Chứng khoán "đổ" sàn

25/11/2009 23:12 GMT+7

Giảm mạnh phiên thứ 4 liên tiếp, cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index hôm qua đã lần lượt phá vỡ hết tất cả những ngưỡng kháng cự trong thời gian gần nhất. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã mạnh tay bán cổ phiếu (CP) để cắt lỗ càng khiến cho giá CP đồng loạt giảm sàn.

Người bán lo, người mua sợ

Đó là tâm lý của các NĐT trên thị trường hôm qua. "Cầm cự" 2 phiên trước với hy vọng thị trường tăng điểm trở lại. Nhưng đến phiên hôm qua, ông Trung, một NĐT có tài khoản tại Công ty chứng khoán Đà Nẵng đã không thể chiến thắng được nỗi lo thị trường tiếp tục giảm sâu và "bấm bụng" bán ra 1/3 lượng CP mình đang có. "Bán thì lo trúng đáy của đợt giảm nhưng để đó thì sợ thị trường lại tiếp tục giảm sâu hơn", ông Trung nói.

Người bán cũng lo mà người mua cũng sợ. Bàâ Thanh Hiền, một NĐT có tài khoản tại Công ty SJC cho biết, khi thấy nhiều CP giảm sàn bà cũng mua vào 3.000 PVT. Tuy nhiên mua xong rồi thì lo vì không biết có bị "hớ" hay không vì nhiều NĐT và cả giới phân tích đều cho rằng, thị trường sẽ còn tiếp tục có các phiên điều chỉnh mạnh.

Có thể nói, trong tình hình hiện tại, không một NĐT nào dám chắc là hành động mua hay bán của mình đều có đúng hay không. Đó là lý do thị trường hôm qua có một phiên giao dịch mà giới đầu tư gọi là "đổ sàn". Nếu như mở cửa VN-Index chỉ giảm 7,39 điểm thì càng về cuối phiên, mức giảm càng mạnh. Đóng cửa thị trường, VN-Index giảm 23,72 điểm (tương ứng giảm 4,49%), còn 503,41 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm 10,33 điểm (tương ứng giảm 5,9%) và còn 164,87 điểm. Tại sàn TP.HCM, có đến 169 mã chứng khoán (CK) bị giảm sàn trong tổng số 179 mã CK bị giảm giá.

Điểm lạc quan nhất là tín hiệu "bắt đáy" từ một số NĐT khiến thanh khoản trong phiên tăng mạnh so với phiên trước đó. Cụ thể, tăng 45% về khối lượng giao dịch trên sàn TP.HCM và tăng 19,25% về khối lượng trên sàn Hà Nội.

Cộng hưởng nhiều yếu tố

Mặc dù có 3 phiên giảm mạnh liên tục trước đó nhưng nhiều NĐT vẫn cho rằng, ngưỡng hỗ trợ 512 điểm của VN-Index khá vững chắc nên sẽ khó xuyên thủng. Tuy nhiên, sự giảm mạnh và ồ ạt của hàng loạt CP trong phiên hôm qua đã khiến niềm hy vọng đó tan vỡ.

Dường như mọi phân tích và nhận định hiện nay đều trở nên thiếu chính xác khi thị trường liên tục đi xuống trong tâm lý  bất an của NĐT. Nguyên nhân là do chứng khoán đang bị nhiều yếu tố tác động dồn dập. Đó là thông tin chính thức từ Ngân hàng Nhà nước xiết chặt việc cho vay đối với đầu tư chứng khoán; tỉ giá các đồng ngoại tệ, đặc biệt đồng USD tăng mạnh cùng với giá vàng tăng phi mã khiến nhiều NĐT e ngại về nỗi lo nguồn vốn chảy vào thị trường chứng khoán càng hạn chế.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có công văn yêu cầu các công ty chứng khoán phải chấm dứt việc cho phép khách hàng bán trước ngày T+4 hoặc cho khách hàng vay CK để bán. Chưa hết, việc NHNN tăng lãi suất cơ bản lên 8% áp dụng từ tháng 12 dự báo cũng sẽ tác động không tích cực cho thị trường chứng khoán. 

Theo ông Trung, công văn của UBCKNN cho thấy tin đồn về việc sẽ xử lý các tài khoản mua bán khống CK trước đó là thật. Điều đó khiến cho một số NĐT cá nhân cảm thấy bị đối xử không công bằng nên niềm tin càng giảm xuống. Một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, nhiều NĐT chưa nhìn thấy cơ hội ở thị trường chứng khoán nên họ không muốn nắm giữ CP lâu hơn. Thị trường rơi vào tình trạng, càng nhiều người bán ra thì giá càng giảm. Vì vậy cũng sẽ khó xác định được đâu là mức đáy của thị trường trong đợt này.

Theo ông Trương Duy Khiêm, Giám đốc chi nhánh Lê Ngô Cát - Công ty chứng khoán ACB, quan trọng nhất mỗi NĐT phải xác định chiến lược giao dịch cho mình. Đối với người chỉ muốn đầu tư trong 1 tháng thì sẽ có quyết định mua bán khác với NĐT xác định với thời hạn nắm giữ trong 6 tháng hay 1 năm. Do vậy NĐT phải tự mình tìm ra phương pháp đầu tư sao cho hạn chế được rủi ro ở mức thấp nhất trong tình hình hiện tại.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.