Hôm qua, sau một ngày xét xử và tranh luận căng thẳng, HĐXX thông báo phiên tòa sẽ tạm nghỉ và mở lại vào ngày 27.8 tới.
Ngày 21.8, TAND Q.10 (TP.HCM) xử sơ thẩm vụ án dân sự “tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng” giữa nguyên đơn là Công ty TNHH thương mại tổng hợp An Lạc (gọi tắt Công ty An Lạc) và bị đơn là Công ty TNHH MTV Marone (gọi tắt Công ty Marone).
Vụ kiện này phát sinh sau khi hệ thống siêu thị Auchan của Công ty Marone tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam. Từ đó, Công ty An Lạc cho rằng việc Công ty Marone đóng cửa siêu thị Auchan là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng nên khởi kiện yêu cầu công ty này trả một khoản tiền tương ứng thời hạn thuê còn lại theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng thuê.
Mục đích thuê phát triển siêu thị “Auchan”
Tại tòa, Công ty An Lạc trình bày, đầu năm 2016, xuất phát từ thư đề nghị của Công ty TNHH MTV Marc (viết tắt Công ty Marc) thuộc Tập đoàn Auchan đối với việc quan tâm và mong muốn thuê mặt bằng tại số 332 Lũy Bán Bích (P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM), sau đó là hợp đồng nguyên tắc được ký kết giữa Công ty An Lạc và Công ty Marc.
Theo đó Công ty An Lạc sẽ cho công ty con của Công ty Marc (công ty con sau này được xác định là Công ty Marone) thuê mặt bằng để phát triển một siêu thị dưới thương hiệu “Auchan”; hoặc bất cứ thương hiệu nào, do bên thuê quyết định. Từ đó, ngày 20.2.2017, Công ty An Lạc ký hợp đồng cho Công ty Marone thuê mặt bằng số 332 Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú), với tổng diện tích hơn 2.000 m2, gồm 3 tầng; thời hạn thuê là 20 năm (đến năm 2037) và ưu tiên gia hạn thêm.
Về giá thuê, các bên thỏa thuận 5 năm đầu là hơn 29 tỉ đồng và sẽ tăng 15% sau mỗi 5 năm dựa trên tiền thuê của 5 năm liền kề trước đó. Công ty Marone đặt cọc hơn 5,8 tỉ đồng và thanh toán tiền thuê của 5 năm đầu tiên. Tuy nhiên, sau khi siêu thị Auchan hoạt động được một thời gian, từ tháng 1.2019, Công ty Marone nhiều lần có thư đề nghị đề cập đến việc đóng cửa siêu thị và đề xuất chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng.
Đến ngày 18.4.2019, Công ty Marone lại có công văn gửi Công ty An Lạc với nội dung tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê và tiếp tục hoạt động kinh doanh siêu thị.
Song theo Công ty An Lạc, ngày 14.5.2019, Tập đoàn Auchan đã công bố việc chấm dứt hoạt động kinh doanh bán lẻ tại thị trường Việt Nam và rút toàn bộ vốn về nước. Đồng thời, ngày 20.5.2019, Công ty Marone gửi công văn cho Công ty An Lạc thông báo về việc đóng cửa siêu thị Auchan tại số 332 Lũy Bán Bích.
Từ những hành vi trên, Công ty An Lạc cho rằng Công ty Marone đã đơn phương chấm dứt hợp đồng và việc đơn phương này trái với thỏa thuận các bên trong hợp đồng cho thuê nên theo quy định pháp luật Công ty An Lạc yêu cầu Công ty Marone phải thanh toán tiền thuê từ năm thứ 6 đến năm thứ 20 với số tiền hơn 116 tỉ đồng.
Tranh cãi khi siêu thị Auchan đóng cửa, hợp đồng chấm dứt ?
Cũng tại phiên tòa này, Công ty An Lạc cho rằng căn cứ nội dung tại mục 14 phần B của hợp đồng thuê mặt bằng, các bên đã thỏa thuận mục đích thuê mặt bằng là Công ty Marone phát triển và kinh doanh siêu thị tại mặt bằng. Nay Công ty Marone thông báo đóng cửa siêu thị Auchan, rút khỏi thị trường Việt Nam, và tìm kiếm đối tác khác để chuyển nhượng lại mặt bằng thuê, là vi phạm thỏa thuận về mục đích thuê.
Theo An Lạc, việc đóng cửa siêu thị đồng nghĩa với việc mục đích thuê mà các bên cam kết là không đạt được. Điều này chứng minh rằng Công ty Marone đã có hành vi vi phạm và đơn phương chấm dứt hợp đồng nên bên thuê là Công ty Marone phải trả một khoản tiền tương ứng với giá trị tiền thuê của tổng thời hạn thuê còn lại của hợp đồng thuê, trong đó tiền đặt cọc và tiền thuê chưa sử dụng được khấu trừ vào khoản đền bù này (khoản b điều 23.2 hợp đồng thuê mặt bằng).
Không đồng ý, tại tòa, Công ty Marone trình bày công ty chưa từng có thông báo chấm dứt hợp đồng mà chỉ đề xuất chấm dứt. Từ đề xuất này, các bên sẽ thỏa thuận với nhau nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các bên. Nhưng khi không đạt được thỏa thuận, Công ty Marone vẫn đang tiếp tục thực hiện hợp đồng dựa vào việc đã trả tiền thuê mặt bằng của 5 năm.
“Chúng tôi ý thức được chấm dứt trước 5 năm thì sẽ đóng phạt rất lớn, nên chúng tôi đề xuất để thỏa thuận, không được thì sẽ chờ vào cuối giai đoạn 5 năm để chấm dứt, theo điều 23.1.a”, đại diện ủy quyền Công ty Marone nói.
Ngoài ra, Công ty Marone nêu khi đóng cửa siêu thị Auchan, công ty đã tìm mọi phương án để chuyển nhượng lại mặt bằng cho bên thứ 3, nhưng Công ty An Lạc không đồng ý, dẫn đến các bên tranh chấp. Tuy nhiên, tại tòa, Công ty An Lạc phản bác, khi Công ty Marone có ý định đóng cửa siêu thị Auchan, trong các công văn họ gửi Công ty An Lạc, Công ty Marone chỉ nói sẽ chuyển cho bên thứ 3, nhưng họ không nói đó là ai; sau này việc Saigon Co.op nhận chuyển giao tất cả hoạt động Auchan tại Việt Nam, Công ty An Lạc chỉ biết thông qua báo chí.
“Phía đại diện của Công ty Marone nói chưa hề có thông báo chấm dứt hợp đồng nhưng hành vi chấm dứt hợp đồng không thể dựa vào một lời nói mà đã được chứng minh bằng chuỗi hành động thực tế của họ, bắt đầu từ việc họ gửi văn bản đề nghị chấm dứt, sau đó họ đưa thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thương hiệu Auchan sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam, đặc biệt là khi họ đã đóng cửa mặt bằng siêu thị Auchan và di dời toàn bộ tài sản ra khỏi mặt bằng thuê”, đại diện ủy quyền Công ty An Lạc tranh luận.
Với nền tảng được thành lập từ năm 1960, hệ thống siêu thị Auchan được xem là thương hiệu bán lẻ lớn nhất của Pháp. Năm 2016, sau quá trình nghiên cứu thị trường Việt Nam, ông Philippe Longuet, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Auchan, đã từng thông tin trên các phương tiện đại chúng rằng công ty lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD để phát triển chuỗi siêu thị tại Việt Nam. Đồng thời, trong năm 2016, Tập đoàn Auchan cũng xác nhận, trước tiên sẽ mở chuỗi gồm 15 siêu thị tại TP.HCM và dự kiến sẽ phát triển lên khoảng 20 cửa hàng tại TP.HCM cho đến năm 2020.
Tuy nhiên, việc không đạt lợi nhuận như kỳ vọng là một trong những nguyên nhân khiến nhà bán lẻ ngoại này quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam. Đến tháng 6.2019, Tập đoàn Auchan đã chính thức ký chuyển nhượng hoạt động 15 siêu thị của tập đoàn cho nhà bán lẻ trong nước là Saigon Co.op.
|
Bình luận (0)