Những cuốn sách về thời bao cấp ra liên tiếp trong thời gian gần đây và bán đều tay. Có cuốn như Quân khu Nam Đồng, Hà Nội mũ rơm và tem phiếu ăn khách. Theo ông, vì sao kiểu sách này lại bán chạy như vậy?
PGS-TS Phạm Xuân Thạch: Bây giờ người ta đã vượt qua thời bao cấp rồi, không còn nỗi lo về sự đói khổ, thiếu thốn, khổ sở vật chất nữa. Nhưng bất an bây giờ là quan hệ xã hội bị đảo lộn, ba mươi mấy năm đổi mới, chúng ta không tạo ra được mô hình sống, mô hình con người mới, nên giờ người ta có khuynh hướng quay trở lại sự hoài cổ thời bao cấp, người ta chấp nhận nhìn nó với con mắt gọi là độ lượng với nó.
Có cảm giác như những tác phẩm ấy gợi ra nhiều nỗi nhớ, niềm thương. Nhưng sự phê phán thời kỳ bao cấp thì không rõ lắm. Ông nghĩ sao?
Những tác phẩm viết về tình cảm, ấm áp, san sẻ, tình người của thời đói khổ ngày xưa có phương diện tích cực. Đó là con người ta luôn có cái nhìn độ lượng với quá khứ. Nhưng thực ra, chúng ta đang thiếu cái nhìn sâu sắc về quá khứ.
Nếu cứ quay trở lại nhìn quá khứ như một sự lãng mạn, bù đắp lại cái thiếu thốn của hiện tại, thì không bao giờ người ta rút ra được bài học về quá khứ một cách sòng phẳng cả. Nó có 2 khía cạnh. Thứ nhất là các tác phẩm văn học viết về thời bao cấp đang sa vào sự thi vị hóa. Thứ hai nó thiếu một cái nhìn chiều sâu. Nó vẫn là kể chuyện thôi, giống như dòng văn học viết về chiến tranh mà vừa rồi bừng nở, toàn kể chuyện bộ đội. Tất nhiên là biên độ kể sẽ cung cấp thêm tư liệu, nhưng sự tiếp cận chiến tranh, hiện thực của nó sẽ thiếu đi sự sâu sắc và sự đa chiều. Văn học về thời bao cấp của mình đang thiếu cái nhìn đa chiều như thế.
Tôi thấy vắng bóng người trẻ viết về bao cấp?
Đấy chính là điều tôi muốn nói, nó thua văn học chiến tranh ở chỗ đấy. Văn học chiến tranh có những tác giả sinh sau chiến tranh như Võ Diệu Trang, Huỳnh Trọng Khang. Chiến tranh thôi thúc những người không trải qua thời ấy phải đi tìm hiểu lại cái hiện thực ấy. Còn văn học thời bao cấp toàn bộ là văn học kinh nghiệm. Những người sống trong thời đấy nhấm nháp kể lại với nhau cho sướng thôi, thì đương nhiên người ta mới thi vị hóa nó.
Nếu vậy thì chúng ta vẫn có một món nợ viết với thời bao cấp phải không thưa ông?
Cái dở của văn học bao cấp gần đây vẫn là nặng về kể chuyện hơn là có một cái nhìn thực sự sâu sắc. Vì thế Chiều chiều (Tô Hoài), hay Chuyện ngõ nghèo (Nguyễn Xuân Khánh) thực sự là những tác phẩm để đời.
Bình luận (0)