Cuộc trò chuyện của chúng tôi năm nay diễn ra ngay sau lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (công ty con của Tân Long) với Muyuan, tập đoàn chăn nuôi - thực phẩm hàng đầu thế giới đến từ Trung Quốc. Tất nhiên chủ đề vẫn không ngoại lệ, ông Bá mở đầu bằng thông báo nâng mục tiêu mở rộng quy mô đàn heo lên 10 triệu con vào năm 2030, thay vì "đích" 6 triệu con như kế hoạch năm ngoái.
Năm ngoái, BAF công bố đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng vào hệ thống gần 30 trang trại xanh, thông minh. Năm nay Tân Long tiếp tục hợp tác với Muyuan để chuyển giao thiết bị công nghệ chăn nuôi, trang trại của BaF còn có thể sạch và thông minh đến mức nào nữa, thưa ông?
So với họ, mình mới chỉ ở mức "mầm non" thôi. Muyuan có hơn 30 năm kinh nghiệm phát triển theo mô hình chăn nuôi khép kín 3F (từ trang trại đến bàn ăn). Từ trang trại 22 con, nay họ đã trở thành tập đoàn cung cấp thịt cho 10% thế giới, mỗi năm bán hơn 60 triệu con heo. Một trong những bí kíp giúp họ phát triển nhanh, mạnh chính là áp dụng công nghệ để đảm bảo tối đa sức khỏe của đàn heo.
Ví dụ hiện nay trong chuồng có 1 con heo "hắt hơi sổ mũi" thì chúng ta cần một bác sĩ thú y tới thăm khám. Việc này vừa tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, vừa đòi hỏi nhân lực đông và với các đàn quy mô lớn thì rất khó để kiểm soát. Cô có biết họ xử lý vấn đề này thế nào không? Chuồng heo của Muyuan lắp dàn thiết bị cảm ứng, chỉ cần 1 con heo có tiếng ho khác lạ thôi là hệ thống lập tức ghi nhận, báo về cổng thông tin trung tâm và bác sĩ có thể chẩn đoán tình hình sức khỏe của con heo ngay mà không cần tiếp xúc trực tiếp với đàn.
Hay không khí, họ nghiên cứu ra 4 lớp lọc. Lọc thô thì chuột bọ không chui vào được; lọc tinh thì từ bụi to tới bụi mịn có kích thước ngang với vi khuẩn cũng bị chặn lại. Rồi cả thiết kế cho không khí đi vào theo từng lỗ thông hơi xuống từng ngăn chuồng, không theo cách truyền thống là đi theo 1 dãy từ đầu đến cuối như chúng ta. Việc này không chỉ giảm nguy cơ lây nhiễm chéo của cả đàn trong trường hợp dịch bệnh, mà còn phân phối ổn định nguồn không khí phù hợp với con heo trong mọi thời điểm.
Đặc biệt, bộ lọc không khí khi con heo thở sẽ dẫn khí đi đường riêng lên nóc chuồng, nơi có quạt hút tổng và khử mùi luôn trước khi lượng khí này ra ngoài môi trường. Có nghĩa là mọi mùi hôi ở trong trại được khử sạch. Đến mức bọn tôi đứng chỉ cách trại heo của họ 10 m mà hoàn toàn không nhận thấy có mùi gì. Đó chỉ là vài ví dụ, còn công nghệ đếm heo tự động, cân tự động giúp tối ưu quản trị, tiết kiệm quỹ đất trong phát triển chăn nuôi… rất nhiều.
Nghề nuôi heo thôi mà xem ra cũng nhiều công phu quá…
Đúng thế, đã qua rồi cái thời nuôi heo kiểu hộ gia đình, chuồng trại tự phát. Câu chuyện dịch tả heo châu Phi từ năm 2019 đã tạo ra áp lực bắt buộc các doanh nghiệp (DN) phải thay đổi, đầu tư chăn nuôi bài bản, chủ động nguồn giống, nguồn thức ăn và đầu tư trang trại hiện đại... Hơn hết, như tôi vừa nói, xu hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đang đặt ra những điều kiện rất khắt khe với các DN nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi.
Tính ưu việt của công nghệ không chỉ giúp đàn heo mạnh hơn, khỏe hơn, phát triển nhanh hơn mà còn giúp hạn chế tới mức thấp nhất phát thải ra môi trường, trung hòa lượng carbon. Thực tế, không phải tới bây giờ BAF mới tính đến chăn nuôi khép kín, tuần hoàn. Từ năm ngoái, 100% các trang trại của chúng tôi đã được đầu tư thiết bị xử lý xác heo theo công nghệ Hàn Quốc. Theo đó, tất cả các phế phẩm sau chăn nuôi được đốt bằng điện sạch tuyệt đối, sau 8 tiếng cho ra dạng xỉ giống như tro có hàm lượng urea rất cao. Tro xỉ này đưa ngược trở lại làm phân bón...; không thải ra môi trường bất cứ cái gì.
Thực ra mô hình chăn nuôi khép kín, kinh tế tuần hoàn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, được nói đến rất nhiều trong mấy năm nay. Song cũng có một thực tế là không phải DN nào cũng có đủ tài lực để đầu tư, chuyển đổi, thưa ông?
Đúng là chi phí này có thể nặng gánh hơn cho nhà đầu tư giai đoạn đầu, nhưng đổi lại tiết kiệm được rất nhiều thứ. Nhờ vậy, khấu hao và thời gian hoàn vốn sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn mô hình cũ. Chưa kể đầu tư trang trại hiện đại như tôi vừa nói sẽ giúp kiểm soát được dịch bệnh, tránh được thiệt hại và giúp hoạt động kinh doanh tốt hơn. Đơn cử như giai đoạn vừa qua, BAF làm rất tốt công tác chuồng trại và an toàn sinh học nên bảo vệ được đàn heo của mình. Trong khi các đơn vị khác có thể mất 50 - 70% tổng đàn do dịch thì BAF chỉ mất dưới 5%. Cô biết đấy, tỷ lệ margin trong ngành này dao động từ 15 - 30% nên nếu mất đàn tới 10% là lỗ nặng rồi. Năm nay ngành chăn nuôi của chúng tôi đạt kết quả kinh doanh khả quan cũng nhờ đầu tư mô hình chăn nuôi khép kín. Rõ ràng, chi phí bỏ ra ban đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Heo BaF có công thức dinh dưỡng riêng, ăn chay, nay lại còn được ở trong môi trường sạch tuyệt đối như vậy, ông có tính hoàn thiện nốt phần "tập thể dục" cho chúng để có một đàn heo chuẩn "healthy" không?
Chính xác, chúng tôi chỉ còn thiếu một điểm nữa thôi là chăn nuôi cận tự nhiên, con heo được vận động thoải mái không lệ thuộc trong chuồng. BAF cũng rất muốn hướng tới điều đó để có chất lượng thịt heo tốt nhất, nhưng Việt Nam hiện nay đang nuôi nhốt theo mô hình chăn nuôi công nghiệp, lại vướng dịch bệnh nên không thể chuyển mô hình ngay được. Song, năm ngoái khi Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đầu tư vào BAF, họ cũng có một điều kiện là trong tương lai BAF sẽ thử nghiệm một mô hình chăn nuôi theo môi trường bán tự nhiên, nuôi thả trong một khuôn khổ nhất định. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương thức, áp dụng công nghệ để hướng tới điều này.
Năm 2024 tiếp tục là năm rực rỡ của ngành lúa gạo Việt Nam. Tân Long cũng không ngoại lệ, được biết xuất khẩu gạo của tập đoàn cũng lập kỷ lục cả về giá và lượng. Có vẻ như nông nghiệp đang chứng minh "đường dài mới biết ngựa hay", thay vì luôn đối mặt với rủi ro như trước?
Đúng là có thuận lợi hơn. Lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã đẩy giá gạo thế giới tăng từ 50 - 80%, thậm chí gấp đôi, trong khi chi phí đầu vào như phân bón, sức lao động, tư liệu sản xuất… vẫn vậy khiến cho những nước xuất khẩu gạo nói chung đều hưởng lợi. Nhưng điều đáng mừng nhất với tôi trong câu chuyện này là người nông dân, những người trực tiếp sản xuất ra lúa gạo, hưởng lợi nhiều nhất. Tôi nghĩ đó là thành quả xứng đáng với họ. Còn các DN kinh doanh, ở điều kiện nào thì cũng chỉ giữ mức lợi nhuận như vậy thôi.
Riêng với Tân Long, thắng lợi lớn nhất của chúng tôi là xuất khẩu vào thị trường Nhật tăng rất mạnh. Cô biết đấy, Nhật Bản đang đối diện tình trạng thiếu nguồn cung gạo nghiêm trọng nhất trong 30 năm trở lại đây. Kệ gạo trong các siêu thị, cửa hàng ở nước này luôn trong tình trạng trống trơn, giá gạo tăng mạnh. Chúng tôi đã và đang góp phần lấp các khoảng trống trên quầy, kệ của họ. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã đưa khoảng 5.000 tấn gạo qua Nhật Bản. Đây là điều chưa đơn vị nào làm được trong lịch sử ngành lúa gạo VN. Với những hợp đồng đang ký giao hàng từ nay đến cuối năm, dự kiến sản lượng xuất đi sẽ lên hơn 6.000 tấn và những đơn chuẩn bị cho năm 2025 là hơn 10.000 tấn.
Tôi nhớ ông từng nói, mục đích lớn nhất khi đưa gạo Việt lên quầy kệ của Nhật là giới thiệu thương hiệu gạo Việt cao cấp đến với thị trường khó tính nhất. Từ đó, xây dựng hình ảnh cho ngành lúa gạo Việt Nam. Nhưng con số kỷ lục 5.000 tấn gạo xuất sang Nhật Bản năm 2024 cho thấy Tân Long đang được cả chất lẫn lượng?
Thời điểm chúng ta nói câu chuyện này, Tân Long mới xuất được 100 tấn gạo, tương đương 5 container qua Nhật. Con số đó quá nhỏ bé để xác định mục tiêu lâu dài nên thú thực, chúng tôi chỉ dừng lại ở niềm tự hào rằng Tân Long là đơn vị đầu tiên đưa được gạo Việt sang Nhật Bản và để các đơn vị nhập khẩu gạo biết tới có cái tên gạo A An. Thế nhưng với sản lượng xuất khẩu mạnh như năm nay, chúng tôi càng tự tin hơn trên con đường mình đã chọn, đã kiên trì theo đuổi.
Vài năm trở về đây, ngành lúa gạo Việt Nam đã có bước tiến dài về chất lượng, uy tín trên thế giới. Nhưng nhìn vào cơ cấu xuất khẩu, các thị trường truyền thống vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối, trong khi dư địa để tăng sản lượng không phải là vô tận, nếu không muốn nói là đã chạm nóc. Ông có thể lý giải tại sao chúng ta vẫn chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu được ở các thị trường khó tính để tăng giá trị thay vì chạy theo sản lượng mãi như vậy?
Vấn đề lớn nhất của DN Việt Nam là vẫn còn tư duy "ăn xổi", chộp giật, không làm bài bản. Với các thị trường khó tính mà đặc biệt là Nhật Bản, không thể một sớm một chiều mà đạt tiêu chuẩn của họ được. Anh phải đi từng bước rất nhỏ, phải xây dựng được uy tín thông qua chất lượng sản phẩm. Ngay cả lúc này Nhật Bản đang thiếu gạo nhưng đừng mong họ hạ tiêu chuẩn, đừng nghĩ họ sẽ tới "chọn đại" DN nào cũng được. Họ chỉ tin những DN đã có uy tín, đã chứng minh được tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đã xây dựng được thương hiệu thành công. Đây là bài toán rất khó đối với nhiều DN sản xuất gạo của Việt Nam.
Nhìn dài hơn, trong xu hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính thì nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch không còn là lựa chọn, mà đã đến lúc trở thành bắt buộc. Hiện Việt Nam vẫn chưa áp tiêu chuẩn, chỉ số, hạn mức phát thải cho ngành lúa gạo và chăn nuôi, nhưng tương lai chắc chắn sẽ có. Vì thế, nếu DN vẫn muốn ở lại đường đua thì phải tính từ bây giờ. Chúng ta không thể cứ mãi loanh quanh với tư duy "con buôn", làm hàng thấp cấp xuất đi Philippines hay châu Phi, bởi đến một lúc nào đó các nước này cũng không thể đứng ngoài xu thế chung của thị trường liên quan đến khí thải carbon. Nếu mình không xanh, không sạch thì mình xuất đi đâu?
Rõ ràng, muốn tận dụng tốt cơ hội thì các DN cũng như ngành nông nghiệp Việt Nam phải có sự thay đổi cho phù hợp với xu thế quốc tế. Đó là nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc, sản xuất sạch, xanh, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính… Đây là những điều kiện bắt buộc mà nếu không thay đổi thì những cơ hội cũng sẽ không còn giá trị.
Sản xuất gạo thuận lợi như vậy, trong khi chăn nuôi heo thì cạnh tranh gay gắt vì chỉ tập trung ở thị trường nội địa, nơi có những "ông lớn" ngoại đã cắm rễ từ rất sớm. Tại sao Tân Long không "tất tay" cho mảng gạo mà vẫn dồn lực đầu tư mạnh cho chăn nuôi?
Đúng là nếu thuần túy chỉ là kinh doanh kiếm tiền thì có lẽ Tân Long giờ cũng như bao DN nhỏ lẻ ngoài kia, cứ nuôi heo đơn giản kiếm lời, đến lúc nào thấy không lời nữa thì thôi, dừng. Hoặc làm lúa gạo thấy khó quá cũng buông, không làm nữa.
Nhưng sứ mệnh của Tân Long là trở thành công ty chăn nuôi lớn của Việt Nam, đủ sức đối trọng với các DN nước ngoài, để ngành chăn nuôi trong nước không bị lệ thuộc vào các DN ngoại. Đồng thời, mang sản phẩm thịt sạch, thịt ngon tới người tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh vấn nạn an toàn thực phẩm.
Khi mình đã xác định sứ mệnh, đã tự hứa với bản thân phải làm bằng được thì không thể chùn bước, không thể từ bỏ! Đó cũng là điểm tựa tinh thần, là sức mạnh để chúng tôi cố gắng và tự tin nhất định sẽ làm được.
Bình luận (0)