Chúng tôi cùng nhau thắng Covid-19: Ấm tình đồng nghiệp

31/12/2021 07:00 GMT+7

Đó là những chuỗi ngày báo phải tổ chức lại sản xuất, chuyển sang làm việc trực tuyến, từ mô hình tòa soạn dã chiến ở địa điểm khác phòng khi tòa soạn chính bị phong tỏa chống dịch cho đến chuyển hoàn toàn sang làm việc trên tòa soạn ảo…

Từ tháng 7.2021 đến nay, gần 80 phóng viên, nhân viên của Báo Thanh Niên bị nhiễm Covid-19, trong đó có tôi. Bên cạnh thuốc thang điều trị, chúng tôi còn nhận được những liều “vắc xin tinh thần” từ sự quan tâm tận tình tận nghĩa của cơ quan, đồng nghiệp.

Giữa cơn nguy khốn

Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát căng thẳng tại TP.HCM, sau 2 ngày tiêm mũi 1 vắc xin ngừa Covid-19, tôi đăng ký làm tình nguyện viên tại Bệnh viện (BV) dã chiến số 12, TP.HCM suốt một tháng từ ngày 24.7 - 23.8.2021. Tại đó, tôi tham gia Đội hậu cần, Đội vệ sinh rác thải, vừa tranh thủ thực hiện tin bài, clip thời sự đăng tải ngay thời điểm đó về những nỗ lực, hy sinh thầm lặng của đội ngũ tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Hoàn tất thời gian tình nguyện, tôi trở về cách ly tại nhà, đồng thời viết tiếp loạt bài 30 ngày trong bệnh viện dã chiến thì bất ngờ phát hiện mình bị nhiễm Covid-19. Chồng tôi cũng bị nhiễm bệnh và trở nặng, may được đưa đi cấp cứu và điều trị kịp thời tại BV Trưng Vương TP.HCM.

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM thăm, tặng quà phóng viên, nhân viên Báo Thanh Niên mắc Covid-19 đã hồi phục

Khả Hòa

Người đầu tiên tôi báo tin mình bị nhiễm Covid-19 là anh Lâm Hiếu Dũng, Ủy viên Ban Biên tập, Chủ tịch Công đoàn, Tổng thư ký tòa soạn báo in, kiêm phụ trách Tổ phóng sự - ký sự (nơi tôi làm phóng viên). Nhiều hôm tôi “nói giảm” bệnh tình và hoàn cảnh của mình những khi anh Hiếu Dũng và anh Đức Trung (Ủy viên Ban Biên tập, Phó tổng thư ký tòa soạn báo in, Phó chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo Thanh Niên) hỏi thăm động viên, vì lo ngại… các anh không cho tôi viết tiếp loạt bài trên bởi vấn đề sức khỏe. Vừa điều trị tại nhà, vừa chăm con nhỏ 5 tuổi trong lúc chồng đang điều trị ở BV, nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, tôi đã vượt qua các khó khăn để hoàn thành chuyên đề về BV dã chiến, tổng cộng 12 kỳ.

Lúc mới hay tin tôi nhiễm Covid-19, bạn đồng nghiệp Duy Tính (chuyên trách mảng y tế của Báo Thanh Niên, anh đã tận tình kết nối giúp tôi được làm tình nguyện viên trong BV dã chiến số 12), tìm đường chạy đến nhà tặng chúng tôi thiết bị đo nồng độ ô xy bão hòa trong máu (SpO2). Mà không chỉ riêng tôi, anh Duy Tính còn tặng nhiều máy SpO2 cho đồng nghiệp là F0, tư vấn và gửi một số bệnh nhân vào BV điều trị…

Thời gian gia đình tôi ngã bệnh, các anh chị trong Ban Biên tập, Liên chi hội Nhà báo, Công đoàn, Phòng Hành chính quản trị của báo, bạn bè, đồng nghiệp… thường xuyên động viên và hỗ trợ khẩn cấp cho chúng tôi. Các anh chị đồng nghiệp cùng cơ quan như Quế Hà (ở Bình Thuận), Vũ Thơ, Thu Hằng, Tuệ Nguyễn, Phan Hậu (ở Hà Nội), Minh Thùy, Anh Thư (ở TP.HCM)… còn gửi quà, giúp đỡ thuốc men liên tục.

Tôi nhớ trưa 13.9, tình trạng giãn cách xã hội vẫn diễn ra nghiêm ngặt tại TP.HCM, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn (khi đó là Phó tổng biên tập phụ trách, nay là Tổng biên tập Báo Thanh Niên) gọi điện nói: “Vợ chồng anh có ít quà và tí tỏi Lý Sơn ngoài quê gửi vô, tặng cho em. Anh ở tòa soạn về, chạy gần tới ngã tư Bảy Hiền rồi. Nhà em đoạn nào?”. Tôi thực lòng trình bày nhà tôi trong hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, khu vực tôi ở lúc đó là vùng đỏ, địa phương treo bảng “Gia đình đang có người thực hiện cách ly y tế tại nhà” mà nhiều hộ chung quanh cũng vậy… Tôi nghĩ món quà trên có thể sẽ được shipper chuyển đến sau này. Nhưng chưa đầy 20 phút, anh Toàn gọi điện bảo: “Anh để thùng quà trước cửa nhà em rồi nhé”. Tôi thấy sếp đứng cách chừng 2 m, dặn dò: “Thôi em cố gắng lên! Khỏe nha!...”. Thật cảm kích!

Ân tình Thanh Niên

Ngày 25.8, một nữ đồng nghiệp của chúng tôi ở Q.8, TP.HCM đăng trên Facebook: “Ấm áp tình Thanh Niên! Xin cảm ơn anh Mẫn và Đình Phú đã hỗ trợ” kèm tấm ảnh anh Đình Phú (Phó trưởng ban Chính trị - Xã hội Báo Thanh Niên) đến thăm. Trước đấy, một nam đồng nghiệp ở Q.Tân Bình cũng đăng ảnh anh Phú đến nhà cùng lời tri ân.

Anh Đình Phú đến nhà đồng nghiệp là F0 tặng quà và thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19

Thụy Miên

Từ đó, nhiều người mới hay trong cao điểm dịch giã căng thẳng, anh Đình Phú âm thầm đến tận nơi giúp những đồng nghiệp là F0!

Khi được “phỏng vấn”, anh chàng gốc Huế này thoái thác: “Tính mình nghĩ gì thì làm nấy thôi. Bây giờ kể ra ốt dột (mắc cỡ) lắm!”. Chúng tôi gặng mãi, anh Phú cho biết: Bối cảnh hồi đó nhiều người không ra đường được, độ bao phủ vắc xin còn thấp, những đồng nghiệp nhiễm bệnh và người nhà của anh chị em khá lo lắng...

Thời điểm ấy, anh Phú là một trong những người ở Báo Thanh Niên trực tiếp tham gia tuyến đầu trên mặt trận thông tin phòng chống dịch bệnh. Nhờ vậy, anh nắm được thông tin về dịch bệnh và các khuyến cáo an toàn dịch tễ của Bộ Y tế, cũng như có giấy đi đường để kết hợp việc đi làm với tranh thủ chạy đến hỗ trợ đồng nghiệp là F0.

Không ít trường hợp, anh Phú đến 2 - 3 lần để hỗ trợ. Nhiều đoạn đường bị chăng dây nên đôi khi anh phải di chuyển hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi (thay vì bình thường chỉ mất khoảng 30 - 45 phút). Gần 20 đồng nghiệp (kể cả cộng tác viên) cùng nhiều người thân của họ bị nhiễm bệnh đã được anh Phú san sẻ thuốc hạ sốt, thực phẩm chức năng, chanh, sả, gừng, khẩu trang…, với tinh thần có gì gửi tặng nấy.

Trong những tháng ngày dịch giã khốc liệt ấy, chị Phan Minh Anh Thư (chuyên viên Phòng Quảng cáo) và chồng chị đã nhiệt tình gửi tặng thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị Covid-19 cho khoảng 20 đồng nghiệp của Báo Thanh Niên và 250 người bên ngoài bị nhiễm bệnh. Chị Thư bày tỏ: “Ai dính Covid-19 trong giai đoạn đó là cứ tưởng án tử tới nơi. Vì vậy, mình thấy lo và tâm nguyện bằng mọi giá phải giúp được cho người ta, kể cả những đồng nghiệp mình chưa từng biết mặt”.

Cùng thời gian trên, nhiều hôm đang trực xử lý tin bài, nhà báo Thanh Tùng (Ban Chính trị - Xã hội Báo Thanh Niên) nhận dồn dập các cuộc gọi từ đồng nghiệp, người quen nhờ tư vấn, gửi bệnh, chuyển viện… trong bối cảnh hệ thống y tế quá tải. Trong đó, gia đình nữ đồng nghiệp K.L (với 7 người cùng lúc mắc Covid-19) rất lo lắng vì không liên lạc được với địa phương để nhờ can thiệp cho người mẹ trên 80 tuổi bị suy hô hấp, khó thở. Trước tình thế đó, anh Tùng phải gọi nhờ cậy khắp nơi để cử y tế phường xuống giải quyết kịp thời...

Giúp nhau mùa dịch

Đầu tháng 8.2021, Quỹ Giúp nhau mùa dịch của Liên chi hội Nhà báo Báo Thanh Niên ra đời, để hỗ trợ cho các F0 là phóng viên, nhân viên của báo. Đến nay, Quỹ đã hỗ trợ cho gần 80 trường hợp F0, với tổng số tiền khoảng 170 triệu đồng (mức hỗ trợ phổ biến là 2 triệu đồng/trường hợp). Được biết, người đề xuất lập quỹ này và xung phong đóng góp đầu tiên (2 triệu đồng) là anh Võ Ba (Trưởng ban Thanh niên - Giáo dục).

“Rất biết ơn…”

Chị Nguyễn Thị Hoàng Trang - vợ anh Diệp Đức Minh (phóng viên ảnh Báo Thanh Niên đã nghỉ hưu, qua đời vì Covid-19 vào đầu tháng 9.2021), bộc bạch: “Thực sự em rất biết ơn, trân trọng tấm lòng các anh chị Báo Thanh Niên đối với gia đình em thời gian qua. Trong lúc anh Minh nằm viện và em ở khu cách ly, rất nhiều anh chị của báo quan tâm, động viên và gửi phần hỗ trợ chi phí cho vợ chồng em. Sau khi anh Minh mất, anh Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, đã đến chia buồn, thăm hỏi và hỗ trợ cho hai đứa con của em. Nhờ chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên và những nhà bảo trợ, hai bé được tặng học bổng hằng năm và được bảo trợ cho tới 18 tuổi…”.

F0 đời đầu với 1 mũi vắc xin

Giữa tháng 8.2021, thời điểm TP.HCM tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, sau một đêm sốt cao, đau họng bất thường, tôi tự test nhanh và phát hiện mình dương tính Covid-19.

Vào thời điểm ấy, tôi mới chỉ có một mũi vắc xin, y tế tại TP.HCM thì đang quá tải, các ca nhiễm và ca tử vong mỗi ngày một tăng, thật sự cầm kít test lên 2 vạch tôi đã hoang mang, nghĩ đến cái chết (giờ thì mới thấy mình hơi quá!).

Tôi cũng cố gắng truy vết xem nguồn lây nhiễm Covid-19 của mình từ đâu, nhưng vô vọng, chỉ biết thông báo cho những F1 của mình về sự cố trên.

Tôi sống nhờ nhà của một người chị thân quen, chị mới tiêm vắc xin được mấy hôm và không may cũng nhiễm Covid-19 từ tôi nên “triệu chứng chồng triệu chứng”. Dẫu vậy, chị vẫn khuyên tôi bình tĩnh, lạc quan để đối mặt.

Những ngày đầu, tôi nghẹt mũi, đau họng. Ngày thứ 3 kể từ khi test dương tính, tôi mất hết khứu giác, vị giác. Ngày thứ 5, SpO2 (độ bão hòa ô xy trong máu) của tôi giảm còn 92%, cảm nhận được nhịp thở ngày một nặng nhọc và hiểu là mình có dấu hiệu chuyển nặng. Nhớ lời vị bác sĩ tư vấn trực tuyến dặn dò, tôi uống thuốc và chuẩn bị tâm lý đi cấp cứu, thở ô xy. Tôi cũng cố gắng theo dõi cơ thể, nhịp thở, tập các bài tập thở, vận động nhẹ... Rất may mắn, sau đó vài tiếng, tôi lấy lại được SpO2 và cải thiện, hồi phục dần từ những ngày sau đó.

Sức khỏe chị tôi cũng tốt lên, các F1 của tôi không ai thành F0. Chúng tôi có thể thở phào nhẹ nhõm rằng mọi chuyện đã ổn.

Là một trong những F0 đầu tiên của cơ quan Báo Thanh Niên, lại ngay lúc cao điểm của dịch bệnh, nhưng lúc đó không ai lo ngại gì hết. Đồng nghiệp luôn luôn ân cần, luôn chật vật xoay xở nào lương thực, thực phẩm, nào là khẩu trang, nước muối, cồn, thuốc men... tiếp tế cho tôi và cả chị tôi.

Ngày thứ 14, tôi test nhanh lại thì cho kết quả âm tính. Lúc này điều đầu tiên nghĩ đến là mình lại được ra đường tác nghiệp an toàn hơn rồi!

Phóng viên Phạm Thu Ngân (Ban Chính trị - Xã hội)

Cách ly thì làm việc trực tuyến

Ngay từ khi TP.HCM bước vào giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 đầy căng thẳng, khó khăn từ tháng 5, cả Ban Kinh tế đã bắt đầu làm việc qua mạng nhiều hơn nhưng vẫn phải thường xuyên “lao” ra thị trường để nắm thông tin, tìm hiểu các hoạt động cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm trên địa bàn TP. Dù rất lo vì nhiều hôm cũng phải xếp hàng với dòng người đứng chờ cả giờ trước các siêu thị để có thể vào phía trong ghi nhận tình hình hàng hóa có đủ cung cấp hay không? Hay trong khi người dân bị hạn chế ra khỏi nhà thì phóng viên cũng phải ra đường để thông tin về những cửa hàng nào đang có bán thực phẩm, nơi nào tạm thời đóng cửa. Bên cạnh đó, phải phản ánh câu chuyện thực tế doanh nghiệp buộc phải sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” với muôn vàn khó khăn, lúng túng... Và rồi đến cuối tháng 8 - khi TP.HCM vẫn còn đang trong giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt để phòng dịch - thì tôi phát hiện mình đã trở thành F0. Lo lắng nhưng vẫn bình tĩnh vì tôi đã được tiêm vắc xin mũi 2 trước đó khoảng 10 ngày. Thực hiện cách ly trong phòng ngay tại nhà thì hằng ngày vẫn làm việc, từ viết tin bài cho chuyên trang kinh tế trên báo điện tử cho đến báo giấy. Phần ra hiện trường bạn khác lo, còn những đầu mối cung cấp thông tin liên quan đến các lĩnh vực phụ trách đều đã trao đổi thường xuyên trước đó nên khi ngồi yên tại chỗ vẫn có thể phỏng vấn qua điện thoại, bằng email, hoàn thành nhanh nhất những tin bài đăng ký hoặc do ban chuyên môn, tòa soạn phân công.

Những ngày bị bệnh, người uể oải, mất mùi, mất vị thì vẫn phải ăn uống đúng bữa để có sức khỏe. Hết mệt thì lại viết tin, bài vì chính việc này mang lại niềm vui, động lực lớn hơn để cố gắng chiến đấu với vi rút... Cứ thế, tôi đã vượt qua cơn dịch Covid-19 và công việc vẫn đảm bảo với sự chia sẻ, động viên thường xuyên từ các anh chị em đồng nghiệp trong phòng và cơ quan.

Nhà báo Mai Phương (Ban Kinh tế)

Vừa điều trị vừa làm việc và làm tình nguyện

Một tuần sau khi đi trao quà tiếp sức cho tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch, tôi chính thức trở thành F0 và bước vào cuộc đấu với Covid-19. Do có nhiều triệu chứng và tải lượng vi rút cao, tôi được chuyển tới BV dã chiến số 13 tại H.Bình Chánh, nơi đang thu dung điều trị tập trung cho hơn ngàn ca bệnh. Những ngày đầu, cảm giác mệt mỏi, mất khứu giác, vị giác làm tôi không thể ăn uống và mất ngủ triền miên. Với sự quan tâm, động viên thường xuyên của người thân, cơ quan và đồng nghiệp, tôi sớm lấy lại sự tự tin và chọn cách không nằm lì trên giường, mỗi ngày đều ra ngoài đi lại, tập thở theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tôi vẫn tham gia các cuộc họp trực tuyến với cơ quan lẫn đoàn cấp trên, đồng thời sát cánh cùng các phóng viên tại Ban Quốc tế để hoàn thành tốt công việc chuyên môn. Nhờ sự lạc quan và nỗ lực, sau khoảng 2 tuần, tôi có kết quả âm tính và được về nhà.

Dù trong khu cách ly hay lúc về nhà, tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các đồng đội tại Đoàn cơ sở Báo Thanh Niên để tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ mùa dịch: trao nhu yếu phẩm cho người già neo đơn, trẻ bị bỏ rơi tại 11 mái ấm ở các quận huyện của TP.HCM, 2 mái ấm tại Tây Ninh và Long An, trao 10.000 túi quà là sữa, cháo tặng các y bác sĩ tại 9 BV điều trị Covid-19 tại TP.HCM, trao 300 phần quà cho lao động phụ hồ khó khăn, 1.200 phần quà nhu yếu phẩm hỗ trợ sinh viên khó khăn bị kẹt lại ở TP.HCM...

Nhà báo Ngọc Mai (Phó trưởng ban Quốc tế, Bí thư Đoàn cơ sở Báo Thanh Niên)

Sẵn sàng cho tình huống xấu nhất

Một trong những ca dương tính đầu tiên của Báo Thanh Niên là nhân viên lái xe của nhà in qua đời vào lúc 17 giờ ngày 15.8 tại BV Nguyễn Tri Phương, khi anh mới 51 tuổi do chuyển biến nặng, tràn dịch màng phổi dẫn đến tử vong đã trở thành nỗi uy hiếp đối với tinh thần đội ngũ cán bộ - công nhân viên của báo. Tin xấu tiếp ngay sau đó là anh Diệp Đức Minh - nguyên phóng viên ảnh đã nghỉ hưu - sau thời gian điều trị tại BV FV và BV dã chiến số 16 đã ra đi trong nỗi tiếc nuối của gia đình. Cả hai ca và những ca tử vong của người thân cán bộ phóng viên ở báo là những cú sốc làm bàng hoàng cả tòa soạn.

Các ca tử vong này, Ban Chấp hành Công đoàn cũng đã huy động hỗ trợ cho người thân, vợ con của người quá cố từ chuyện thu xếp hậu sự, lo cho người ở lại...

Đó là những chuỗi ngày báo phải tổ chức lại sản xuất, chuyển sang làm việc trực tuyến, từ mô hình tòa soạn dã chiến ở địa điểm khác phòng khi tòa soạn chính bị phong tỏa chống dịch cho đến chuyển hoàn toàn sang làm việc trên tòa soạn ảo để biên tập, trình bày báo in… Sau mỗi ca F0, hàng loạt công tác được đề ra như khoanh vùng xác định các ca F1 để có biện pháp xử lý triệt để; liên lạc các trung tâm y tế địa phương báo cáo tình hình; lập danh sách nhân viên liên quan yếu tố dịch tễ và liên hệ trước với các BV, phòng khám để xét nghiệm PCR khẳng định lại kết quả. Sau đó nhờ Trung tâm ứng dụng công nghệ Thanh Niên ứng cứu xịt khuẩn toàn bộ tòa soạn để khử khuẩn và cũng là biện pháp trấn an tinh thần cán bộ - công nhân viên.

Văn phòng báo cũng chuẩn bị sẵn các túi thuốc để điều trị Covid-19 (túi A và túi B), cùng các máy thở ô xy do các đơn vị tài trợ cho báo sẵn sàng chuyển đến nơi cần để bước đầu cầm cự tiếp tục điều trị tại nhà trước khi có can thiệp y tế. Không chỉ là nhân viên của báo, đối tượng càng được mở rộng hơn khi người nhà là cha mẹ của nhân viên không may nhiễm bệnh, báo cũng hỗ trợ máy thở để gia đình vượt qua.

Anh Vương Quan Khải, Trưởng phòng Hành chính quản trị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.