Chiều 30.12, thị trường chứng khoán đóng cửa phiên giao dịch năm 2022 trong sắc đỏ. VN-Index giảm 2,2 điểm xuống 1.007,09 điểm và HNX-Index giảm 1,23 điểm, còn 205,31 điểm.
Tổng cộng sau một năm, VN-Index đã rớt mất 491,19 điểm, tương đương bốc hơi 32,7% trong khi cả năm 2021 tăng gần 36%. Còn trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm mạnh hơn khi mất đến 268,68 điểm, tương ứng giảm 56,7% so với cuối năm trước.
Nhà đầu tư chứng khoán có một năm buồn khi nhiều cổ phiếu giảm giá |
Ngọc Thắng |
Ngoài việc các chỉ số giảm sâu cho thấy hàng loạt cổ phiếu đã lao dốc, thanh khoản thị trường cũng èo uột khi nhà đầu tư hầu như đứng ngoài. Giá trị giao dịch trong phiên cuối năm này chỉ đạt hơn 8.000 tỉ đồng, thua xa thanh khoản của các phiên giao dịch trong năm. Còn nếu so với giá trị giao dịch phiên cuối cùng của năm 2021 với trị giá hơn 31.000 tỉ đồng thì thanh khoản hiện nay chỉ bằng 25%.
Nhà đầu tư chứng khoán đã có một năm buồn khi nhiều cổ phiếu lao dốc. Thậm chí rất nhiều mã đã giảm 50 - 60% và vẫn chưa hồi phục trở lại. Tuy nhiên, theo nhận định chung của các công ty chứng khoán, có vẻ thị trường đã đi qua giai đoạn xấu nhất. Nhưng cũng chưa có nhiều dấu hiệu lạc quan khi kinh tế thế giới vẫn được dự báo còn nhiều khó khăn.
Chẳng hạn, Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ có xu hướng dao động đi ngang trong biên độ lớn. Theo đó, VN-Index trong năm 2023 sẽ dao động trong vùng điểm số khoảng 900 - 1.200 điểm. Còn Công ty chứng khoán VnDirect dự báo, lợi nhuận ròng thị trường sẽ chậm lại đáng kể trong quý 4/2022 và chỉ tăng 17% trong năm 2022. Sang năm 2023, lợi nhuận ròng toàn thị trường dự kiến sẽ tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm, sau đó cải thiện hơn trong nửa cuối năm 2023, đưa mức tăng trưởng cả năm lên 14%. VnDirect cũng kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.300 - 1.350 điểm trong nửa cuối 2023...
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến 23.12.2022, giá trị vốn hóa 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ước đạt 5,278 triệu tỉ đồng, giảm 32% so với cuối năm 2021, tương đương 62,2% GDP.
Số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới tăng gấp đôi mặc dù thị trường giảm mạnh. Tính chung 11 tháng của năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hơn 2,48 triệu tài khoản, gấp khoảng 2,58 lần so với cuối năm trước. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đã gần 6,8 triệu tài khoản, tăng 57,7% so với cuối năm 2021 (trong đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt 6,755 triệu tài khoản, tăng 58,18% so với cuối năm 2021 và số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài đạt 42.458 tài khoản, tăng 7,46% so với cuối năm 2021).
Bình luận (0)