'Chúng ta chê thanh niên phai nhạt lý tưởng song người lớn lại không nêu gương'

03/01/2024 18:12 GMT+7

Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Bùi Thế Đức dẫn vụ án Việt Á xét xử 2 cựu bộ trưởng Y tế, KH-CN, nói nhiều người chê thanh niên hiện nay phai nhạt lý tưởng song thực tế người lớn lại không nêu gương, tạo ra môi trường chính trị trong lành để thanh niên noi theo.

Chiều 3.1, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội tổ chức tọa đàm tham vấn nội dung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về thanh niên, trẻ em qua gần 40 năm đổi mới với sự tham gia của các chuyên gia trong công tác thanh niên, trẻ em.

'Chúng ta chê thanh niên phai nhạt lý tưởng song người lớn lại không nêu gương'- Ảnh 1.

Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Bùi Thế Đức nêu ý kiến tại tọa đàm

NGỌC THẮNG

Nêu ý kiến tại tọa đàm, TS Bùi Thế Đức, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư, nhìn nhận lâu nay chúng ta thường chê thanh niên là phai nhạt lý tưởng song chính người lớn lại không tạo ra môi trường chính trị trong lành cho thanh niên noi theo.

Do đó, ông Đức đề nghị bổ sung kiến nghị Đảng, Nhà nước xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bao gồm môi trường văn hóa cho thanh niên. "Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc hồi cuối năm 2021, Tổng Bí thư đã phát biểu: văn hóa còn, dân tộc còn. Thanh niên phải là lực lượng chính trong việc này. Nếu không có thanh niên thì không thành công được", ông Đức nói.

Về giải pháp, ông Đức cho rằng, người lớn cần phải nêu gương cho thanh niên. Theo ông, T.Ư Đảng có Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương, song thực tế hàng loạt vụ án tiêu cực, tham nhũng vẫn xảy ra.

"Hôm nay xử 2 cựu bộ trưởng Y tế, KH-CN, rồi mới hôm qua Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp mới bị bắt", ông Đức nói.

Vì sao Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp bị bắt?

Phải đánh giá đúng và tin thanh niên

Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Lê Mạnh Hùng thì cho rằng, để hoàn thiện chính sách về thanh niên cần phải đánh giá căn cơ hơn về ưu điểm, hạn chế của thanh niên để kiến nghị các giải pháp.

Dẫn nhận định thanh niên hiện nay sống thực dụng hơn xưa, ông Hùng cho rằng, cần phải có đánh giá kỹ lưỡng nhận định này. "Thực tế là thanh niên hiện nay ra đường ít nhường nhịn, và hy sinh hơn xưa", ông Hùng nêu.

Từ đó, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đề nghị, cần tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, việc làm và vui chơi giải trí cho thanh niên. Theo ông Hùng, giáo dục là yếu tố để đánh giá tính ưu việt của xã hội. Do đó, cần phải miễn học phí cho giáo dục bắt buộc tới hết cấp THCS (lớp 9).

'Chúng ta chê thanh niên phai nhạt lý tưởng song người lớn lại không nêu gương'- Ảnh 2.

Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Lê Mạnh Hùng nêu ý kiến tại tọa đàm

NGỌC THẮNG

"Bây giờ nhìn mà xem, ở ta thu học phí nhiều hơn các nước phát triển nhiều. Tôi thấy con em nhà tôi đi học tương đối nhiều rồi không phải là ít", ông Hùng nhìn nhận.

Về việc làm, ông Hùng cho rằng, nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN, rất khó cạnh tranh. "Đào tạo thanh niên hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Phải có chiến lược, đề án đào tạo nguồn nhân lực. Cạnh đó, nghị quyết rất hay rồi nhưng nghị quyết thực hiện thế nào mới là quan trọng", ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay, rất thiếu các khu vui chơi, giải trí cho thanh, thiếu niên. "Người ta nói chúng ta chỉ có bán đất thôi chứ chẳng có chỗ nào quy hoạch vui chơi, giải trí cả. Chúng tôi đi Nhật Bản, họ quy hoạch công viên cho người lớn riêng, công viên cho thanh, thiếu niên riêng. Còn ở ta thì nhà cửa cao ngút trời nhưng có chỗ nào vui chơi đâu", ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho rằng, công tác quy hoạch hiện nay chủ yếu tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội mà chưa gắn với chính sách thanh niên, thiếu niên. "Để thanh niên có thể cống hiến phải có chính sách phát huy nguồn nhân lực, tài năng, phải tin thanh niên, tạo điều kiện và cổ vũ thanh niên", ông Hùng nói thêm.

TS Trần Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên T.Ư, cũng đề nghị Đảng, Nhà nước phải "đánh giá đúng và tin thanh niên". Theo ông, hiện nay thanh niên nhiều người tài nhưng chưa được đãi ngộ xứng đáng, cần sớm thay đổi. Cùng đó, ông Miều đề nghị cần thay đổi quan điểm nói thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà.

"Hiện nay có người 40 tuổi đã làm thứ trưởng nhưng vẫn nói thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà. Tương lai thì xa lắm, biết bao giờ, bao giờ anh mới giao cho người ta. Tôi đề nghị đổi thành thanh niên là chủ nhân sắp tới, tương lai gần của nước nhà để có chính sách đào tạo, bồi dưỡng thanh niên", ông Miều kiến nghị.

Dự thảo báo cáo về xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách phát triển thanh niên qua gần 40 năm đổi mới của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đánh giá tình trạng "nhạt Đảng, khô Đoàn", "xa rời chính trị" vẫn là vấn đề rất đáng quan tâm trong thanh niên.

Từ đó, báo cáo kiến nghị Đảng, Nhà nước nghiên cứu ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Đề xuất 100% thanh niên được thực hiện nghĩa vụ quân sự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.