Nguyễn Hoàng Cường vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2018, năm duy nhất không có HS trường chuyên trong số 4 học sinh tham gia chung kết |
CHỤP MÀN HÌNH |
Sân chơi của học sinh trường chuyên?
Trong suốt 22 năm, số lượng học sinh (HS) trường chuyên, phổ thông năng khiếu chiếm ưu thế so với HS trường không chuyên. Cụ thể, trong số 89 HS vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia, có 54 HS trường chuyên, trường năng khiếu, chỉ có 35 HS trường không chuyên.
Đáng chú ý, có những năm, 4 HS góp mặt trận thi cuối cùng đều là HS đến từ trường chuyên. Như năm 2019, là sự tranh tài của Nguyễn Bá Vinh (Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ), Đoàn Nam Thắng (Trường THPT chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk), Nguyễn Hải Đăng (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hoà), Trần Thế Trung (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An).
Hay năm 2016, chung kết cũng chỉ có HS trường chuyên với 4 HS: Lâm Vũ Tuấn (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định), Hồ Đắc Thanh Chương (Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế Thừa Thiên Huế), Phan Tiến Tùng (Trường THPT chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk), Lê Duy Bách (Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam Hà Nội).
Năm đầu tiên Đường lên đỉnh Olympia được tổ chức là vào năm 2000, chung kết cũng là sự góp mặt của "dân chuyên", đó là 4 HS: Nguyễn Thành Vinh (Trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa), Trần Ngọc Minh (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long), Nguyễn Đắc Dương (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) và Phan Minh Châu (Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam Hà Nội).
Hồ Đắc Thanh Chương là HS có điểm số cao nhất trong một trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia với 340 điểm |
Năm 2018 là năm duy nhất không có HS trường chuyên trong số 4 HS tham gia chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia. 4 HS đó là: Lê Thanh Tân Nhật (Trường THPT Thị xã Quảng Trị), Nguyễn Hữu Quang Nhật (Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng), Chu Quang Trường (Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM) và Nguyễn Hoàng Cường (HS Trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh).
Một thống kê thú vị khác, có những trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia, 1 HS trường không chuyên thi đấu với 3 HS trường chuyên nhưng đã chiến thắng chung cuộc. Cụ thể, vào năm 2008, Huỳnh Anh Vũ (Trường THPT Tăng Bạt Hổ, Bình Định Bình Định) đã giành chiến thắng trước 3 HS trường chuyên là: Lê Trung Hiếu (Trường THPT Năng khiếu Trần Phú, Hải Phòng), Nguyễn Mạnh Tấn (Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế) và Nguyễn Lê Duy (Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội).
Nguyễn Thị Thu Hằng là 1 trong 4 HS nữ vô địch Đường lên đỉnh Olympia |
Hay năm 2012, Đặng Thái Hoàng (Trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) đã giành vòng nguyệt quế khi vượt qua: Nguyễn Ngọc Khánh (Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Kon Tum), Thân Ngọc Tĩnh (Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM) và Trần Lê Phương (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam).
Mới đây nhất, vào năm ngoái, Nguyễn Hoàng Khánh (Trường THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh) đã lên ngôi vô địch chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2021 khi xuất sắc chiến thắng trước 3 HS trường chuyên gồm: Nguyễn Thiện Hải An (Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Việt Thái (Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Nguyễn Đình Duy Anh (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An).
Nguyễn Hoàng Khánh vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2021 khi xuất sắc chiến thắng trước 3 HS trường chuyên |
Và sáng nay 2.10, trận chung kết "1 thường 3 chuyên" lại xuất hiện. HS duy nhất không học trường chuyên là Đặng Lê Nguyên Vũ (Trường THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình) "đối đầu" với 3 HS trường chuyên gồm: Vũ Bùi Đình Tùng (Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng), Vũ Nguyên Sơn (Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội) và Bùi Anh Đức (Trường THPT Chuyên Sơn La). Và một lần nữa, HS trường không chuyên đã giành chiến thắng các HS trường chuyên.
Đặng Lê Nguyên Vũ, HS trường không chuyên vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm 2022 khi vượt qua 3 HS trường chuyên |
Và với chiến thắng của Đặng Lê Nguyên Vũ ở Đường lên đỉnh Olympia 2022, đã đưa cán cân giữa HS trường chuyên và HS trường không chuyên giành vòng nguyệt quế chung kết năm trở nên ngang bằng nhau với tỉ số 11 - 11.
Học sinh tỉnh nào vào chung kết nhiều nhất?
Trong 22 năm, có 3 trường có 2 HS vô địch Đường lên đỉnh Olympia là các trường: THPT chuyên Quốc Học Huế, Thừa Thiên Huế (Hồ Ngọc Hân, năm 2009 và Hồ Đắc Thanh Chương, năm 2016); THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long (Trần Ngọc Minh, năm 2000 và Lương Phương Thảo, năm 2002); THPT Hòn Gai, Quảng Ninh (Đặng Thái Hoàng, năm 2012 và Nguyễn Hoàng Cường, năm 2018).
Hà Nội là địa phương có số lượng HS góp mặt chung kết Đường lên đỉnh Olympia nhiều nhất với 14 HS. Trong đó, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có 5 HS; Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (2 HS); Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (2 HS); Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (2 HS); Trường THPT Nhân Chính (1 HS); Trường THPT Sóc Sơn (1 HS); Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội (1 HS).
Tiếp đến là TP.HCM có 9 HS góp mặt tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia. Trong đó, Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM có 5 HS; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (2 HS), Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (1 HS), Trường THPT Gò Vấp (1HS). Tuy nhiên chỉ có 1 HS vô địch là Đỗ Lâm Hoàng, HS Trường THPT Gò Vấp vào năm 2004.
Đáng chú ý, Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM có đến 5 HS vào chung kết Olympia nhưng không có HS nào giành ngôi vô địch, mà chỉ có 3 á quân (2012, 2013, 2014) và 2 hạng 3 (2009, 2015).
Thanh Hóa cũng có 7 HS vào trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia nhưng đều không có nhà vô địch.
Một điều thú vị, là Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long sở hữu thành tích "vô tiền khoáng hậu" khi là trường duy nhất có đến 3 HS vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia trong 3 năm liên tiếp với thành tích: 2 vô địch (Trần Ngọc Minh, năm 2000 và Lương Phương Thảo, năm 2002) và 1 á quân (Đỗ Thị Hồng Nhung, năm 2001).
Ai đạt điểm cao nhất chung kết Đường lên đỉnh Olympia?
Sau 22 năm, người đạt điểm cao nhất trong trận chung kết chính là Hồ Đắc Thanh Chương (Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế) với số điểm 340. Vào năm 2016, Hồ Đắc Thanh Chương đã giành vòng nguyệt quế khi vượt qua các thí sinh: Lâm Vũ Tuấn (Nam Định), Phan Tiến Tùng (Đắk Lắk), Lê Duy Bách (Hà Nội). Tính đến nay, 340 điểm mà Hồ Đắc Thanh Chương đạt được vẫn là điểm số cao nhất tại một trận chung kết năm.
Trong top những nhà vô địch đạt điểm số cao, từ 300 điểm trở lên còn có: Trần Ngọc Minh, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long (325 điểm, năm 2000), Huỳnh Anh Vũ, Trường THPT Tăng Bạt Hổ, Bình Định (325, năm 2008), Phan Đăng Nhật Minh, Trường THPT Hải Lăng, Quảng Trị (300, năm 2017), Nguyễn Hoàng Khánh, Trường THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh Quảng Ninh (315, năm 2021).
Ngược lại, nhà vô địch đạt điểm số thấp nhất là Võ Văn Dũng (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) khi về nhất với số điểm 120 tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2003.
Học sinh nam chiếm ưu thế
Sau 22 lần chung kết Đường lên đỉnh Olympia, có đến 12 năm mà 4 HS tham gia chung kết đều là HS nam.
Và trong 22 năm, đã có đến 18 nhà vô địch là nam. Chỉ có 4 HS nữ giành giải thưởng cao nhất của chương trình này. 4 nhà vô địch nữ gồm: Trần Ngọc Minh, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long (năm 2000), Lương Phương Thảo, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long (năm 2002), Phạm Thị Ngọc Oanh, Trường THPT Tiên Lãng, Hải Phòng Hải Phòng (năm 2011) và Nguyễn Thị Thu Hằng, Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình (năm 2020).
Một chi tiết khá thú vị là trong 89 HS tham gia chung kết Đường lên đỉnh olympia trong suốt 22 năm, chỉ có 11 HS nữ góp mặt. Chung kết duy nhất có 2 thí sinh tham gia là năm 2009, gồm Nguyễn Thị Thu Trang, Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng và Đào Thị Hương, Trường THPT Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Đây cũng là năm duy nhất mà trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia có đến 5 thí sinh vì một sai sót của ban tổ chức tại cuộc thi quý.
Bình luận (0)