“Tình cờ” là bởi Rummenigge dĩ nhiên chỉ nói theo lối ngoại giao, khách sáo. Vả lại, đâu ai huỵch toẹt chỉ ra nhược điểm (nếu có) của đối thủ trước khi bóng lăn. Nhưng, quá đúng khi Rummenigge cho rằng PSG không có điểm yếu nào. Bayern Munich cũng vậy.
Hơi bị khôi hài, khi người ta nhìn vào các trận thắng 8-2 và 3-0 của Bayern, rồi bảo đội này... yếu về phòng ngự! Lập luận đại khái là họ đã nhiều lần bị đối phương bắn phá trước khi thắng dứt điểm. Nếu như Barcelona tận dụng hoàn hảo các cơ hội có được từ sớm, câu chuyện sẽ khác. Kỳ thực, bóng đá không bao giờ đơn giản như vậy. Sao không nói: nếu như Barcelona ghi thêm 1 bàn, “Hùm xám” có khi còn... hung dữ hơn, và đã có thể ghi hơn chục bàn!
Khi một đội bóng chơi thiên về công, thì tất nhiên họ phải chấp nhận hàng thủ bị phơi bày điểm yếu và đối phương sẽ tìm cách khai thác, trừ khi đẳng cấp quá chênh lệch. Còn đây là Champions League, ở đâu ra cái yêu cầu phía trên ghi bàn hàng loạt trong khi phía dưới lại hoàn toàn vững chắc trước đối phương!
Nhược điểm “ảo” nơi hàng thủ của Bayern và PSG là như nhau. Họ đều chơi thiên về công ở vòng bán kết, đều ghi 3 bàn, và đối thủ của họ đều có cơ hội. Nhưng, đấy không phải là “nhược điểm phòng thủ” mà thật ra nó chính là cái bẫy mà Bayern và PSG giăng ra trước các đối thủ ngây thơ. Đá với Bayern hoặc PSG mà lại ham hố khai thác “nhược điểm” này của họ, thì chính là tự đi tìm thất bại.
Trong hoàn cảnh khác, trước đối thủ khác, các đội cực mạnh về tấn công như Bayern và PSG sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh phòng ngự. Khi ấy, những ai từng bàn về nhược điểm phòng ngự của hai đội này sẽ có cơ hội để xem họ phòng ngự. Hoàn cảnh ấy, nói đâu cho xa, chính là trận chung kết Champions League.
Bóng đá là vậy. Khi tỷ số 0-0 xuất hiện lần đầu tiên ở đấu trường World Cup, thì nó lại xảy ra giữa hai đội bóng nổi tiếng nhất thế giới về triết lý tấn công: Anh và Brazil. Tỷ số 0-0 hồi ấy (tại World Cup 1958) hy hữu đến mức nó không được đưa vào danh mục cá cược. Cả Anh lẫn Brazil đều ngán ngẩm sức tấn công của nhau, nên đều lấy việc vô hiệu hóa sức tấn công của nhau làm ưu tiên số 1. Và cả thế giới thấy rõ các “biểu tượng tấn công” ấy phòng thủ như thế nào!
Bayern tấn công như bộ máy nhuần nhuyễn (Lewandowski chỉ ghi 2/11 bàn vào lưới Barcelona và Lyon). Do vậy, kể cả khi phòng thủ thì Bayern Munich vẫn phải để lại nhiều người phía trên, mới đủ để phục vụ cách tấn công theo chiến thuật. PSG thì tấn công bằng khả năng tạo khác biệt của từng cá nhân xuất sắc (Neymar, Mbappe, Di Maria). Họ không cần tấn công bằng số đông, nên có điều kiện phòng thủ nhiều hơn Bayern trong trận chung kết.
Bình luận (0)