'Chúng ta đã có cái nhìn bình tĩnh hơn đối với mạng xã hội'

02/07/2019 15:48 GMT+7

Mạng xã hội , cũng như tất cả mọi thứ trên cuộc đời này loài người đã trải qua, đều có tính 2 mặt. Chúng ta nên ứng xử với nó như với mọi thay đổi của thế giới trước đó, trong quá trình tiến tới văn minh.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chia sẻ góc nhìn với Thanh Niên về mạng xã hội (MXH).

Mạng xã hội chỉ tốt ở mức nó không làm nghèo nàn đi đời sống thực

Sự bùng nổ của MXH đang làm loài người lúng túng, vì thế giới thật đang bị đảo lộn với sự "xía vào" của thế giới ảo. Việt Nam cũng đang rất loay hoay với bài toán quản lý. Dưới góc nhìn của ông, MXH có tác động tích cực hay tiêu cực nhiều hơn?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi cho rằng,  thực chất, MXH phản ánh quan điểm của XH thực, và XH thực cũng rất đa dạng. Có rất nhiều mặt tốt của MXH, nhưng cũng có những người cực đoan, bỗ bã, thiếu chuẩn mực văn hóa và điều đó hiện được tự do thể hiện trên nền tảng này.
 Trong cuộc đời thực, tự do hạn chế hơn, thành thử cái buông thả ít hơn, ít nhiều vẫn không hiện rõ nguyên hình. Người dùng không phải đối mặt và các chuẩn mực của không gian vật lý, người ta không nhìn thấy mặt nhau, người ta cảm thấy tự do dễ dàng hơn và buông thả trong ứng xử.
Thực chất, có thêm mạng xã hội, con người có thêm 1 không gian nữa để tồn tại. Chúng ta vốn tồn tại trên không gian vật lý, rồi không gian tâm linh, và bây giờ thêm không gian ảo, cũng là cái làm con người ta phong phú thêm. Hạn chế MXH chỉ làm con người ta nghèo nàn đi thôi.
Cái gì cũng có 2 mặt cả. Năng lượng hạt nhân có thể giúp con người dời non lấp biển, nhưng nó cũng có thể trở thành vũ khí giết người hàng loạt. MXH cũng thế, chúng ta ứng xử với nó cũng như với tất cả mọi thứ trên cuộc đời này mà loài người đã trải qua, phát huy cái tốt và hạn chế cái xấu. Mọi sự lạm dụng đều có hại, kể cả sâm nhung.  
Đâu là những mặt hạn chế đáng kể nhất của MXH, theo ông, và nếu đặt ra bài toán quản lý nhà nước để ngăn chặn những tác động tiêu cực đó, nhưng vẫn phát huy được mặt tốt, thì đâu sẽ là một cách ứng xử vừa đủ?
Những tác hại thấy rõ nhất của MXH có thể là tin giả (fake news), tấn công cá nhân - mà cũng đã có những người phải tự tử vì điều này, và "nghiện" MXH.
Nếu anh lên mạng không để tìm kiếm cơ hội, để có kiến thức, thì bỏ quá nhiều thời gian cho thế giới ảo sẽ không còn thời gian cho thế giới thật. Nó ảnh hưởng đến tình cảm, đời sống thật của các thành viên trong xã hội. 
Bây giờ chúng ta ngồi ở đâu cũng mỗi người 1 cái điện thoại, gần như không giao thiệp với nhau. Nhiều bữa cơm - cơ hội duy nhất trong ngày để nhiều gia đình giao tiếp thật với nhau, thì MXH cũng lấy mất. 
Anh có thêm một cuộc sống ở không gian ảo thì nó phong phú thêm, nhưng chỉ ở mức độ nó không làm nghèo nàn đi cuộc sống thực. 
Tôi thấy những tín hiệu cho thấy cơ quan quản lý Việt Nam cũng đã có cái nhìn bình tĩnh hơn đối với MXH, thấy rõ mặt trái, nhưng cũng ghi nhận những ưu điểm. Đó cũng là cái nhìn có lý, có tình.
Cơ quan quản lý đã đặt ra vấn đề phải quản lý mạng xã hội tốt hơn, đề cao trách nhiệm của các nhà mạng, trách nhiệm cá nhân của những người tham gia, phát huy vai trò cá nhân của KOLs (key opinion leaders - những thủ lĩnh quan điểm) hoặc influencers (những người ảnh hưởng), nhưng tôi không thấy toát lên định hướng là sẽ cấm đoán.
Có thể thấy là chúng ta sẽ không đi theo kinh nghiệm của Bắc Kinh. Như vậy, quyền tham gia và quyền bày tỏ chính kiến trên MXH có vẻ được tôn trọng. Đó là một quan điểm chừng mực và hợp lý.
Báo chí làm thế nào cạnh tranh với MXH?
 Như ông đã đề cập đến, cùng với sự bùng nổ của MXH là vấn nạn tin giả, điều mà thế giới cũng chưa tìm ra cách đối phó hữu hiệu. Ông có nghĩ rằng bối cảnh và trình độ Việt Nam sẽ khiến tin giả có mảnh đất màu mỡ hơn để phát triển, để điều khiển con người ?
Tôi nghĩ nó cũng là mối nguy chung thôi. Việt Nam có 1 thứ mạnh hơn thế giới là toàn bộ lực lượng báo chí là lực lượng công. Nếu cần, anh dễ huy động lực lượng hơn để chống lại tin giả. Những người trên mạng là những người không có nghiệp vụ, còn nhà báo thì có. Nhà báo đáng tin cậy hơn, hấp dẫn hơn so với những người sử dụng MXH thông thường. Đó là lực lượng lớn, nhưng lực lượng đó không được giao nhiệm vụ một cách chính tắc trong việc chống lại tin giả, mà lại là lực lượng khác. Tôi nghĩ đó là một sai lầm trong chính sách.
Đội quân báo chí là đội thạo võ nghệ, còn đội được giao nhiệm vụ hiện nay chỉ là đội đánh trận giả và làm mất uy tín được thôi. Phản biện lại fake news phải làm công khai, minh bạch, chứ không phải rón rén ném đá sau lưng.
Nhân đây, tôi cũng vừa đọc được một câu hỏi: Vì sao Việt Nam có đến hơn 18.000 nhà báo có thẻ mà lại thua mạng xã hội? Theo ông là vì sao?
Theo tôi vì quy trình tự kiểm duyệt. Báo chí bị trói hết chân tay, nhưng lại bắt cạnh tranh với MXH là khó, vì luật chơi bây giờ đã khác. Trước là cá lớn nuốt cá bé, giờ là cá nhanh nuốt cá chậm. Với quy trình hiện nay thì báo chí trở nên quá chậm. Lỗi không phải do báo chí, hay cá nhân người làm báo mà là lỗi tại quy trình. Dù kiểm duyệt đã được bỏ nhưng tự kiểm duyệt lại bị áp đặt rất mạnh. Tin tức người ta gọi là news, thì chúng ta không bao giờ new - không bao giờ mới cả. Đó là cái ta thua.
Thứ hai, là nhiều khi mình phải nói theo định hướng, quyền tự do, độc lập bị hạn chế hơn.
Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì?
Một là phát huy vai trò tích cực của báo chí, như tôi đã nói.
Thứ hai, rõ ràng là anh phải áp dụng pháp luật. Không thể để cho những người lan truyền fake news gây hại cho xã hội mà không bị trừng phạt. Những giá trị được bảo vệ ở không gian vật lý cũng phải được bảo vệ trên không gian mạng. Tất cả những cái đó cho thấy sự quản lý của nhà nước là cần thiết. Không thể không có pháp luật duy trì trật tự trên không gian mạng được, vì nó là thế giới ảo nhưng hậu quả là thật.
Vai trò của quản lý nhà nước là cần thiết, cái đó rõ, nhưng quản lý MXH đòi hỏi những kỹ năng khác, đòi hỏi anh phải là những nhà kỹ trị, những người hiểu về không gian số, tính chất của không gian đó. Còn anh cấm tiệt đi thì rõ ràng đơn giản hơn nhiều, nhưng thời buổi này thứ nhất là chưa chắc anh cấm được, và thứ hai là anh sẽ nghèo nàn đi rất nhiều, như tôi đã nói.
Công cụ thứ 3 là đạo đức, những người tung tin giả cần phải bị bóc mẽ, bị tẩy chay.

Sẽ đến lúc mạng xã hội biết đâu là điểm cốt tử của dân tộc này

Ông có cho rằng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có một MXH của riêng mình, thứ mà người Việt Nam có thể kiểm soát, thay vì chơi trên một nền tảng toàn cầu mà chúng ta hoàn toàn không có quyền định luật chơi?
TS Nguyễn Sỹ Dũng: Việc nó là một nền tảng toàn cầu có rất nhiều mặt tốt. Ngoài việc MXH làm cuộc sống phong phú hơn vì mọi người có thể chia sẻ mọi thứ: những ý tưởng mới, những cảm nhận, những đau thương mất mát, những quan sát nhỏ nhặt… MXH cũng là một công cụ rất tốt để làm ăn. Rất nhiều người có thể tìm kiếm thu nhập trên đó, mua bán từ căn nhà đến con cá, mớ rau. MXH kết nối những người có cùng chí hướng…
Nếu phát huy được mặt tốt của MXH, thì nó cũng như phát huy được mặt tốt của năng lượng nguyên tử. Nếu anh cấm nó, anh không có sức mạnh của năng lượng nguyên tử, trong khi người ta có. Đó là bất lợi của anh. Cũng như khi anh có một mạng riêng.
Trung Quốc đủ lớn để có 1 mạng riêng, nhưng rõ ràng anh sẽ nghèo nàn hơn rất nhiều, vì những ý tưởng của thế giới không đến với anh. Nó chỉ là thứ mẹ hát con khen thôi. Mẹ hát có thể hay thật, nhưng thế giới họ hát cả ngàn kiểu cơ, anh sẽ không phong phú bằng.
Tuy nhiên, có một mặt trái lớn hơn nếu anh không có mạng của riêng mình, đó là dữ liệu. Toàn bộ dữ liệu sẽ thuộc quyền quản lý của Facebook, của MXH chứ không phải của Việt Nam. Xã hội tương lai thì dữ liệu là tài sản quý nhất, thì anh không có. Cái thua thiệt lớn nhất trong dài hạn là cái đó, hơn tất cả những nguy cơ mà chúng ta đang nói đến hiện nay. Có dữ liệu đó thì người ta hiểu người Việt Nam đến tận chân tơ kẽ tóc.
Với những thuật toán càng ngày càng hiện đại và công nghệ big data, người ta sẽ biết đâu là điểm dễ tổn thương nhất của dân tộc này, đâu là chỗ khiến chúng ta không xoay trở được. Đó mới là vấn đề an ninh quốc gia, chứ không phải ở chỗ mấy người chửi bới, chống đối trên MXH.
Việt Nam cần tính đến thỏa thuận hay quy định pháp lý như thế nào để dữ liệu phải được chia sẻ hay đồng sở hữu… Tôi cho cái đó là thiết thân nhất và đáng quan tâm nhất của xã hội tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.