Với người Việt, tết là dịp sum vầy. Quanh năm tha phương mưu sinh lập nghiệp, tết cũng cố về quê đoàn tụ gia đình, thắp hương trước bàn thờ gia tộc. Ai cũng muốn về quê nên khan hiếm tàu xe là đương nhiên.
Số ít gia đình có xe riêng thì đơn giản. Số đông thì chầu chực mua vé máy bay, xe lửa, xe đò; nhồi nhét gấp đôi gấp ba. Hết vé thì đi xe tải, xe gắn máy, thậm chí xe đạp. Tìm đủ cách, đủ phương tiện để về quê. Ai không về quê được thì khốn khổ buồn lo như người bất hiếu.
Hiểu được tâm tư tình cảm của người xa quê, nhà nước và các doanh nghiệp vận tải, đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn như muối bỏ biển. Các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp sử dụng lao động, các cơ quan truyền thông, trong đó có Báo Thanh Niên cũng vào cuộc tiếp sức, bằng “Những chuyến xe tình nghĩa” đưa công nhân và sinh viên về quê vui tết. Dù rất nỗ lực nhưng do thiếu phối hợp và chưa đồng bộ nên hiệu quả rất hạn chế, chỉ như chữa cháy tạm thời. Mỗi lần tết đến, khi niềm vui đoàn tụ đong đầy khắp chốn cũng là lúc rất nhiều người phải gạt nước mắt đón tết xa quê.
Trừ lực lượng vũ trang bảo vệ biên cương hải đảo và trực chiến cùng các cơ quan đảm bảo vận hành cho nhu cầu tối thiểu của cuộc sống; rất nhiều người được nghỉ tết nhưng không thể về nhà, nhất là ở các thành phố lớn. TP.HCM hiện có hơn 1 triệu công nhân công nghiệp, đa phần là dân các tỉnh. Nếu kể cả công nhân thủ công, ngành nghề tự do thì ngót nghét 2 triệu. Chưa kể các vùng phụ cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu...
Chính họ là lực lượng chủ yếu làm ra của cải, tạo nên những đổi thay diện mạo đô thị. Quanh năm lao động miệt mài, tết đến chỉ mong được về quê đoàn tụ. Mấy năm liền tham gia ban tổ chức cho công nhân xa quê vui tết với lãnh đạo thành phố, tôi càng thấm thía mơ ước nóng bỏng của họ.
Được lãnh đạo quan tâm chăm sóc, tặng quà nhưng ai cũng rưng rưng vì nhớ nhà, mong năm sau được về quê ăn tết. Giúp họ thực hiện ước mơ là “lời cám ơn thiết thực” của thành phố, là cách “khoan thư sức dân” để cả năm họ hết lòng với công việc.
Chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu 100% nhưng có thể tăng gấp đôi khả năng phục vụ, bằng các biện pháp cụ thể.
Một - Các hãng máy bay, xe lửa, xe đò... xoay vòng tối đa công suất phục vụ 24/24. Riêng xe lửa thì nối thêm toa, kê thêm ghế (nhưng phải đảm bảo an toàn). Hai - Huy động tối đa các phương tiện khác như xe buýt, xe chở công nhân và học sinh, xe taxi, xe tư nhân nhàn rỗi (từ 7 chỗ trở lên) và cả xe gắn máy, kể cả tàu thuyền. Khuyến khích đi chung xe để góp phần giảm tải. Ba - Thuê thêm đầu xe chở khách từ Lào và Campuchia để tăng cường đưa công nhân về quê. Bốn - Vận động các doanh nghiệp lo cho công nhân về quê bằng các chính sách động viên khen thưởng của nhà nước. Vận động các nhà hảo tâm, cả trong và ngoài nước tặng vé về quê cho người lao động nghèo. Năm - Miễn thuế cho các dịch vụ đưa đón công nhân về quê trước và sau tết (chừng nửa tháng).
Nếu xã hội đồng lòng phối hợp thì nạn khan hiếm vé tàu xe về quê đón tết sẽ giảm được hơn một nửa. Mùa xuân càng ý nghĩa bởi có thêm nhiều niềm vui đoàn tụ. Đó không chỉ là tình cảm mà còn là đạo lý và văn hóa của người Việt.
Bình luận (0)