Chứng khoán châu Á lao dốc

11/11/2011 08:11 GMT+7

(TNO) Kết thúc phiên giao dịch 10.11 (vào rạng sáng nay, 11.11, giờ VN), thị trường chứng khoán thế giới đã ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng 7 tuần qua đối với khu vực châu Á. Tại châu u và Mỹ, các chỉ số chứng khoán tăng giảm đan xen nhau.

(TNO) Kết thúc phiên giao dịch 10.11 (vào rạng sáng nay, 11.11, giờ VN), thị trường chứng khoán thế giới đã ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng 7 tuần qua đối với khu vực châu Á.

Nguyên nhân là thông tin khủng hoảng nợ công đã bắt đầu tấn công nước Ý, tác động không tốt tới tâm lý giới đầu tư. Cùng với đó, đơn đặt hàng máy móc của Nhật Bản giảm, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc cũng chậm lại.

Tại châu u và Mỹ, các chỉ số chứng khoán tăng giảm đan xen nhau.

Ghi nhận tại thời điểm chốt phiên ngày 10.11 (vào chiều cùng ngày, giờ VN), chỉ số MSCI Asia Pacific đã giảm mạnh 3,4%, xuống còn 115,95 điểm. Đây được ghi nhận là phiên giảm điểm mạnh nhất của chỉ số này kể từ hôm 22.9. Trong phiên này, chỉ có 50 trong số 1.015 mã cổ phiếu niêm yết thuộc chỉ số này tăng giá.

 
Chứng khoán châu Á đỏ sàn - Ảnh: Bloomberg

Cổ phiếu nhóm ngành tài chính - ngân hàng của khu vực đặc biệt giảm mạnh trong phiên này. Có thể kể như: cổ phiếu của ngân hàng HSBC Holding tại Hồng Kông đã giảm mạnh tới 9,1% tổng giá trị, sau khi có báo cáo lợi nhuận trước thuế trong quý 3.2011 giảm tới 53% do tác động của nợ công. Đây là phiên giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 3.2009. Cổ phiếu ngân hàng công thương Trung Quốc (ICBC) giảm 8,7%.

Tổng kết trên các thị trường thành viên trong khu vực: chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản để mất tới 254,64 điểm trong phiên này, tương đương giảm tới 2,91% so với phiên trước đó, xuống chốt phiên ở mức 8.500,8 điểm; HSI của Hồng Kông giảm mức kỷ lục, để mất tới 1.050,54 điểm, tương đương giảm 5,25% so với phiên trước, xuống còn 18.963,9 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt giảm 1,8% và 1,89%; KOSPI của Hàn Quốc giảm mạnh 5,33%; S&P/ASX 200 của Úc giảm mạnh 2,35%.

Tính từ đầu năm đến nay, MSCI Asia Pacific đã giảm 13%, trong khi đó STXE 600 của châu u giảm 14%; S&P 500 giảm 2,3%.

* Tại châu u, chứng khoán tăng nhẹ hồi đầu phiên nhưng càng về sau càng có dấu hiệu đỏ sàn. Đặc biệt, thông tin chi phí cho vay tại Pháp tăng càng khiến giới đầu tư thêm lo lắng về khả năng nợ công châu u lan rộng.

Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực giảm nhẹ 0,4% trong phiên này. Trên các thị trường thành viên: chỉ số FTSE 100 của Anh giảm nhẹ 0,28%, chốt phiên ở mức 5.444,82 điểm; CAC 40 của Pháp giảm 0,34%, xuống còn 3.064,84 điểm; DAX của Đức duy trì mức tăng nhẹ 0,66%, lên chốt phiên ở mức 5.867,81 điểm.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 0,36%, trong khi FTSE MIB của Ý lại tăng 0,97%. PSI General của Bồ Đào Nha giảm 0,37%, trong khi ISEQ của Ireland tăng nhẹ 0,01%.

Cổ phiếu ngân hàng cũng giảm khá mạnh trong phiên này, cụ thể: cổ phiếu của Credit Agricole (Pháp) giảm 2,3%.

* Tại Phố Wall (Mỹ), thị trường lao động đem lại tin tức tốt lành đã góp phần giúp thị trường chứng khoán hồi phục nhẹ.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho hay số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước (tính tới 5.11) đã giảm 10.000 trường hợp, xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua với 390.000 hồ sơ.

Tổng kết phiên 10.11 (kết thúc vào rạng sáng nay, 11.11, giờ VN), chỉ số thị trường S&P 500 tăng nhẹ 0,9%, lên thành 1.239,7 điểm. Trong phiên 9.11, chỉ số này đã bất ngờ để mất 3,7% tổng số điểm và ghi nhận duy nhất 1 mã cổ phiếu tăng giá trong tổng số 500 mã niêm yết.

Chỉ số Dow Jones Industrial giành lại 112,92 điểm, tương đương tăng 1%, lên thành 11.893,86 điểm. Nasdaq Composite tăng 0,13%, lên thành 2.625,15 điểm.

Trong phiên này, các nhóm cổ phiếu năng lượng, công nghệ và ngân hàng - tài chính đều tăng nhẹ, trong đó dẫn đầu là cổ phiếu công nghệ với mức tăng nhóm 1,8%.

* Trên thị trường dầu thô, giá dầu WTI giao kỳ hạn tháng 12 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) được ghi nhận chốt phiên 10.11 ở mức 97,78 USD/thùng, tăng 2,04 USD/thùng, tương đương tăng 2,1% so với phiên trước đó. Đây là mức chốt phiên cao nhất kể từ phiên 26.7 tới nay.

Theo nhận định của các chuyên gia, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ về thị trường lao động kể trên đã giúp giới đầu tư lạc quan hơn về sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ, đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ sẽ tăng lên, đây được coi là nguyên nhân chính khiến giá dầu thô tăng đáng kể trong phiên này.

Giá dầu thô Brent giao tháng 12 tại London (Anh) chốt phiên 10.11 ở mức 113,71 USD/thùng, tăng 1,4 USD/thùng, tương đương tăng 1,2% so với phiên trước đó. Hiện chênh lệch giá giữa dầu thô Brent và dầu thô WTI giao cùng kỳ hạn ở mức 15,93 USD/thùng, mức lệch giá nhỏ nhất kể từ hồi tháng 6 tới nay.

Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.