Các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới tiếp tục lao dốc chủ yếu do cú sốc từ giá dầu, còn đồng tiền Nga vẫn trên đà suy yếu trầm trọng.
Chứng khoán Trung Quốc giảm đồng loạt ngày 21.1 - Ảnh: Reuters |
Các thị trường châu Á đã khởi đầu ngày 21.1 với không khí tương đối tích cực, dẫn đầu là Hồng Kông, Tokyo và Thượng Hải. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn đã trở lại vào đầu giờ chiều, khiến các chỉ số tại Trung Quốc và Nhật Bản lập tức đảo chiều.
Theo Reuters, các sàn chứng khoán vốn đang rất yếu ớt của Trung Quốc đều đóng cửa trong tình trạng bết bát vào ngày 21.1 trong bối cảnh giá dầu có lúc rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua và các thị trường khác tại châu Á cũng mất giá đồng loạt.
Chỉ số hỗn hợp Thượng Hải giảm 3,23% giá trị vào thời điểm kết ngày, khiến chỉ số này giảm hơn 18% kể từ đầu năm đến nay. Chỉ số hỗn hợp Thâm Quyến mất 4,01% giá trị. Trong khi đó, chỉ số CSI300 của những công ty lớn nhất niêm yết tại cả Thượng Hải và Thâm Quyến giảm 2,9%, tức đã mất hơn 17% chỉ trong vòng 3 tuần trở lại đây. Cũng theo đà này, chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông mất 1,82%. Tại Tokyo, chỉ số Nikkei giảm 2,4%, Seoul mất 0,3% và Singapore mất 1%. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Manila (Philippines) và Mumbai (Ấn Độ).
Ở Phố Wall, sau một ngày 20.1 “đỏ bảng”, các sàn chứng khoán Mỹ phục hồi tương đối khi mở cửa vào sáng 21.1 (giờ địa phương, tức tối qua giờ VN). Theo AFP, vào đầu phiên giao dịch, chỉ số S&P500 tăng 0,33% còn chỉ số Dow Jones tăng 0,35%. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ những tuyên bố trước đó của Ngân hàng Trung ương châu Âu về khả năng tiếp tục triển khai các biện pháp kích thích tăng trưởng.
Tình trạng ảm đạm hiện nay đến từ lo ngại của nhà đầu tư về kinh tế Trung Quốc cũng như việc giá dầu liên tục phá đáy. Trong ngày 20.1, giá dầu WTI giao tháng 2 tại Mỹ có lúc giảm đến 26,19 USD/thùng trước khi đóng cửa với giá 26,55 USD/thùng, mức thấp kỷ lục kể từ tháng 3.2003 còn giá dầu Brent cũng tụt xuống 27,10 USD/thùng. Đến tối 21.7, cả hai chỉ số này đã tương đối ổn định trở lại với WTI ở mức 28,20 USD/thùng còn Brent là 27,70 USD/thùng, theo Reuters.
Như vậy giá dầu đã “bốc hơi” khoảng 75% giá trị kể từ giữa năm 2014 do nguồn cung quá thừa mứa, nhu cầu giảm, nền kinh tế toàn cầu đang theo chiều hướng trì trệ cũng như bất ổn an ninh - chính trị ở nhiều khu vực. Chưa hết, Đài CNBC dẫn lời ông John Kingston, Tổng giám đốc Hãng đánh giá thị trường Global Market Insights trực thuộc Tập đoàn McGraw Hill Financial Global Market Insights, ngày 21.1 cảnh báo giá dầu vẫn chưa chạm đáy. Nguyên nhân là thị trường có thể bị “nhấn chìm vì cung quá mức” với sự trở lại của nguồn dầu thô từ Iran khi phương Tây đang rục rịch dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ đối với nước này.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của giá dầu và các lệnh cấm vận từ phương Tây cũng tiếp tục tác động nặng nề đến kinh tế Nga. Theo AFP, đồng rúp Nga tiếp tục giảm giá kỷ lục so với USD. Vào sáng 21.1, nội tệ Nga giảm giá trị đến mức 85,99 rúp ăn 1 USD trước khi leo lên được 84,3 rúp/USD vào đầu giờ chiều.
Tính từ đầu năm đến nay, đồng tiền này đã mất khoảng 12%. Tình hình này cũng gây sức ép mới lên nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Nga vẫn khẳng định “chưa có dấu hiệu khủng hoảng” và chính phủ vẫn có thể kiểm soát tình hình.
Bình luận (0)