Chúng ta vẫn phải ăn, mặc... vậy xanh hóa sản xuất thế nào để giảm phát thải?

05/12/2023 09:23 GMT+7

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chia sẻ những thông tin mới nhất về các cam kết tại COP28 tại hội thảo "Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay 5.12 tại TP.HCM.

Ông Đỗ Văn Sử - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - người cũng vừa tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới (COP28) - chia sẻ: Cập nhật đến tối 4.12, có 22 nước tham gia COP28 đã nhất trí tăng sản lượng điện hạt nhân lên gấp 3 lần cho đến năm 2050. Tiếp theo, 50 công ty dầu mỏ lớn nhất, đại diện cho 40% sản lượng toàn cầu cam kết đạt mức phát thải ròng khí metan gần bằng 0 và chấm dứt hoạt động xử lý khí thải bằng cách đốt bỏ vào năm 2030. 

Việt Nam tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh - Ảnh 1.

Ông Đỗ Văn Sử - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài

NHẬT THỊNH

Riêng các ngân hàng, định chế tài chính lớn toàn cầu đều có cam kết chung chung, đẩy mạnh nỗ lực nhưng chưa đưa ra lộ trình cụ thể về việc ngừng cung cấp tín dụng cho các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch. 

Ông Sử thừa nhận, tăng trưởng xanh vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều, nên ứng xử với nó như thế nào, phạm vi ở đâu, chiến lược phát triển như thế nào cho phù hợp là câu hỏi của nhiều quốc gia? Theo ông Đỗ Văn Sử, trong khi chúng ta vẫn phải ăn, mặc, tiêu dùng hàng ngày, vậy xanh hóa bằng cách nào để giảm khí thải nhưng không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế? Chủ đề của hội thảo do Báo Thanh Niên rất hay và rất sát sườn. Trong kế hoạch quốc gia về hành động hướng tới tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã công bố đã đưa ra 4 nhóm mục tiêu. Thứ nhất là giảm phát thải của toàn bộ nền kinh tế; thứ hai là xanh hóa các ngành; thứ ba là xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; thứ tư là xanh hóa quá trình chuyển đổi.

Ông Đỗ Văn Sử nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện hướng tới tăng trưởng xanh, có hai chủ thể chính là nhà nước và các tổ chức, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất. Nhà nước gặp thách thức gì, cần làm gì? Bản thân các doanh nghiệp gặp thách thức khó khăn gì? Việt Nam đã đưa ra bộ chỉ tiêu về đánh giá của tăng trưởng xanh khiến các đối tác quốc tế khá ngạc nhiên do không phải là quốc gia đi đầu nhưng rất tích cực trong quá trình triển khai. "Tôi hy vọng hội thảo cũng đi sâu vào một lát cắt của vấn đề này. Ý kiến của các chuyên gia, địa phương là những cơ quan tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch đều sẽ là đầu vào quan trọng, làm tiền đề cho các cơ quan tham mưu chính sách và nghiên cứu", ông Đỗ Văn Sử phát biểu.  


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.