Tay vợt nữ người Mỹ Billie Jean King là một trong những người tiên phong công khai đồng tính và tạo nền tảng cho cuộc chiến chống lại chứng sợ đồng tính trong thể thao.
>> Chứng sợ đồng tính trong thể thao - Kỳ 5: Nguồn cảm hứng từ Hitzlsperger
>> Chứng sợ đồng tính trong thể thao - Kỳ 4: Vượt qua định kiến
>> Chứng sợ đồng tính trong thể thao - Kỳ 3: Thông điệp của Robbie Rogers
|
Trận chiến của hai giới
Billie Jean King sở hữu thành tích đồ sộ với 6 danh hiệu Wimbledon, 4 chức vô địch Mỹ mở rộng và chiếm ngôi số 1 thế giới trong 5 năm. Danh sách bại thủ của King có hàng loạt tay vợt huyền thoại nữ như Martina Navratilova, Chris Evert và Margaret Court. Nhưng với King, trận đấu đáng nhớ nhất sự nghiệp là đánh bại Bobby Riggs, tay vợt nam huyền thoại của quần vợt Mỹ những năm 1930 và 1940. Đây là cuộc đấu nổi tiếng nhất trong làng banh nỉ qua mọi thời đại, bởi nó mang theo niềm hy vọng trong cuộc chiến bình đẳng giới của phụ nữ trong những năm 1970.
“Trận chiến của hai giới” này diễn ra ngày 20.9.1973 tại Houston, Mỹ. King, lúc này 29 tuổi, tiến vào sân Astrodome trong trang phục giống Nữ hoàng Cleopatra được khiêng bởi 4 người đàn ông lực lưỡng ăn mặc như nô lệ cổ đại. Còn Riggs (lúc bấy giờ 55 tuổi) được đẩy trên một xe kéo bởi những cô gái với trang phục sexy. Với phong độ còn mạnh mẽ, King đã thắng Riggs 3 ván với điểm số 6/4, 6/3 và 6/3. Chiến thắng của King vang dội khắp thế giới, trong đó tờ New York Times từng ca ngợi: “Điều quan trọng là cô ấy đã thuyết phục những người hoài nghi hay suy nghĩ rằng phụ nữ Mỹ không thể làm gì khác ngoài việc sinh con. Cô ấy thực sự đã trở thành một cột thu lôi và mở đường cho phụ nữ tìm đến với thể thao chuyên nghiệp”.
|
“Người tiên phong” công khai đồng tính
Nguồn cảm hứng từ trận thắng để đời trước Riggs và sự ảnh hưởng nhất định đối với xã hội là động lực giúp King dũng cảm công khai đồng tính vào năm 1981, để được sống thật với chính mình và theo đuổi cuộc chiến chống chứng sợ đồng tính trong thể thao.
Trước năm 1981, King có tất cả mọi vinh quang trong sự nghiệp với 39 danh hiệu Grand Slam ở nhiều nội dung thi đấu, trở thành tay vợt nữ đầu tiên kiếm được 100.000 USD tiền thưởng trong 1 năm và được bình chọn là người phụ nữ được ngưỡng mộ nhất thế giới... King kết hôn với một sinh viên luật là Larry King. Nhưng cuộc sống của tay vợt này không phải như mơ vì luôn trở thành đề tài chỉ trích khuynh hướng tình dục khi từng tuyên bố có người yêu cùng giới. Khi công khai giới tính, King phải đối mặt với không ít sự gièm pha ở xã hội lúc bấy giờ, và sau đó phải ly dị chồng. Tuy vậy, nhờ những thành tích lớn trong thể thao và cuộc chiến bình đẳng giới cho phụ nữ, King trở thành một biểu tượng của thể thao và giới trẻ Mỹ, được ví như “tấm bình phong” che chở, phá vỡ rào cản thiếu bình đẳng cho những VĐV đồng tính khắp mọi nơi.
Sự ảnh hưởng của King trong cuộc chiến chống lại chứng sợ đồng tính trong thể thao vẫn được duy trì cho đến nay khi bà được bổ nhiệm làm trưởng đoàn thể thao Mỹ đến Thế vận hội mùa đông 2014 tại TP.Sochi (Nga). Sự có mặt của King trở thành chỗ dựa tinh thần rất lớn cho các VĐV đồng tính và làm mọi định kiến phải nín lặng.
Nguyên Khoa
>> Chứng sợ đồng tính trong thể thao - Kỳ 5: Nguồn cảm hứng từ Hitzlsperger
>> Chứng sợ đồng tính trong thể thao - Kỳ 4: Vượt qua định kiến
>> Chứng sợ đồng tính trong thể thao - Kỳ 3: Thông điệp của Robbie Rogers
>> Chứng sợ đồng tính trong thể thao: Collins dũng cảm
>> Chứng sợ đồng tính trong thể thao: Nhà tù của tâm cảm
Bình luận (0)