Sáng 19.10, chỉ số VN-Index liên tục lao dốc và có lúc giảm gần 17 điểm, tương đương giảm hơn 1,7%. Chỉ số HNX-Index cũng mất đi hơn 1,3%.
Đến khoảng 10 giờ 30, mức giảm được kéo lùi và VN-Index còn mất đi 14 điểm xuống hơn 949 điểm. Trong rổ VN30 duy nhất hiện đang có DPM lội ngược dòng khi tăng được 100 đồng lên 18.100 đồng/cổ phiếu. Lượng cổ phiếu bị giảm giá chiếm áp đảo trên cả hai sàn. Trong đó nhóm cổ phiếu dầu khí chịu áp lực bán mạnh do giá dầu thế giới đi xuống. GAS đang giảm 3,7% xuống 110.300 đồng/cổ phiếu, PVD giảm 4,5% xuống 18.150 đồng/cổ phiếu, PLX giảm 2,9% xuống 61.200 đồng/cổ phiếu, PVS cũng giảm 2,4% xuống 20.100 đồng/cổ phiếu,...
Tương tự, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng như ACB, BID, CTG, HDB, MBB, SHB, STB, TCB, VCB, TPB hay VPB cũng đồng loạt đi xuống nhưng mức giảm chưa quá 2%. Những cổ phiếu blue-chips còn lại như VNM, SAB, VJC, VIC, MSN,... cũng không thể lội ngược dòng thị trường khiến VN-Index chưa có cơ hội hồi phục.
Thị trường suy giảm khiến các nhà đầu tư chùn tay nên giao dịch diễn ra khá chậm, thanh khoản ở mức thấp. Tổng giá trị giao dịch trên hai sàn hiện khoảng 1.600 tỉ đồng.
Các công ty chứng khoán cho rằng sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam phiên này do ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18.10 (rạng sáng 19.10 giờ Việt Nam), ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm hơn 1%. Cụ thể Dow Jones giảm 327,23 điểm, tương đương 1,3%, xuống 25.379,45 điểm. S&P 500 giảm 40,43 điểm, tương đương 1,4%, xuống 2.768,78 điểm. Nasdaq giảm 157,56 điểm, tương đương 2,1%, xuống 7.485,14 điểm.
Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại, các chỉ số chứng khoán Châu Á cũng có diễn biến tiêu cực. Nikkei 225 đang giảm gần 250 điểm (khoảng 1,09%); Chỉ số Hang Seng cũng đang giảm gần 100 điểm (khoảng 0,4%)...
Bình luận (0)