Chứng khoán lao dốc, 2 tỉ phú USD rớt hạng

12/11/2022 06:56 GMT+7

Chỉ số VN-Index kết thúc tuần trong sắc xanh nhưng vẫn ghi nhận một tuần sụt giảm mạnh và thuộc top đầu mức giảm trên thị trường thế giới .

Hôm qua 11.11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra thông báo giải thích về tình hình thị trường.

Thị trường giảm suốt tuần

Hôm qua, chỉ số VN-Index đóng cửa giao dịch tăng 7,29 điểm, tương ứng tăng 0,77%, lên 954,53 điểm. Ngược lại, chỉ số HNX-Index vẫn tiếp tục sụt giảm 1,34%, xuống 189,81 điểm. Mặc dù khép phiên cuối tuần trong sắc xanh nhưng thị trường vẫn ghi nhận một tuần sụt giảm. So với cuối tuần trước, VN-Index đã giảm 4,3%. Còn nếu so với 6 phiên giao dịch trước đó, khi VN-Index vẫn trên ngưỡng 1.000 điểm, thì chỉ số này đã mất 6,5%. Như vậy tổng cộng từ đầu năm đến nay VN-Index đã “bốc hơi” hơn 36%, mất sạch toàn bộ mức tăng của cả năm 2021.

Chứng khoán liên tục sụt giảm khiến nhà đầu tư bi quan

Ngọc Thắng

Đáng chú ý, chỉ riêng trong tuần này VN-Index đã có nhiều phiên ghi nhận mức giảm mạnh thuộc hàng đầu thế giới. Không chỉ có những doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn mà cả các công ty có lãi cao cũng bị nhà đầu tư bán tháo. Chẳng hạn, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai báo cáo lũy kế 10 tháng 2022 ghi nhận doanh thu 3.650 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chính thức vượt mức 1.000 tỉ đồng, đạt gần 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Thế nhưng đến cuối phiên, cổ phiếu HAG của công ty này vẫn bị giảm hết biên độ, xuống còn 6.840 đồng và ghi nhận 2 phiên giảm sàn liên tiếp.

Tổng cộng mã HAG giảm hơn 50% kể từ đầu năm. Tương tự, Công ty CP Đầu tư và phát triển Đa quốc gia I.D.I báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2022 với doanh thu đạt gần 6.222 tỉ đồng, tăng hơn 44,3% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế nhảy vọt lên 534 tỉ đồng, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy mã IDI của công ty này cũng bị bán sàn 2 phiên liên tiếp, xuống còn 8.780 đồng và giảm tổng cộng gần 50% so với đầu năm… Với 5 phiên giảm sàn liên tục, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt hay Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIG), Novaland buộc phải công bố thông tin theo quy định thì đều cho rằng hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, hiệu quả kinh doanh 9 tháng năm 2022 vẫn đang tăng trưởng tốt, hoàn toàn không có biến động gì xấu làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Giá cổ phiếu giảm do cung - cầu của thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư nên nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty…

Tài sản bay gần 2 tỉ USD, ông Bùi Thành Nhơn rớt khỏi danh sách tỉ phú

Cổ phiếu giảm sâu khiến tài sản của các ông chủ DN cũng lao dốc. Với 7 phiên giảm sàn liên tục của cổ phiếu NVL, tỉ phú USD của VN là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn No Va (Novaland), hôm qua đã rớt khỏi danh sách tỉ phú USD do Tạp chí Forbes bình chọn. Tính đến ngày 11.11, tài sản của ông Bùi Thành Nhơn chỉ còn 978,2 triệu USD. Tài sản của vị doanh nhân này đã bốc hơi gần 2 tỉ USD so với đầu tháng 4 - là lần đầu tiên ông được Forbes đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới. Một ngày trước đó, tài sản của tỉ phú Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, cũng sụt giảm mạnh xuống còn 938,1 triệu USD. Mặc dù phiên 11.11 cổ phiếu HPG hồi phục sau chuỗi ngày lao dốc nhưng tài sản của tỉ phú Trần Đình Long cũng chưa thể quay lại mức 1 tỉ USD.

Không chỉ 2 tỉ phú USD đã bị tụt hạng, tài sản của những tỉ phú VN còn lại cũng giảm mạnh trong hơn nửa năm qua. Chẳng hạn tỉ phú Phạm Nhật Vượng của Tập đoàn Vingroup hiện còn 3,9 tỉ USD, giảm 2,3 tỉ USD; nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo của hãng hàng không VietJet có tài sản 2 tỉ USD, giảm 1,1 tỉ USD; ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank, với tài sản trị giá 1,4 tỉ USD, giảm 900 triệu USD; Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang có tài sản trị giá 1,3 tỉ USD, sụt 600 triệu USD và ông Trần Bá Dương giảm 200 triệu USD xuống còn 1,4 tỉ USD.

Nhà đầu tư vẫn bi quan

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) VN trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả trong nước và quốc tế, như lạm phát đã tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới khiến nhiều nền kinh tế phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ với nhịp độ nhanh, mạnh. Động thái này đang làm dấy lên lo ngại về rủi ro “suy thoái - lạm phát” ở một số quốc gia… Trong bối cảnh đó, TTCK trên thế giới cũng trải qua nhiều biến động và hầu hết các thị trường đều sụt giảm. Trong nước, dòng tiền trên TTCK đã chịu sự tác động của các thay đổi trong mặt bằng lãi suất; dòng vốn cũng có sự dịch chuyển trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát. Bên cạnh đó, TTCK đã tăng trưởng mạnh trong năm 2021 đến quý 1/2022. Do vậy, khi xuất hiện các yếu tố tác động không thuận, nhà đầu tư sẽ có tâm lý chốt lời nhằm bảo vệ thành quả, tạo nên áp lực bán trên thị trường. Ngoài ra, việc điều tra, khởi tố một số doanh nghiệp bất động sản lớn trong thời gian vừa qua liên quan đến các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tạo tâm lý thận trọng trong đầu tư, tác động đến dòng tiền trên thị trường. Đơn vị này cũng khẳng định đã và đang triển khai một số giải pháp để minh bạch, ổn định thị trường.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á, nhận xét: Hiện có quá nhiều thông tin hỗn loạn và tiêu cực đối với thị trường chứng khoán khiến nhà đầu tư hoảng loạn và liên tục bán tháo, chấp nhận thua lỗ. Đặc biệt trong tuần này, thông tin các công ty chứng khoán bán giải chấp số lượng lớn cổ phiếu của lãnh đạo nhiều DN càng khiến nhà đầu tư lo sợ. Với nhiều người đang nắm giữ tiền mặt cũng chưa có cái nhìn tích cực nên vẫn tiếp tục đứng chờ dù nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh xuống dưới giá trị sổ sách của DN. Ông Huỳnh Anh Tuấn phân tích: bản chất của TTCK là kỳ vọng vào tương lai nhiều hơn. Hiện các nhà đầu tư thấy những khó khăn đối với thị trường và DN vẫn chưa có giải pháp, nhất là vấn đề dòng vốn đang bị tắc nghẽn. Ngay cả các công ty chứng khoán cũng đánh giá thị trường đầy rủi ro nên càng muốn bán giải chấp CP để thu hồi vốn. Từ đó không có nguồn lực nào trên thị trường để có thể “đỡ” được.

Đơn giản thủ tục cho phép các DN niêm yết khi mua cổ phiếu quỹ

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN, trong những đợt sụt giảm mạnh trước đây, nhiều DN có kết quả kinh doanh tốt, nguồn tiền dồi dào, đã tung ra hàng trăm tỉ đồng để mua cổ phiếu quỹ như một cách trấn an, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Thế nhưng hiện nay quy định về việc mua cổ phiếu quỹ phải xin ý kiến qua nhiều tầng lớp như đại hội cổ đông, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và phải giảm vốn điều lệ, đã “trói chân trói tay” các DN. Chính vì vậy, không còn giải pháp nào để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Vì vậy ông kiến nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định liên quan thật nhanh, cho phép các DN niêm yết khi mua cổ phiếu quỹ chỉ cần thông báo trước như giao dịch của cổ đông lớn. Song song đó, Chính phủ cũng có thể xem xét có chính sách miễn, giảm phí giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư như đã từng áp dụng trước đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.