Chứng khoán hậu Brexit

01/08/2016 06:00 GMT+7

Theo thống kê của Tổ chức tài chính Standard & Poor’s, hơn 2.000 tỉ USD đã bị bốc hơi khỏi các thị trường chứng khoán toàn cầu trong ngày 24.6 khi đa số người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi EU (Brexit).

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán VN hậu Brexit lại đi ngược với diễn biến này.
Thị trường VN tăng mạnh
Standard & Poor’s nhận định, việc mất hơn 2.000 tỉ USD là mức tổn thất nhiều nhất trong một phiên giao dịch từ trước đến nay. Mức thất thoát này cao hơn cả vụ phá sản của Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán (TTCK) vào “Ngày thứ hai đen tối” năm 1987. Trong ngày 24.6 đen tối đó, TTCK VN cũng bị mất đi gần 26.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đã có hơn 6.000 tỉ đồng đổ vào phiên giao dịch này khiến mức giảm ở cuối phiên không cao như khi thị trường mở cửa, cho thấy nhiều nhà đầu tư xem đây là cơ hội để giải ngân. Hơn nữa, ngay các phiên giao dịch sau đó thị trường đã quay đầu hồi phục đi lên, giúp tâm lý các nhà đầu tư ổn định trở lại. Các nhà đầu tư bắt đáy trong ngày khủng hoảng trước đó đã thắng lớn.
Tiếp tục trong suốt tháng 7 vừa qua, TTCK VN đã tăng trưởng mạnh, giúp VN-Index liên tiếp phá vỡ những mốc cao và lập lại đỉnh sau hơn 8 năm. Dòng tiền đầu tư cũng quay trở lại thị trường giúp thanh khoản luôn duy trì ở mức cao, từ 3.000 - 4.000 tỉ đồng/phiên. Cùng đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có tháng mua ròng kỷ lục nhất từ đầu năm nay với khối lượng 61,67 triệu chứng khoán, gấp hơn 6,8 lần tháng 6 và tổng giá trị mua ròng đạt hơn 1.158 tỉ đồng, gần gấp 4 lần so với tháng 6. Một số tổ chức tài chính nước ngoài cũng đánh giá TTCK VN nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung vẫn đang là tâm điểm chú ý của dòng vốn ngoại trong một năm tới vì triển vọng kinh tế được đánh giá có cải thiện mạnh hơn. Còn theo bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Brexit chỉ là hiện tượng tạm thời trong khi TTCK VN vẫn hoạt động ổn định và “trong nguy có cơ”. Quy mô thị trường VN vẫn còn nhỏ nên biên độ tăng trưởng sẽ còn rất lớn. Các chính sách tái cấu trúc nền kinh tế và đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo thêm nguồn hàng lớn cho thị trường…
Cổ phiếu ngành nào “sức khỏe” tốt ?
Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Maybank - Kim Eng nhận định trong nhóm “ASEAN - 5” (Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia và VN), TTCK các nước đang duy trì mức dự phóng PE (giá/thu nhập cổ phiếu) cho cả năm 2016 quanh ngưỡng 20 lần trong khi VN chỉ ở mức 13 lần. “Với mức định giá PE thấp đi kèm tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao trong khu vực, không có gì quá đáng khi cho rằng VN sẽ tiếp tục là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thời gian tới và đây sẽ là lực đẩy quan trọng giúp thị trường tiến lên các mức điểm cao hơn”, báo cáo viết.
Theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, TTCK có thể có nhiều cơ hội cho đến cuối năm nhưng sẽ bị tác động bởi các yếu tố trong nước nhiều hơn. Cụ thể như tăng trưởng GDP, tăng trưởng tín dụng, các định hướng về chính sách của Chính phủ cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp... Riêng phần còn lại của năm 2016 vẫn có nhiều thách thức cho các doanh nghiệp. Đồng thời những hậu quả thời Brexit vẫn chưa lường hết được. Vì vậy, để hạn chế rủi ro trong đầu tư chứng khoán, các nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành có sức khỏe tài chính lành mạnh và chiến lược kinh doanh khả thi; hoặc một số ngành được hưởng lợi từ các chính sách mới như ngành thép được áp thuế tự vệ… “Ngay việc nhiều hiệp định thương mại giữa VN với các nước được thực hiện, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu khiến các doanh nghiệp như xuất nhập khẩu, vận hành cảng biển, xây dựng... cũng sẽ có cơ hội tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận”, chuyên gia này nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.