Những ngày gần đây, sau vài trận mưa đầu mùa, tình trạng đường ngập nước do mưa lớn tái diễn trên địa bàn TP.HCM. Những điểm ngập "quen thuộc" gồm đường Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp), Quốc Hương, Tô Ngọc Vân (TP.Thủ Đức), Hồ Học Lãm, An Dương Vương (Q.Bình Tân)… Cùng với đó là hàng chục tuyến đường, ngõ hẻm nhỏ trong TP luôn chìm trong nước mỗi khi mưa.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong 2 năm 2021, 2022 TP.HCM đã giải quyết được 5/18 tuyến đường bị ngập do mưa (Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát - Q.Tân Bình, Nguyễn Hữu Cảnh - Q.Bình Thạnh). Việc giải quyết ngập 13 tuyến đường còn lại, năm 2023 TP.HCM hoàn thành công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với công trình "Cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng (khu dân cư Thảo Điền); bổ sung danh mục vào trung hạn 2021 - 2025 và vốn 2023 đối với công trình "Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp"; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và bổ sung vào danh mục trung hạn 2021 - 2025, giao vốn 2023 cho 7 công trình còn lại...
Ám ảnh đi qua vùng ngập
Đã quen với cảnh phố phường TP.HCM ngập nặng sau mưa lớn, nhưng nhiều bạn đọc (BĐ) cho biết vẫn bị ám ảnh mỗi khi vào mùa mưa. BĐ Tuyen chia sẻ tâm trạng khi đi vào vùng ngập nặng sau cơn mưa lớn ở Q.Bình Tân: "Chiều 29.6, đường An Dương Vương và đường số 7 ngập sâu và ngập dài, tôi đi trong đấy mà đứng tim mấy lần. Thật khổ và muốn rụng tim mỗi khi qua vùng nước ngập".
Cùng cảnh ngộ ở khu vực này, BĐ orisan220320 chọn cách ngồi chờ nước rút: "Hôm qua, đường số 7 ở Q.Bình Tân ngập quá nặng. Tôi phải ngồi gần 1 giờ đồng hồ chờ nước xuống mới dám đi qua đoạn ngập đó, để không phải mang xe đi sửa vào hôm sau".
Theo nhiều BĐ, hiện trạng ngập nước đã được nhận diện, ai cũng biết, vấn đề cần thiết là phải tìm cách giải quyết. BĐ D Lawyer nêu ý kiến: "Không thể đổ thừa cho thiên nhiên, thiên tai. Chúng ta cần có biện pháp để khắc phục hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài tình trạng ngập". "Ngập nước là chuyện nhức nhối biết bao năm qua chưa tìm ra được giải pháp, hoặc đã có nhưng cũng chưa hiệu quả. Hy vọng sắp tới sẽ có những ý tưởng, giải pháp, mà có thể bước đầu thể hiện được hiệu quả để chúng ta có một TP không ngập vào những ngày mưa", BĐ NK69 cùng quan điểm.
Cần sự chung tay của nhiều phía
Theo BĐ, để TP không còn ngập nặng sau mưa, cần sự góp sức của nhiều người, cộng lực của nhiều yếu tố. BĐ Tung Nguyen đưa ra góc nhìn từ tác nhân góp phần gây ngập: "Người dân xả rác bừa bãi gây nghẹt cống là yếu tố đầu tiên gây ngập ngày càng nặng. Muốn cải thiện tình trạng ngập thì mỗi người dân phải có ý thức không xả thải bừa bãi trước đã".
BĐ Khiem Thi đồng tình với nhận định này: "Với tình hình ngập hiện nay, TP cần rà soát kiểm tra các hệ thống thoát nước như đường ống cống, hố ga có còn phù hợp và truyền tải công suất thoát tối đa lượng nước hay không. Đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về việc giữ gìn vệ sinh, nhất là chuyện xử lý rác thải, để tránh tình trạng hệ thống sông ngòi, kênh rạch bị tắc nghẽn một phần do rác".
Bên cạnh đó, BĐ cho rằng chính quyền, cơ quan chuyên môn đóng vai trò quyết định trong câu chuyện khắc phục căn cơ tình trạng ngập. BĐ Luong Ly khẳng định: "Theo tôi, ý thức về giữ gìn môi trường, thoát nước từ phía người dân mới chỉ là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là hành động tổng thể, quyết liệt của chính quyền các cấp. Người dân sẵn sàng ủng hộ, góp sức trong các chương trình chống ngập vì cuộc sống của chính mình".
"TP đã có các dự án chống ngập, cải tạo hệ thống thoát nước, điều người dân cần lúc này là tiến hành, hoàn thành sớm, để không kịp phục vụ cho mùa mưa này thì cho mùa mưa sau. Đừng để công trình thoát nước dở dang hoặc xử lý hết ngập chỗ này thì nước tràn qua chỗ khác", BĐ Waterland kiến nghị.
Bình luận (0)