Mở cửa thị trường, hàng loạt cổ phiếu đã bị bán tháo. Kết thúc đợt khớp lệnh định kỳ vào lúc 9 giờ 15 phút sáng, VN-Index đã mất hơn 5%. Đà giảm sau đó vẫn diễn ra không ngừng và đến 9 giờ 30 phút sáng 13.3, chỉ số VN-Index trên sàn TP.HCM giảm 5,92%, tương đương giảm 45,51 điểm xuống còn 723,74 điểm. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 4,37% xuống còn 97,46 điểm.
Hàng loạt cổ phiếu đều giảm sàn hết biên độ cho phép, trong đó có khoảng 2/3 rổ cổ phiếu thuộc VN30. Các cổ phiếu blue-chips như MSN, MWG, PNJ, PLX, VCB, VIC, VHM, VJC, VPB, BID, BVH, CTD, VRE... đều bị kéo xuống giá sàn càng khiến cho VN-Index thụt lùi.
Ngay trước giờ giao dịch, nhiều công ty chứng khoán đều dự báo phiên cuối tuần này sẽ tiếp tục giảm điểm khi tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư chưa giảm. Hơn nữa trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu cũng lao dốc mạnh thì nỗ lực phục hồi là khó diễn ra. Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, chỉ báo xu hướng kỹ thuật MACD và MACD-Histogram tiếp tục duy trì xu hướng giảm dưới 0, củng cố thêm về rủi ro thị trường vẫn có thể sẽ tiếp tục giảm điểm, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đã xuyên thủng qua vùng hỗ trợ 780-820. Thị trường được dự đoán sẽ tiếp cận vùng kháng cự 700-750.
Thị trường chứng khoán châu Á mở cửa phiên sáng 13.3 cũng sụp đổ. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật lúc hơn 9 giờ 30 phút đã mất 9,15%, Shanghai của Trung Quốc giảm 3,03%, Hang Seng tại Hồng Kông giảm 5,13% hay Kospi của Hàn Quốc giảm 7,07%. Trên thị trường Đông Nam Á, chỉ số KLCI của Malaysia 6,64%, Jarkarta của Malsaysia giảm hơn 5% hay Straits Times của Singapore cũng lao dốc 5,17%...
Trước khi thị trường Việt Nam mở cửa, chứng khoán châu Âu và Mỹ đều đồng loạt bổ nhào trong phiên 12.3 với nhiều chỉ số mất hơn 10%. Riêng chỉ số Dow Jones của Mỹ đã sụt 2.352,6 điểm, tương đương giảm 9,99% và đóng cửa ở 21.200,62 điểm. Tính theo tỉ lệ %, đây là phiên giảm mạnh nhất sau "Ngày thứ Hai đen tối" 19.10.1987 khi Dow Jones sụt trên 22%. Dow Jones ghi nhận phiên giảm mạnh thứ 5 trong lịch sử hơn 100 năm của mình, mạnh hơn cả những phiên tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008. Chỉ số S&P 500 giảm 9,51% xuống 2.480,64 điểm và đây cũng là phiên giảm sâu nhất của S&P 500 kể từ năm 1987. Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 9,43% và đóng cửa ở 7.201,8 điểm.
Bình luận (0)