Chứng khoán châu Á trồi sụt trong ngày 26.8

26/08/2015 13:06 GMT+7

(TNO) Thị trường chứng khoán châu Á đã có sự đảo chiều bất ngờ vào sáng nay 26.8 (giờ châu Á) sau đợt bán tháo vào cuối ngày ở Mỹ tưởng chừng có thể làm phá vỡ sự ổn định của thị trường toàn cầu.

(TNO) Thị trường chứng khoán châu Á đã có sự đảo chiều bất ngờ vào sáng nay 26.8 (giờ châu Á) sau đợt bán tháo vào cuối ngày ở Mỹ tưởng chừng có thể làm phá vỡ sự ổn định của thị trường toàn cầu.

Nhà đầu tư Trung Quốc theo dõi bảng điện tử cập nhật giá cổ phiếu giao dịch trong ngày 26.8 tại một công ty môi giới chứng khoán ở Thượng Hải - Ảnh: Reuters

Chứng khoán châu Á tăng nhẹ đầu phiên

Một số cổ phiếu đã bật tăng trở lại sau tin cuối ngày hôm qua về việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nới lỏng các chính sách để ngăn chặn suy thoái kinh tế đất nước và đợt tháo chạy tồi tệ nhất lịch sử thị trường chứng khoán nước này trong nhiều thập niên qua.

Chỉ số Shanghai Composite Index mở cửa tăng 0,5% lên 2.980,79 điểm trong khi Shenzhen Composite Index giảm nhẹ 0,2% xuống 1.746,08 điểm.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 0,2%, còn bên kia bờ biển, Nikkei Stock Average của Nhật tăng 0,5% mang lại nhiều hi vọng.

Ở Úc, S&P/ASX 200 làm nhạt bớt sự tốt đẹp của phiên giao dịch sáng nay khi giảm 1,2%.

Các dấu hiệu tổn thất nặng nề từ việc nhà đầu tư tháo chạy khỏi Trung Quốc khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất từ ​​gần bằng không cho lần đầu tiên trong khoảng một thập niên.

"Bức tranh vĩ mô chưa cho thấy một cuộc khủng hoảng nhưng nó vẫn là đòn mạnh giáng vào thị trường", chuyên gia kinh tế Evan Lucas của Quỹ IG cho biết.

Cuối ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất và cứu nguy cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng bằng việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Thông báo này được đưa ra sau khi chỉ số Shanghai Composite giảm 7,6% ngày 25.8, tiếp nối phiên giảm 8,5% của ''Ngày thứ hai đen tối''. Hơn 1.000 tỉ USD đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ qua 4 ngày giao dịch gần nhất, trong đó sàn Thượng Hải mất gần 22%.

Nỗi lo vẫn còn, Âu - Mỹ đối lập

Trước đó hai tuần, động thái bất ngờ của Trung Quốc khi phá giá đồng tiền của mình làm tăng sự lo lắng rằng suy thoái của nó còn tồi tệ hơn so với các dữ liệu thể hiện. “Bóng tối” cũng bao trùm đến những nền kinh tế mới nổi phát triển dựa vào Trung Quốc.

Đồng ringgit của Malaysia vẫn ở vùng thấp kỷ lục 17 năm sau 5 phiên giảm liên tiếp. Hiện 4,2950 ringgit đổi được một USD là tỷ giá vào sáng nay. Trước đó, chiều 25.8 đồng tiền này đã giảm 1,4% xuống chỉ còn 4,2720 ringgit đổi một USD.

Đô la Úc và won Hàn Quốc đã ổn định hơn, gần như giữ giá của phiên trước sau khi chạm mức thấp trong nhiều năm gần đây.

Tại Mỹ, mức độ tăng bán sau các hành động của Bắc Kinh để vực dậy nền kinh tế vẫn chưa dịu xuống khi các nhà đầu tư còn chấn động bởi làn sóng bán tháo tại Trung Quốc kéo dài một tuần qua.

Chỉ số công nghiệp Dow jones đóng cửa giảm 204,91 điểm, tương đương 1,3%, xuống mức 15.666,44 điểm. Chỉ số này đã mất đến 11% giá trị sau 6 ngày liên tiếp “điêu đứng”.

Trái ngược với Mỹ, châu Âu đã tìm thấy sự cân bằng và ngăn chặn sức ảnh hưởng lây lan của Trung Quốc. Chứng khoán châu Âu đã tăng trở lại với chỉ số DAX của Đức leo lên 5%, CAC-40 của Pháp tăng 4,1% và FTSE 100 của Anh tăng 3,1%.

Hàng hóa như dầu thô và đồng cũng phục hồi dù mức tăng còn khiêm tốn. Dầu Brent tăng 0,3% lên 43,32 USD/thùng.

Trái phiếu chính phủ Mỹ giảm cho thấy đây không còn là nơi an toàn, nhà đầu tư đang hướng về các kim loại màu để bảo vệ tài sản của mình. Vàng tăng 0,5% lên 1.144,50 USD/ounce là một minh chứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.