Theo Reuters, MSCI cho rằng Bắc Kinh còn phải nỗ lực nhiều hơn để tự do hóa thị trường vốn và mở rộng độ hấp dẫn của nội tệ nước này. Cụ thể, trong tuyên bố đăng trên trang web, MSCI cho hay họ sẽ không thêm cổ phiếu hạng A của Trung Quốc - loại cổ phiếu được niêm yết bằng nhân dân tệ, ở Thượng Hải và Thâm Quyến - vào chỉ số tiêu chuẩn của họ.
Đây là năm thứ ba MSCI từ chối đưa cổ phiếu hạng A của Trung Quốc vào chỉ số tiêu chuẩn của hãng này, kể từ khi ý tưởng về việc thêm Đại lục vào chỉ số MSCI Emerging Markets xuất hiện năm 2013. Theo giới phân tích, việc bước vào MSCI Emerging Markets sẽ giúp các nhà quản lý tài sản, quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm đổ đến 400 tỉ USD vào thị trường chứng khoán nước này trong thập kỷ tới.
MSCI cho hay chính quyền Trung Quốc đã có nhiều cải thiện đáng kể trong việc tạo điều kiện tiếp cận cho giới đầu tư toàn cầu và đang di chuyển đúng hướng. MSCI cho biết thêm họ sẽ xem xét lại quyết định vào đợt phân loại thị trường năm sau.
Giám đốc quản lý MSCI toàn cầu Remy Briand nói: “Các nhà đầu tư quốc tế thể hiện rõ rằng họ muốn thấy nhiều cải thiện hơn nữa trong việc tiếp cận thị trường cổ phiếu hạng A Trung Quốc trước khi nước này góp mặt trong MSCI Emerging Markets”.
Kỳ vọng về việc MSCI chấp thuận để chứng khoán Trung Quốc góp mặt trong chỉ số thị trường mới nổi tăng lên cao nhất trong năm nay, sau khi giới chức nước này nới lỏng chương trình QFII 81 tỉ USD, một chương trình đầu tư nước ngoài theo hạn ngạch và làm rõ quyền sở hữu của người nước ngoài.
Cùng ngày, MSCI cũng công bố chứng khoán Peru tiếp tục ở lại trong chỉ số MSCI Emerging Markets. Pakistan được phân loại vào thị trường mới nổi còn Argentina - đất nước vừa quay lại thị trường vốn sau 15 năm - sẽ được xem xét phân loại thị trường mới nổi vào năm 2017. Nigeria rời khỏi chỉ số thị trường cận biên MSCI Frontier Markets và tái phân loại là một thị trường độc lập.
Bình luận (0)