và hoàn thiện 4 nội dung này. Có những bản án của tòa không nêu ra được chúng tôi có lỗi gì nhưng vẫn bắt bồi thường là vượt quá trách nhiệm của chúng tôi”, ông Nguyễn Trí Hòa ý kiến.
Ông Hoàng Mạnh Thắng bổ sung: “Chúng tôi tự hỏi CCV có khả năng phân biệt giấy tờ giả hay không. Chúng tôi khẳng định có, nhưng trong khả năng, chừng mực nếu việc làm giả được thực hiện sơ sài. Còn làm giả tinh vi, sắc xảo thì chúng tôi không thể. Nhưng vẫn có những vụ án, tòa khẳng định, CCV thực hiện đúng trình tự, thủ tục nhưng vẫn bắt tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường, rất khó hiểu”.
Trưởng Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa và Văn phòng công chứng Q.Phú Nhuận cũng cho rằng trường hợp buộc tổ chức hành nghề công chứng bồi thường thiệt hại thì phải chứng minh được lỗi của CCV.

Không nên tranh cãi vì sao tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường

Tại buổi tọa đàm, ông Đoàn Quốc Việt (Đội trưởng Đội điều tra thẩm định án, Công an TP.HCM), cho hay, trách nhiệm của CCV được quy về luật công chứng; đối với các tổ hành nghề công chứng phải quy về luật Cán bộ công chức, viên chức; về trách nhiệm hình sự, CQĐT phải chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả hoặc hành vi cố ý của CCV dẫn đến đồng phạm của tội lừa đảo.
Ông Việt cho hay hiện TAND Q.10 (TP.HCM) có chuyển một vụ việc qua Công an TP.HCM, đề nghị làm rõ tại sao tòa án có văn bản ngăn chặn việc giao dịch nhưng CCV vẫn chứng thực giao dịch. Quá trình xác minh vụ việc, cho thấy CCV nếu có ý đồ không tốt, gõ thiếu dấu cũng ra thông tin “không có thông tin ngăn chặn”. Vụ việc đang làm rõ trách nhiệm đối với CCV này. 
Về ý kiến muốn buộc tổ chức hành nghề công chứng bồi thường thì tòa nên xác định công chứng  có lỗi và phải nêu rõ CCV đã vi phạm điều luật, quy định nào, bà Châu Kim Anh (Phó chánh tòa Dân sự TAND TP.HCM) cho rằng, nhà nước đã giao cho CCV trách nhiệm chứng nhận tính xác thực, hợp pháp trong giao dịch, cũng như xác thực đúng đối tượng đến giao dịch.

Phó chánh tòa dân sự TAND TP.HCM - bà Châu Kim Anh cho rằng không nên tranh cãi vì sao tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường

PHAN THƯƠNG

“Điều 38 luật Công chứng quy định tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng. Vì vậy, khi có thiệt hại xảy ra, tổ chức hành nghề công chứng có CCV vi phạm phải chịu trách nhiệm. Còn bản án của tòa nhận định không phải lỗi của CCV nhưng vẫn tuyên liên đới bồi thường thì tổ chức hành nghề liên quan có quyền kháng cáo…”, bà Châu Kim Anh nêu và nhận định ngay cả khi thẩm phán làm sai thì cũng phải bồi thường theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, do vậy không nên tranh cãi tại sao phải bắt tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường, bởi thiệt hại xảy ra là có thật.
Tại buổi tọa đàm, ông Đoàn Quốc Việt cũng dẫn chứng 2 vụ cụ thể để nói về trách nhiệm của CCV. Đó là, đối tượng giả danh ông Ngô Quang Thanh sử dụng giấy CMND giả, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân giả, bản photocopy sổ hộ khẩu giả để thực hiện bán một căn nhà tại Q.8 vào năm 2014, trong khi ông Ngô Quang Thanh đã chết năm 2008. Nhưng Phòng công chứng số 7 vẫn chứng thực việc mua bán cho đối tượng giả mạo. Trong thực hiện công chứng, có chi tiết chữ "Quang" trong CMND không có chữ “G”, song hộ khẩu và giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, chữ Quang có chữ “G”. Theo ông Việt, chi tiết này nhìn bằng mắt thường phải thấy, nhưng CCV có sai sót về nghiệp vụ, không kiểm tra kỹ lưỡng các giấy tờ dẫn tới không phát hiện. Trường hợp khác là chị Phạm Thị Hương Lan, chủ sở hữu một căn nhà ở Q.11, đăng thông tin bán nhà rồi có người đến hỏi, tráo giấy chứng nhận thật và bán căn nhà trên cho người khác 600 triệu đồng. Vụ này theo ông Việt, CCV có thể phát hiện ra hành vi giả mạo nếu soi kỹ CMND bởi, dãy số trên giấy CMND giả được in; còn số trên CMND thật được đóng bằng dụng cụ đóng số, nhìn rất nét.
 

Công chứng viên phải tự cứu mình

Nhiều chuyên gia đặt ra vấn đề, các tổ chức hành nghề công chứng muốn giảm thiểu rủi ro, thì trước tiên các CCV phải tự cứu mình trước thông qua việc cẩn thận, tỉ mỉ và làm đúng trách nhiệm mà pháp luật quy định. 

Ông Huỳnh Văn Hạnh yêu cầu các CCV phải làm đúng trách nhiệm

Ảnh: Phan Thương

Ông Huỳnh Văn Hạnh cũng nhận định phòng chống hành vi sử dụng giấy tờ giả thì đầu tiên CCV phải thực hiện đúng thủ tục, trình tự, sau đó tự mình cứu mình bằng cách thận trọng, ôn luyện kỹ năng phát hiện của từng CCV.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.