'Chúng tôi sẽ đồng hành để hồi sức doanh nghiệp'

24/09/2021 07:42 GMT+7

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh trước thềm cuộc đối thoại của UBND TP Đà Nẵng với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hôm nay (24.9), lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng sẽ có cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước để lắng nghe, ghi nhận ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
 Trước giờ diễn ra cuộc đối thoại, PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng.

Cuối tháng 9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh

Phóng viên: Ngày 5.9 vừa qua, TP. Đà Nẵng chính thức nới lỏng các hoạt động cho phép các hoạt động sản xuất trở lại,  nhìn lại thời gian áp dụng phương án “3 tại chỗ”, cho phép các DN hoạt động trong thời gian TP phong toả để chống dịch, ông đánh giá thế nào về kết quả đạt được ?
Ông Lê Trung Chinh: Ngày 30.7, UBND TP chính thức ban hành Chỉ thị 05 áp dụng biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, cao nhất từ trước đến nay trong khoảng thời gian từ ngày 16.8 – 5.9, thực hiện giãn cách xã hội gần như tuyệt đối. Trong quãng thời gian đó, TP khuyến khích DN thực hiện “3 tại chỗ”.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh

Ảnh: UBND TP 

Giải pháp này đòi hỏi hàng loạt điều kiện khắt khe, khiến nhiều DN gặp khó khăn, phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức ăn ở, sinh hoạt cho người lao động. Nhưng đứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhiều DN đã thống nhất thực hiện. Đến hôm nay, các DN đã được hoạt động với khoảng 70% số lao động, trường hợp đảm bảo điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” thì cho phép triển khai tối đa người làm việc.
Đây thật sự là một lựa chọn khó khăn nhưng cấp thiết để đạt mục tiêu kép, không để đứt gãy chuỗi sản xuất khi TP thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”. 
* Giữa tháng 8 vừa qua, HĐND TP đã thống nhất 2 kịch bản: thuận lợi và ít thuận lợi cùng mốc thời gian đánh giá là sự kiểm soát dịch bệnh Covid-19 vào hết quý 3. Đến nay, kịch bản được lựa chọn, thưa ông ?
- Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên hiện nay tình hình đang nghiêng về phía kịch bản ít thuận lợi hơn. Thực tế, sau hơn 1 tháng áp dụng biện pháp mạnh mẽ chống dịch, Đà Nẵng gần như “đứng yên”. Hầu hết các đơn vị, DN, cơ sở sản xuất phải tạm dừng hoạt động. Tất cả để tập trung cho công tác đưa các ca mắc Covid-19 ra khỏi cộng đồng. Việc này chắc chắn sẽ tạo ra những khó khăn nhất định trong đời sống sinh hoạt người dân, sẽ gây ra những tổn thất về kinh tế đối với DN.

Các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã gặp rất nhiều khó khăn khi từ đầu tháng 8 TP phải phong tỏa để chống dịch Covid-19

HOÀNG SƠN

Ngược lại về kết quả phòng, chống dịcf đến ngày 18.9, TP ghi nhận không có ca mắc mới nào. Đến ngày 21.9, tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 1 cho dân số trên 18 tuổi đã đạt khoảng 60%. Dự kiến đến cuối tháng 9, Đà Nẵng sẽ cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và từng bước mở cửa trở lại đối với các hoạt động kinh doanh, sản xuất, các hoạt động xã hội…
TP sẽ tiếp tục nỗ lực để tìm kiếm nguồn vắc xin để đảm bảo cho người dân bước vào giai đoạn mới vừa tập trung khôi phục kinh tế - xã hội vừa phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả.

Covid-19 sáng 24.9: Cả nước 728.435 ca nhiễm, 493.488 ca khỏi | Điểm nóng đang “hạ nhiệt”

Lắng nghe, đồng hành và tháo gỡ cùng doanh nghiệp

  
 Doanh nghiệp trong và ngoài nước rất trông đợi vào cuộc đối thoại với UBND TP hôm nay, ông có thể cho biết, mục đích của cuộc đối thoại này là gì?
-Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2021 đã được UBND TP chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị chuẩn bị, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 nhưng phải hoãn do dịch bệnh. Theo kế hoạch ban đầu đây là cuộc đối thoại giữa lãnh đạo TP và cộng đồng doanh nghiệp nhà đầu tư nhằm trao đổi các giải pháp, đề xuất để cải thiện môi trường đầu tư, quảng bá tiềm năng, lợi thế và cơ hội đầu tư của Đà Nẵng…
Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nhiều đơn vị đã phải ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, giảm quy mô sản xuất… Do đó, cuộc đối thoại này cũng là cơ hội để lãnh đạo TP tiếp nhận, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của DN trong thời gian qua. Qua đó, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của DN, kế hoạch phát triển trong thời gian hậu Covid-19. TP tiếp nhận những đề xuất, ý kiến để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN trong quá trình khôi phục hoạt động, sản xuất kinh doanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Chiến lược bao phủ vắc xin cho toàn dân đang được Đà Nẵng đẩy nhanh để sớm trở lại trạng thái bình thường mới

HOÀNG SƠN


 
Từ ngày 1.7 vừa qua, Nghị quyết số 119 của Quốc hội về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, Đà Nẵng sẽ vận dụng thế nào để “vượt bão” Covid-19?
 Việc đồng ý chủ trương cho Đà Nẵng được đề xuất và hưởng mức điều tiết ngân sách hợp lý (sau khi Chính phủ trình để Quốc hội phê duyệt) hàng năm và theo các thời kỳ ổn định ngân sách giúp TP có thêm nguồn lực chi cho đầu tư hạ tầng, trong đó có hạ tầng y tế và công tác chống dịch.

Đà Nẵng chủ trương chủ động ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khắn, phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp

HOÀNG SƠN

Thực hiện chính quyền đô thị cũng góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường đầu tư, huy động thêm và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển thông qua thực hiện các cơ chế, chính sách mới được phân cấp cho chính quyền TP. Đây được xem là một trong những đòn bẩy để TP có thể nhanh chóng vượt qua những khó khăn không mong muốn của dịch bệnh, đẩy mạnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
* Giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư của TP trong thời gian tới là gì khi đã nửa năm qua cộng đồng DN chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19?
- TP sẽ tiếp tục đánh giá, xác định các mức độ nguy cơ dịch bệnh để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp cùng với các giải pháp để mục hồi kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời cho DN, người dân… Chúng tôi cũng sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN trên địa bàn; chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực: giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, tài nguyên, môi trường giai đoạn 2020-2022; tiếp tục đổi mới, nâng cao hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với tình tình bình thường mới.
Đặc biệt, sẽ tiếp tục tăng cường công tác đối thoại và mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án…

Dự kiến trong vài ngày tới Đà Nẵng sẽ tiếp tục nới lỏng các hoạt động, qua đó mở rộng cửa hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kịnh doanh

HOÀNG SƠN

Chúng tôi hiểu giai đoạn hiện nay rất khó khăn với các DN của TP.Đà Nẵng. Do đó, bên cạnh những giải pháp, chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, thuế… từ T.Ư, chúng tôi luôn muốn nhận được những ý kiến đóng góp, đề xuất cụ thể đưa ra các giải pháp, chính sách phù hợp trong thẩm quyền quyết định của địa phương. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.