Chúng ta sẽ chạy bằng phương tiện gì?

14/02/2020 05:00 GMT+7

Chạy bằng "phương tiện" gì sẽ quyết định kết quả mà chúng ta nhận được nhiều hay ít, nhanh hay chậm, tận dụng được cơ hội khai thác thị trường rộng lớn châu Âu...

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đặt vấn đề tiếp cận “cao tốc Việt Nam - EU” bằng một câu hỏi như trên trong cuộc họp báo ngay sau khi Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu tán thành phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) Việt Nam - EU với số phiếu áp đảo.
Đó là cách tiếp cận hoàn toàn chính xác. Chạy bằng "phương tiện" gì sẽ quyết định kết quả mà chúng ta nhận được nhiều hay ít, nhanh hay chậm, tận dụng được cơ hội khai thác thị trường rộng lớn châu Âu hay ngược lại bị sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao của khối này loại khỏi chính sân chơi nội địa.
Có thể nói, việc đàm phán mở được cánh cửa này khó mười thì việc tái cơ cấu, vận động, thay đổi... nội tại của chính chúng ta để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện của EU khó trăm.
Thực tế trước 2 hiệp định này, chúng ta cũng đã ký kết khá nhiều hiệp định đa phương, song phương... Sau mỗi lần ký kết, vấn đề chuyển từ thô sang tinh, chuyển từ lượng sang chất... cũng được nói đến rất nhiều, nhưng các doanh nghiệp vẫn chọn cái dễ, ăn ngay thay vì đầu tư bài bản, chuyên nghiệp để "chơi" với thị trường lớn.
Chẳng phải nói đâu xa, cứ nhìn tình trạng nông thủy hải sản vẫn tiếp tục chở lên các cửa khẩu rồi nằm đó "ngóng" Trung Quốc mở cửa trở lại bất chấp các khuyến cáo của cơ quan chức năng ở thời điểm hiện tại mới thấy, để tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng nuôi trồng đáp ứng được các thị trường khó tính như EU vẫn còn rất xa xôi.
Không chỉ thế, nguy cơ bị "vạ lây" do tình trạng mượn xuất xứ để lẩn tránh thuế đã và đang xảy ra với Việt Nam khi căng thẳng thương chiến Mỹ - Trung gia tăng trong năm 2019 cũng sẽ tiếp tục là rủi ro khi cánh cửa thị trường EU được mở ra.
Sự việc mặt hàng thép sản xuất ở Việt Nam bị Mỹ trừng phạt thuế lên tới 450% là một bài học xương máu mà nếu không nhanh chóng, quyết liệt "chọn phương tiện gì" ngay từ bây giờ, những mặt hàng lợi thế của Việt Nam xuất sang EU không những không tận dụng được cơ hội mà còn có thể trở thành nạn nhân.
Với 85% dòng thuế hàng Việt Nam sang EU về 0% khi EVFTA có hiệu lực, tăng lên 99% sau 7 năm... đúng như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói "cánh cửa xa lộ" đã mở cho hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này với giá cạnh tranh hơn. Nhưng để "chơi" được với thị trường lớn, khó tính đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hàng hóa chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... từ đầu vào cho tới đầu ra.
Tương tự, để thu hút được nguồn vốn đầu tư từ khối này, môi trường trong nước phải tiếp tục được cải thiện, những rủi ro chính sách phải được hạn chế tối đa, những thủ tục hành chính không cần thiết phải được loại bỏ... Cơ hội là rất lớn nhưng tận dụng được cơ hội hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chính chúng ta.
Vào cuộc nhanh, quyết liệt để khai thác thị trường trị giá 180.000 tỉ USD thay thế cho thị trường Trung Quốc đang khó khăn; vào cuộc nhanh để tái cơ cấu kinh tế, hướng tới phát triển theo chiều sâu thay vì bề rộng...
Chọn tâm thế đó thì EVFTA, hiệp định chất lượng cao, với cam kết về mở cửa thị trường rất lớn, chắc chắn sẽ là cú hích lớn cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.